Dịch chiết trichobrachin do Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM nghiên cứu sản xuất giúp bảo quản thanh long được 15 ngày ở nhiệt độ thường và giảm hư hỏng hơn 80% so với việc không sử dụng chất bảo quản.

Theo ông Nguyễn Ngọc Duy, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nói trên, Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu thanh long lớn, nhưng công nghệ trong và sau thu hoạch còn yếu nên nên thất thoát sau thu hoạch vẫn là thách thức. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu lại thuận lợi cho các loại nấm phát triển; trong quá trình thu hoạch, bảo quản thanh long, các loại nấm nảy mầm trên bề mặt tiếp xúc, rồi xâm nhập vào trong mô, gây hoại tử, sần sùi trái, làm giảm giá trị thương phẩm. Đặc biệt, thời gian gần đây, phải kể đến bệnh đốm nâu phát triển mạnh và gây thiệt hại lớn cho người trồng, nhất là ở Bình Thuận, Tiền Giang, và Long An.

Chế phẩm
Chế phẩm trichobrachin. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Các phương pháp bảo quản thanh long trong nước hiện nay chủ yếu tập trung vào bảo quản nhiệt và hoá chất. Tuy nhiên, xử lý nhiệt thường gây bỏng trái, còn dùng hóa chất không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, các hợp chất được tách chiết từ nấm Trichoderma sp. - một chủng nấm có lợi, phát triển quanh khu vực rễ cây - có khả năng phòng, trừ nhiều loại nấm có hại cho cây trồng như gliovirin, gliotoxin, pyrones,... và ức chế nhiều vi sinh vật gây hại. Năm 2018, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã tách thành công dịch chiết trichobrachin từ Trichoderma sp. để phòng trừ một số loại nấm bệnh gây hại cây trồng (tỉ lệ ức chế nấm bệnh Neoscytalidium dimidiatum trên cây thanh long là 93,7% và tỉ lệ ức chế nấm Fusarium đạt 93,1%). Dựa vào kết quả nghiên cứu này, Trung tâm đã nghiên cứu ứng dụng sản phẩm dịch chiết trichobrachin vào việc bảo quản thanh long sau thu hoạch.

t
Thanh long bị nhiễm nấm không được xử lý bằng dịch chiết trichobrachin (trái) và được xử lý bằng trichobrachin. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Theo đó, nấm Trichoderma sp. được nuôi cấy 5 ngày trên đĩa thạch (250g/l khoai tây, 20g/l dextrose, 20g/l Agar), sau đó cắt ra một mảnh đường kính 10 mm và cấy vào trong bình chứa môi trường PD (250g/l khoai tây, 20g/l dextrose, 6g/l axit amin tổng hợp). Các bình này được nuôi trên máy lắc (quay 160 vòng/phút) trong 5 ngày. Sau các công đoạn tiếp theo như lên men, thu dịch lọc, tủa bằng butanol, phân đoạn butanol, cô quay chân không sẽ thu được phân đoạn dạng khô của dịch chiết Trichobrachin. Sau đó, tạo chế phẩm dạng lỏng có chứa dịch chiết trichobrachin.

Những trái thanh long sau thu hoạch không bị tổn thương được rửa sạch bề mặt, để khô, rồi nhúng qua dịch chứa trichobrachin 1,5ml/l, trong 2 phút, tiếp tục để khô rồi đựng trong thùng carton có vách ngăn không quá chật để tránh làm gẫy tai. Bảo quản ở điều kiện nhiệt độ 5 - 25°C, kho chứa thông thoáng, độ ẩm từ 90 - 95%.
Thanh long được bảo quản bằng chế phẩm
Thanh long được bảo quản bằng chế phẩm trichobrachin. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

Kết quả thử nghiệm cho thấy, chất lượng thanh long ổn định trong suốt thời gian bảo quản. Thời gian bảo quản thanh long ở nhiệt độ phòng (khoảng 32°C) lên đến 15 ngày, giảm hư hỏng đến hơn 80% so với không sử dụng chế phẩm trichobrachin.

Ngoài ra, dùng chế phẩm trichobrachin để xử lý trái bị nhiễm nấm Neoscytalidium dimidiatum (đốm nâu) thì sau 7 ngày, tỷ lệ nhiễm nấm chỉ còn hơn 10%; trong khi trái không dùng chế phẩm trichobrachin bị hỏng hoàn toàn. Như vậy, nếu bảo quản bằng trichobrachin, không chỉ giúp tươi lâu, mà còn ức chế được nấm bệnh trên trái thanh long.

Dịch chiết trichobrachin là một chế phẩm sinh học có thể thay thế dần thuốc hóa học trong việc bảo quản thanh long. Quy trình có thể ứng dụng cho sản xuất quy mô lớn, nhằm tăng hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng. Hiện nhóm nghiên cứu tiếp tục thử nghiệm việc kết hợp chế phẩm trichobrachin với chế phẩm tạo màng sinh học nhằm tăng hiệu quả bảo quản.