Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 đã xây dựng và phát triển phương pháp định danh nấm mốc, dựa vào việc quan sát hình thái trên kính hiển vi. Qua đó, có thể quan sát rõ cấu trúc sợi, hình thái bào tử và các cấu trúc điển hình khác của các loại nấm mốc khác nhau.
Nấm mốc là nhóm vi sinh vật rất đa dạng về mặt phân loại, bao gồm hơn 4.000 loài có màu sắc, cấu trúc phong phú, độc đáo. Chúng thường mọc dưới dạng sợi nhỏ đa bào được gọi là sợi nấm (hyphae), sinh sản bằng cách tự phân đôi tạo ra các bào tử. Điều kiện thích hợp cho sự phát triển của nấm mốc là môi trường ẩm ướt, kém vệ sinh với khoảng nhiệt độ tối ưu từ 21- 32oC. Tuy nhiên, một số loài mốc có thể sinh trưởng từ 0 – 50oC và cũng có loài chịu được điều kiện khô hạn.
Nấm mốc trong môi trường sống và trong thực phẩm đều có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người. Năm 2004, Viện Y học (Institute of Medicine, IOM) đã chứng minh có sự liên quan giữa việc tiếp xúc trong nhà với nấm mốc và các triệu chứng đường hô hấp trên, ho và thở khò khè ngay cả ở những những người khỏe mạnh bình thường. Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy mối liên kết tiềm tàng giữa việc tiếp xúc với nấm mốc trong giai đoạn đầu và sự phát triển bệnh hen suyễn, viêm phổi ở một số trẻ em. Ngoài ra, việc tiêu thụ các loại thực phẩm nhiễm mốc cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, đặc biệt các loại mốc có khả năng sản sinh ra độc tố họ mycotoxin - tiếp xúc với độc tố này ở nồng độ cao có thể dẫn đến các vấn đề về thần kinh, thậm chí gây tử vong.
Do những tác hại của nấm mốc đến chất lượng thực phẩm cũng như sức khoẻ con người, vật nuôi, vấn đề kiểm soát nấm mốc ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành hướng dẫn bổ sung về chất lượng không khí trong nhà liên quan đến độ ẩm và nấm mốc. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành rất nhiều qui chuẩn qui định về giới hạn ô nhiễm nấm mốc trong chất lượng không khí trong nhà và những nhóm sản phẩm như thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, nước và ngay cả các sản phẩm mỹ phẩm, hàng tiêu dùng,…
Để đáp ứng nhu cầu kiểm soát trên, các phương pháp định lượng men mốc theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO, AOAC, FDA,..) cũng như tiêu chuẩn quốc gia (TCVN, QCVN) đã được xây dựng và áp dụng rộng rãi trong hầu hết tất cả các phòng thí nghiệm.
Hiện nay, ngày càng có nhiều nhà máy sản xuất rơi vào tình trạng nhiễm vi sinh trong sản phẩm cũng như nhà xưởng, đặc biệt là nhiễm nấm mốc. Vấn đề càng trở nên đáng lo ngại với một quốc gia có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam do đây là điều kiện rất thuận lợi cho sự phát triển nấm mốc. Do nấm mốc rất đa dạng về đặc điểm hình thái, sinh lý, sinh hoá nên việc loại bỏ các loài nấm mốc khác nhau cần có các biện pháp xử lý khác nhau. Để có thể chủ động hơn trong việc kiểm soát môi trường sản xuất, điều tra nguyên nhân nhiễm mốc và có biện pháp xử lý phù hợp, bên cạnh việc định lượng nấm mốc theo các tiêu chuẩn hiện hành, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm, chú trọng đến việc định danh để xác định đến chi hoặc loài nấm mốc.
Để giải quyết vấn đề trên, Phòng thử nghiệm Vi sinh – GMO thuộc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) đã xây dựng và phát triển phương pháp định danh nấm mốc dựa trên việc quan sát hình thái trên kính hiển vi. Qua đó, có thể quan sát được rõ cấu trúc sợi, hình thái bào tử và các cấu trúc điển hình khác của các loại nấm mốc khác nhau. Phương pháp được phát triển dựa trên những nghiên cứu về hệ nấm mốc ở Việt Nam của TS Đặng Thị Hồng Miên, tài liệu nghiên cứu nấm và nấm gây hư hỏng thực phẩm của J.I.Pitt và A.D.Hocking,
Ngoài ra, Phòng thử nghiệm cũng đã sớm nghiên cứu và phát triển phương pháp định danh nấm mốc dựa vào khối phổ của protein ribosome, sử dụng kỹ thuật ion hoá laser kết hợp khối phổ thời gian bay (MALDI TOF MS) trên thiết bị Bruker MALDI Biotyper theo nguyên tắc phương pháp AOAC 2017.09, AOAC 2017.10 và MBT Filamentous Fungi Module.
Đây là phương pháp sử dụng công nghệ hiện đại giúp định danh vi sinh vật bằng dấu ấn phân tử, dựa trên sự so sánh độ tương đồng khối phổ protein ribosome của vi sinh vật mục tiêu với cơ sở dữ liệu khối phổ vi sinh vật chuẩn. Phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống như: kết quả định danh chính xác đến loài hoặc chi, thời gian thử nghiệm nhanh (khoảng 15-30 phút) sau khi phân lâp được khuẩn lạc, kĩ thuật thực hiện đơn giản, kết quả không bị ảnh hưởng bởi các loại môi trường nuôi cấy khác nhau.
Hai phương pháp trên đều có độ tin cậy cao, các thông số về độ chọn lọc mục tiêu, độ chọn lọc loại trừ được đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và thoả mãn yêu cầu về lựa chọn phương pháp thử phù hợp mục đích sử dụng của khách hàng. Với việc áp dụng 2 phương pháp trên, trong thời gian qua, QUATEST 3 đã và đang tiếp tục đồng hành cùng rất nhiều doanh nghiệp trong quá trình kiểm soát môi trường sản xuất, nghiên cứu sự đa dạng nấm mốc trong mẫu, xác định nguyên nhân hư hỏng, biến tính sản phẩm, nguyên nhân ngộ độc thực phẩm,… nhằm đưa ra các biện pháp xử lý hợp lý, kịp thời.
Quý khách hàng có nhu cầu định tư vấn về dịch vụ định danh nấm mốc, vui lòng liên hệ
Phòng Dịch vụ Khách hàng - Bộ phận nhận mẫu
- Địa chỉ: 64 Lê Hồng Phong, Phường 2, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
- Điện thoại: 028 392 323 30 - 028 220 030 12 - 028 392 323 29 - Email: dh.q5@quatest3.com.vn
- Thời gian làm việc: Thứ Hai đến Thứ Sáu 7:30 – 16:30; Thứ Bảy 7:30 - 11:30
Khu Thí nghiệm Biên Hoà
- Địa chỉ: 7 Đường số 1, KCN Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai