Du khách tới Acropolis - khu vực khảo cổ nổi tiếng nhất Hy Lạp - vào kỳ nghỉ lễ năm nay sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh các di tích cổ đại hoàn chỉnh nhờ một ứng dụng thực tế ảo tăng cường (AR) trên điện thoại di động.

Ứng dụng này được đặt theo tên vị vua Chronos trong thần thoại, có nghĩa là “thời gian” trong tiếng Hy Lạp. Một cái tên không thể phù hợp hơn với chức năng của nó: người dùng như được quay ngược thời gian để ngắm nhìn thấy diện mạo của các di tích nơi đây từ 2.500 năm trước.

Chẳng hạn, khi du khách tới thăm đền Parthenon, họ chỉ cần hướng điện thoại đã được cài đặt ứng dụng Chronos vào địa điểm là sẽ thấy một loạt tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch hiện lên. Những tác phẩm này vốn đã bị mang đi khỏi ngôi đền từ hơn 200 năm trước và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Anh quốc ở London.

Hình ảnh ngôi đền Parthenon hiện ra khi dùng ứng dụng Chronos. Ảnh: Petros Giannakouris
Hình ảnh ngôi đền Parthenon hiện ra khi dùng ứng dụng Chronos. Ảnh: Petros Giannakouris

Ngoài ra, nhiều tác phẩm điêu khắc ở Acropolis được tô màu bằng các màu mạnh để du khách dễ nhận biết.

Những ai chưa có dịp đặt chân tới Acropolis cũng có thể sử dụng Chronos để quan sát hình ảnh giả lập của nó. Bạn thậm chí có thể phóng to, thu nhỏ từng chi tiết của di tích, đồng thời lắng nghe lời giới thiệu từ hướng dẫn viên du lịch ảo Clio.

Người dùng ở bất kỳ nơi đâu có thể dùng ứng dụng này để tham quan di tích. Ảnh: Phương Anh.
Người dùng ở bất kỳ nơi đâu có thể dùng ứng dụng này để tham quan di tích. Ảnh: Phương Anh.

Với Chronos, người dùng sẽ được tham quan Đền Parthenon, Thánh địa Artemis Brauronia, Tòa Chalkotheke, Nhà hát Odeon Herodes Atticus và Bảo tàng Acropolis.

Ứng dụng này do Công ty cung cấp dịch vụ viễn thông Hy Lạp Cosmote kết hợp với Bộ Văn hóa Hy Lạp phát triển với hy vọng rằng nó sẽ giúp biến các thành phố Hy Lạp thành địa điểm tham quan du lịch quanh năm.

Bộ Văn hóa và cơ quan du lịch của Hy Lạp rất nhiệt tình với chuyển đổi số. Trò chơi điện tử nổi tiếng Assassin's Creed Odyssey cho phép người chơi lang thang khắp thành Athens cổ, được dùng để thu hút du khách trẻ tuổi từ Trung Quốc.

Hai năm trước, Bộ Văn hóa Hy Lạp từng bắt tay với Microsoft để phát hành một tour tham quan kỹ thuật số tại đỉnh Olympia cổ xưa, nơi khai sinh ra Thế vận hội Olympic.

Du lịch, ngành công nghiệp thiết yếu của Hy Lạp, đã tăng mạnh trở lại kể từ sau đại dịch COVID-19, ngay cả khi các vụ cháy rừng khiến du khách ở một số địa điểm phải tháo chạy trong mùa hè này. Lượng du khách tới Hy Lạp đã tăng 21,9% lên 16,2 triệu trong bảy tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo doanh thu tăng hơn 20%, lên 10,3 tỷ euro (10,8 tỷ USD).

Nguồn: