Chỉ 10% kết quả nghiên cứu được thương mại hóa
Gian trưng bày giá thể gốm xốp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Triển lãm quốc tế thiết bị và công nghệ nông - lâm - ngư nghiệp Growtech 2017 lúc nào cũng tấp nập khách tham quan. PGS-TS Nguyễn Thế Hùng - tác giả công trình nghiên cứu - phấn khởi cho biết, mặc dù dự án “Nghiên cứu chế tạo, sử dụng và thương mại hóa giá thể gốm xốp kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp” vẫn chưa kết thúc nhưng đến nay sản phẩm gốm xốp đã được nhiều người biết đến và đặt mua hàng.
Có được thành công bước đầu này PGS Hùng cho biết, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu kỹ thị trường và quan trọng hơn “công nghệ này đơn giản nên người nông dân dễ hiểu, dễ làm. Chúng tôi luôn tâm niệm, mình phải đặt vào vai người nông dân để hiểu họ cần gì. Khi đó sản phẩm, công nghệ làm ra sẽ dễ thương mại hóa”.
Nhà sáng chế không chuyên Phạm Văn Hát giới thiệu với khách tham quan về máy phun thuốc sâu tại Triển lãm quốc tế thiết bị và công nghệ nông - lâm - ngư nghiệp Growtech 2017. Ảnh: Đoàn Dung
Tuy nhiên trên thực tế số đơn vị nghiên cứu và thương mại hóa được
sản phẩm như đơn vị ông Hùng không phải là nhiều. Theo ông Phạm Đức
Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp
KH&CN, số lượng các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa trong
lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ đạt dưới 10%. Nguyên nhân là do từ trước
đến nay các hoạt động hỗ trợ, tài trợ cho nghiên cứu chủ yếu dừng lại ở
sản phẩm pilot (thử nghiệm) và demo, chưa chú trọng nhiều đến các hoạt
động hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường.
“Các
nhà khoa học Việt Nam rất giỏi công nghệ nhưng khả năng marketing, làm
thị trường chưa thực sự tốt. Chính vì thế mà nhiều sản phẩm của chúng ta
được đánh giá là tiềm năng nhưng chưa vươn ra được thị trường quốc tế” -
ông Nghiệm nhận định.
Một nguyên nhân nữa khiến cho số lượng các kết quả nghiên cứu được thương mại hóa còn thấp là do thị trường công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang trong giai đoạn hình thành, sản phẩm KH&CN chưa thực sự phong phú, sự tham gia của khu vực tư nhân còn hạn chế; nhu cầu về sản phẩm KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp chưa cao, chưa tạo dựng được môi trường cạnh tranh thực sự để buộc doanh nghiệp phải chú trọng đến đổi mới công nghệ đặc biệt đối với một nước có truyền thống nông nghiệp lâu đời như Việt Nam.
“Đồng thời, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động hỗ trợ thương mại hóa các tài sản trí tuệ giống cây trồng, sáng chế phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, thủ tục rườm rà, kéo dài, nhận thức của doanh nghiệp về tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ còn thấp dẫn đến nhiều hạn chế trong việc đưa các sáng chế vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp” - ông Nghiệm phân tích.
Hình thành các định chế trung gian thời 4.0
TS Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho rằng để tăng cường thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp thì phải có các nhà môi giới, các doanh nghiệp cùng tham gia bởi nhà khoa học nhiều khi chỉ chú trọng đến các kết quả nghiên cứu, hoàn thiện quy trình mà ít chú trọng đến thương mại hóa sản phẩm. Trong khi đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp thực tế ở nước ta hiện nay mặc dù đã được hình thành nhưng vẫn còn ít và chưa tương ứng với nhu cầu và tiềm năng của thị trường dẫn đến chuyện bên có nhu cầu công nghệ không gặp được bên cung hoặc khi gặp được rồi không đàm phán được.
“Đây là điểm nghẽn và là khó khăn dẫn tới việc có rất nhiều đề tài, kết quả nghiên cứu được đánh giá là công nghệ tốt, có tính ưu trội so với quốc tế và khu vực nhưng lại chậm được chuyển giao và sản xuất thành công” - ông Nghiệm nói và cho biết trong thời gian tới, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN sẽ triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong đó có nội dung quan trọng là lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa và hỗ trợ để triển khai vào sản xuất.
Để giải quyết vấn đề này, bà Bùi Thị Huy Hợp - tư vấn chiến lược Công ty CPTM Bitdeal Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh xu hướng nền công nghiệp 4.0 cần thay đổi phương thức mua bán, kết nối dịch vụ truyền thống sang mua bán và kết nối dịch vụ online bởi xu hướng tiêu dùng tại thế giới và Việt Nam đã và đang thay đổi mạnh mẽ với việc sử dụng wifi, smartphone, các thiết bị thông minh.
“Hiện nay mô hình kinh tế chia sẻ với các hình thức thanh toán điện tử như sử dụng công nghệ chuỗi khối blockchain, chạy trên nền tảng điện thoại thông minh và máy tính bảng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng giúp tiết kiệm chi phí sử dụng sản phẩm và dịch vụ mỗi ngày, tiết kiệm thời gian tìm kiếm các doanh nghiệp uy tín cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng, tận hưởng sự tiện ích của cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại” - bà Hợp nói và cho biết app Bitdeal giúp kết nối giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp có sản phẩm, công nghệ cần phân phối bằng cách người dùng chỉ cần tải phần mềm, bật ứng dụng, tìm kiếm thông tin; còn doanh nghiệp (nhà cung cấp) có thể vào app chủ động tự set sản phẩm, công nghệ của mình.
“Như vậy, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều chủ động tìm đến nhau: Một bên được mua sản phẩm đúng theo nhu cầu thực, một bên nhận được ngay doanh thu tự sự chủ động kết nối bán sản phẩm” - bà Hợp phân tích.
Nhận thức được điều này, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trong thời gian tới, ngoài việc sử dụng các hình thức kết nối truyền thống, 1 phương thức mà các doanh nghiệp, các nhà khoa học cần nghĩ đến đó là sử dụng các phần mềm hỗ trợ như bitDeal. Còn ông Phạm Đức Nghiệm hi vọng, với hình thức giao dịch mới này, khoảng 5-7 năm sẽ có hàng trăm tổ chức chuyên nghiệp, hàng ngàn các nhà tư vấn sẽ được tạo ra và bài toán của chúng ta sẽ được giải quyết.