Tế bào gốc là những tế bào chưa biệt hóa có khả năng phân chia vô hạn trong các tổ chức sống, có nguồn gốc từ phôi, thai hay mô cơ thể trưởng thành. Trong điều kiện thích hợp hay có tín hiệu kích thích, tế bào gốc sẽ biệt hóa thành các tế bào có hình dạng và chức năng chuyên biệt như tế bào cơ tim, tế bào da, tế bào thần kinh, tế bào máu.
Chính bởi những khả năng đặc biệt này, tế bào gốc đang được sử dụng để điều trị khoảng 1.000 bệnh lý khác nhau trên thế giới, trong đó, khoảng 80 bệnh lý sử dụng tế bào gốc để điều trị thường quy, tức được ứng dụng rộng rãi và được chấp nhận bởi hầu hết các thầy thuốc. Ngoài ra, công nghệ tế bào gốc cũng đang phát huy mạnh mẽ trong sản xuất thuốc, sản xuất thịt từ phòng thí nghiệm, hay bảo tồn nguồn gene thực vật và động vật bản địa…
Phát biểu tại hội thảo về công nghệ tế bào gốc do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuối tháng 12/2017, PGS-TS Phạm Văn Phúc – Viện trưởng Viện tế bào gốc (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, sau hơn 20 năm phát triển, tại Việt Nam, công nghệ tế bào gốc đã được ứng dụng trong điều trị thử nghiệm ở 21 bệnh trên người. Có thể kể tới giải pháp ghép tế bào gốc tự thân điều trị bại não ở trẻ em (Bệnh viện Quốc tế Vinmec), điều trị xơ gan tổn thương cơ xương khớp khó liền (Bệnh viện Trung ương quân đội 108), công nghệ phân tách tế bào gốc từ mô mỡ điều trị thoái hóa khớp (Học viện Quân y)… với tỷ lệ thành công đạt 70-80%. Bộ Y tế cũng đã cho phép điều trị thường quy các bệnh lý về máu và thoái hóa khớp có sử dụng công nghệ tế bào gốc.
Tuy nhiên, PGS Phạm Văn Phúc chỉ ra rằng, “Việt Nam vẫn chưa làm chủ được những công nghệ quan trọng” như phương pháp tinh sạch tế bào gốc, công nghệ nuôi cây tăng sinh tế bào, công nghệ nuôi cấy 3D hay nuôi cấy trên quy mô lớn và trong điều kiện đặc biệt.
“Đây là những công nghệ quan trọng nhưng khoảng cách của chúng ta với thế giới vẫn còn khá xa. Trong 53 đơn vị nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở Việt Nam hiện nay, có chưa đến 10% đơn vị làm nghiên cứu và phát triển, còn lại chỉ nghiên cứu hoặc phát triển và ứng dụng. Năng lực công nghệ của các trung tâm này cũng mới dừng ở mức một – thao tác tế bào gốc chưa nuối cây invitro, chưa tinh sạch” – PGS Phúc cho biết.
Trong khi đó, cuộc điều tra do Viện Tế bào gốc (TP Hồ Chí Minh) tiến hành năm 2016 cho thấy, người dân Việt Nam đang có nhu cầu được điều trị các bệnh ác tính như ung thư, tiểu đường, các bệnh tim mạch… bằng công nghệ tế bào gốc. Rõ ràng, các nhà khoa học còn phải nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.
Được biết, với vai trò nhà đầu tư quan trọng nhất, 10 năm qua (tính đến năm 2016), Chính phủ Việt Nam đã chi khoảng 10 triệu USD cho nghiên cứu tế bào gốc. So sánh dễ có nguy cơ khập khiễng, nhưng chúng tôi vẫn xin dẫn lại thông tin mà PGS Phúc đưa ra tại hội thảo nói trên như một tham khảo: riêng năm 2016, nước Mỹ đã đầu tư 1,4 tỷ USD cho lĩnh vực này.