Đối với khu vực Nhà nước, Thủ tướng đòi hỏi phải “có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới”. Môi trường thể chế, chính sách, pháp luật phải thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển.
Thủ tướng và các đại biểu tham quan các gian hàng tại triển lãm. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung
xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây
là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với
chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất
lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Trong
cuộc
cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hội tụ của công nghệ tiên tiến tạo
điều kiện thuận lợi phát triển công nghiệp thông minh, tạo ra những khả
năng hoàn toàn mới trong sản xuất kinh doanh, tác động sâu sắc tới nền
kinh tế toàn cầu và từng quốc gia. Theo đó Thủ tướng cho rằng cả hệ
thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần chung tay, vào
cuộc trong phong trào đổi mới, sáng tạo, chủ động nắm bắt và khai thác
có hiệu quả các cơ hội lớn mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp và động lực phát triển của công nghệ mới, công nghiệp thông minh và trong thương mại hóa, Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp phải có tầm nhìn, mơ ước lớn vượt ra biên giới quốc gia, đưa sản phẩm và dịch vụ sản xuất tại Việt Nam chinh phục thị trường trong nước, thế giới; góp phần làm thay đổi, nâng tầm thị hiếu của người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, quốc tế.
Ba câu hỏi cần trả lời
Từ khát vọng và mong muốn đó, Thủ tướng đã đặt ba câu hỏi cần được giải đáp, đó là: “Việt Nam đang ở đâu?; Các nước đang làm gì?, Việt Nam cần làm gì để phát triển thành công nền kinh tế số, công nghiệp thông minh?”.
Để trả lời những câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng cần đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh, nhất là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức; làm rõ những lợi thế của Việt Nam trong phát triển kinh tế số, nhất là về nguồn nhân lực và sự năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân, của mọi doanh nghiệp.
Thủ tướng đề nghị cần chỉ ra và nghiên cứu kỹ, phân tích cụ thể kinh nghiệm quốc tế để tránh bài học thất bại, áp dụng bài học thành công. Thủ tướng mong muốn được nghe những đề xuất, kiến nghị cụ thể về chiến lược, định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số, công nghiệp thông minh ở Việt Nam thời gian tới, trong đó chú trọng tính hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.
Khẳng định đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và phức tạp, nhất là trong bối cảnh nguồn lực còn hạn hẹp và trình độ phát triển kinh tế-xã hội chưa cao, song Thủ tướng kỳ vọng sự nỗ lực chung, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành việc làm và hành động cụ thể; chuyển hóa được công nghệ và ý tưởng sáng tạo thành giá trị gia tăng, giải quyết được vấn đề của thực tiễn đặt ra, tạo được việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới.