Ngoài ra cũng đã đào tạo hàng nghìn lượt người, tạo hàng nghìn lao động thu nhập cao đồng thời thu được rất nhiều kiến thức phong phú về thực tiễn để bổ sung hoàn thiện các vấn đề đang nghiên cứu.
PGS-TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau, quả cơ quan trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - nói về cái được khi đơn vị ông tham gia chuyển giao công nghệ trong chương trình Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (chương trình Nông thôn - Miền núi) từ những năm đầu Bộ KH&CN bắt đầu triển khai chương trình này.
Dân có công nghệ - nhà khoa học có đầu bài
Cho đến nay, Viện Nghiên cứu rau, quả từng đến chuyển giao công nghệ cho 22 tỉnh, thành trong cả nước, từ Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, đến Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh… Theo đó, các giống rau, hoa, quả mới và quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái bảo quản, rau, hoa, quả đã được chuyển giao; đào tạo cho hàng nghìn lượt người.
Viện cũng xây dựng hơn 100 mô hình sản xuất rau an toàn, hoa, quả có năng suất, chất lượng cao tại các địa phương. Thu nhập từ các mô hình này đạt 450-500 triệu đồng/ha/vụ; nhiều mô hình hoa cao cấp (lily, lan hồ điệp) đạt 3-5 tỷ đồng/ha/năm, trong đó lợi nhuận đạt được từ 25-30%, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập cao. “Nhờ kết quả chuyển giao này mà hiện nay ở hầu hết các tỉnh thành đều có những cán bộ, người dân có kiến thức cơ bản về lĩnh vực sản xuất rau an toàn, cây ăn quả, cây hoa giống mới có chất lượng cao”.
Cũng qua việc chuyển giao các mô hình này, các nhà khoa học thấy được những vấn đề tồn tại trong nghiên cứu để từ đó bổ sung, hoàn thiện các sản phẩm khoa học cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn” - TS Đông nói.
Cần làm rõ vai trò của cơ quan chuyển giao công nghệ
Bước vào thực hiện giai đoạn 2016-2025, chương trình Nông thôn - Miền núi đã có nhiều đổi mới, gắn với doanh nghiệp, sản xuất sản phẩm theo chuỗi an toàn bền vững sẽ giúp nâng cao tính hiệu quả trong chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm từ các mô hình. Tuy nhiên để phát huy được hơn nữa hiệu quả của chương trình hơn nữa, theo TS Đông việc lựa chọn công nghệ và cơ quan chuyển giao công nghệ phù hợp (hoặc điều chỉnh cho phù hợp) với địa phương, vùng miền và đối tượng tiếp nhận dự án là việc có ý nghĩa, quyết định tới hiệu quả, thành công của các dự án cũng như của cả Chương trình.
“Có thể cơ quan khoa học nghiên cứu được rất nhiều bộ giống, quy trình công nghệ, nhưng không phải tất cả các sản phẩm đó đều có thể được chuyển giao mà phải tùy địa phương với các điều kiện sinh thái, tập quán canh tác, khả năng kinh tế, thị trường để lựa chọn chuyển giao, có như vậy hiệu quả mới cao và mới bền vững” - ông Đông nhấn mạnh.
Ngoài việc lựa chọn đúng công nghệ để chuyển giao, ông Đông cho rằng cần phải làm rõ hơn nữa trách nhiệm của chủ trì dự án và cơ quan chuyển giao công nghệ. “Hiện nay kinh phí toàn bộ dự án đều chuyển cho cơ quan chủ trì dự án, trong trường hợp cơ quan chủ trì dự án không tích cực thực hiện hoặc cơ quan chủ trì dự án chậm trả kinh phí cho cơ quan chuyển giao thì vấn đề này sẽ giải quyết thế nào? Do vậy, vấn đề này cần được quy định, hướng dẫn rõ ràng hơn”.