Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế và khiến các startup- đa phần đều ở trong giai đoạn trứng nước – phải đối mặt nhiều khó khăn chưa từng có. Tuy vậy, Covid-19 cũng tạo ra một bối cảnh chăm sóc sức khỏe đặc biệt và tạo cơ hội mới cho một ngành còn non trẻ, đó là y tế số.

Theo thống kê của Startup Health Insights về thị trường vốn vào startup y tế đổi mới sáng tạo, chỉ riêng trong quý I/2020, số các nhà đầu tư rót vào lĩnh vực này đạt 4,5 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức đầu tư cho y tế cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Ba startup đại diện cho ba nhóm startup y tế số tại Việt Nam gồm chẩn đoán/khám bệnh từ xa; quản lý dữ liệu y tế/lịch sử khám chữa bệnh, bệnh án; Nền tảng mua bán sản phẩm, dịch vụ y tế. chia sẻ về những đổi thay trong đại dịch.

Nguyễn Thành Phan - CEO Doctor Anywhere Việt Nam:Lượng người dùng thăm khám online tăng 600% so với trước dịch

Doctor Anywhere đặt trụ sở tại Singapore và mới bước vào thị trường Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe qua ứng dụng di động mà trong đó, dịch vụ cốt lõi là tư vấn sức khỏe qua video, đặt lịch khám bác sĩ chuyên khoa. Khách hàng có thể nhận tư vấn qua ứng dụng với các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, thời gian chờ đợi tối đa là 5 phút. Sau khi thăm khám, khách hàng sẽ nhận đơn thuốc và thuốc giao tận tay cùng các chỉ định cận lâm sàng nếu cần thiết.

Trước dịch COVID-19, chỉ tính riêng thị trường Việt Nam, trung bình một ngày Doctor Anywhere thực hiện khoảng 60 cuộc tư vấn qua ứng dụng và con số này đã tăng lên 350 khi dịch xảy ra, tương đương với mức tăng trưởng 600%. Nếu như trước đây Doctor Anywhere chỉ tập trung vào chuyên khoa Nội thì chỉ trong thời gian dịch bệnh 2 – 3 tháng, đã liên tục mở mới 3 chuyên khoa tiếp theo gồm Nhi, Tai Mũi Họng và Dinh Dưỡng nhằm đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe mà không lo lây nhiễm chéo của người dùng.

Ông Nguyễn Thành Phan - Giám đốc điều hành của Doctor Anywhere Việt Nam

Khi dịch qua đi, viễn cảnh người dân lại đổ xô đến các bệnh viện không phải không có căn cứ. Nhưng chúng tôi tin rằng khi đã được trải nghiệm sự tiện lợi và hiểu về dịch vụ y tế trực tuyến người tiêu dùng sẽ dần dần kết hợp giữa phương thức thăm khám trực tiếp và trực tuyến phù hợp theo từng trường hợp. Để duy trì và thu hút người sử dụng, Doctor Anywhere đã mở rộng mạng lưới tư vấn và thăm khám, hiện nay liên kết với gần 100 bệnh viện, phòng khám và các cơ sở y tế, 50 nhà thuốc, 100 bác sĩ thuộc các chuyên khoa đến từ các bệnh viện uy tín hàng đầu Việt Nam để luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dùng mọi lúc - mọi nơi.

Đợt dịch là lúc người dùng, các nhà đầu tư nhìn thấy rõ ưu thế của y tế số nên Doctor Anywhere cũng gọi vốn được 27 triệu USD trong vòng đầu tư mạo hiểm từ các quỹ đầu tư lớn gồm Square Peg - Quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất tại Úc, EDBI - thuộc Chính phủ Singapore và - Công ty vận hành bệnh viện IHH. Ngoài ra cũng gọi vốn thêm từ một số nhà đầu tư khác bao gồm Pavilion Capital - Công ty con của Temasek và cổ đông hiện tại - Kamet Capital. Nguồn vốn mới được rót đã nâng tổng số tiền gọi vốn của Doctor Anywhere vượt mức 40 triệu USD - một trong những cột mốc cao nhất bất kỳ Startup Y tế công nghệ nào tại Singapore đạt được trong khoảng thời gian dưới 2 năm.

Bà Dương Minh Hằng - CEO Infomed: Bệnh án điện tử là lựa chọn hợp lý và phù hợp để xây dựng mô hình bệnh viện trung tâm và vệ tinh hoặc mở rộng cơ sở khám chữa bệnh trong tương lai

Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, Infomed (thành viên của Tập đoàn thiết bị y tế Việt Nam - VMED Group) đã phát triển Giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0, bao gồm phần mềm bệnh án điện tử CLAS Healthcare giúp theo dõi bệnh nhân nhiễm virus trên hệ thống bệnh án điện tử tập trung, phần mềm truyền tải dữ liệu lâm sàng theo thời gian thực từ cơ sở điều trị đến các Trung tâm hỗ trợ và Trung tâm chỉ huy, phần mềm PACS trung tâm giúp chuyển dữ liệu chẩn đoán hình ảnh, cùng hệ thống video Conference và các thiết bị y tế chuyên dụng theo dõi trực tiếp các chỉ số sinh tồn của người bệnh.

Bà Dương Minh Hằng - CEO Infomed, Tập đoàn VMED

Giải pháp tổng thể này giúp triển khai một hệ thống chỉ huy điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-COV-2 xuyên suốt từ Bộ Y tế tới các Trung tâm hỗ trợ tại các khu vực và Trung tâm điều trị tại các bệnh viện. Qua đó, các chuyên gia y tế chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm hội chẩn, nhanh chóng giúp các bác sĩ tuyến dưới nhận định triệu chứng, tiên lượng, và đưa ra hướng điều trị đúng. Điều này giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ tử vong của bệnh. Với giải pháp này, các bác sỹ, chuyên gia ngồi ở đâu cũng có thể cùng quan sát các chỉ số sinh tồn online diễn ra liên tục của người bệnh, đọc các thống kê phân tích từ các bệnh án CLAS Healthcare, giúp giảm bớt rủi ro y tế khi cứu chữa khẩn cấp.

Việc ứng dụng bệnh án điện tử còn giúp các bác sỹ tại bệnh viện có thể đi buồng điện tử trực tuyến để khám chữa các bệnh nhân, thay vì phải đến thăm khám tận giường bệnh, góp phần quan trọng nhằm giảm bớt rủi ro lây nhiễm khi dịch bệnh bùng phát.

Ở quy mô bệnh viện, giải pháp này giúp các bệnh viện không cần chuyển tuyến cho bệnh nhân mà vẫn nhận được các sự hỗ trợ trực tuyến đầy đủ, hội chẩn từ các bác sỹ đầu ngành trên cả nước. Chất lượng khám chữa bệnh từ đó cũng ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Bệnh án điện tử CLAS Healthcare được xây dựng với một kiến trúc “mở”, có thể sẵn sàng tích hợp được với rất nhiều các giải pháp khác nhằm đem lại tiện ích tốt nhất cho các y bác sĩ, điều dưỡng. Hiện CLAS Healthcare có khoảng 30 phân hệ lớn nhỏ giúp hỗ trợ quản lý thông tin bệnh án, thông tin tiền sử của bệnh nhân, quản lý nhân viên, chỉ định, thuốc, cận lâm sàng…

Qua đợt đại dịch Covid-19, nhiều bệnh viện đã nhận thấy giải pháp này là lựa chọn hợp lý khi xảy ra dịch bệnh, và rất phù hợp để xây dựng mô hình bệnh viện trung tâm và các bệnh viện vệ tinh hoặc mở rộng cơ sở khám chữa bệnh mới trong tương lai. Tất nhiên, để đảm bảo việc áp dụng thành công không chỉ cần yếu tố chất lượng sản phẩm, mà còn phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của lãnh đạo bệnh viện và sự đồng lòng thay đổi của đội ngũ y bác sĩ, các nhân viên y tế.

Ngô Hải Linh, giải pháp kết nối nhà thuốc Medlink: Số lượng nhà thuốc chủ động dùng phần mềm quản lý tăng mạnh

Trước đại dịch, có rất ít nhà thuốc cảm thấy cần và có mong muốn chuyển đổi số. Họ ngần ngại và không mấy vui vẻ khiến đội ngũ Medlink phải mất nhiều thời gian để thuyết phục và giải thích về mô hình hoạt động của các dịch vụ kết nối cho các nhà thuốc (giữa công ty dược với nhà thuốc, giữa nhà thuốc với người dùng). Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều nhà thuốc chủ động liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ cài đặt và tư vấn online. Trong quý I/2020, số lượng nhà thuốc tham gia vào hệ thống của Medlink đã tăng thêm 15%. Tương tự, cả phía các doanh nghiệp cung cấp quan tâm hơn đến ứng dụng kết nối.

Đội ngũ Medlink giới thiệu sản phẩm tại một triển lãm.

Trong cùng thời gian này, các nhà đầu tư rót vốn nhiều cho các startup y tế, cho chúng ta thấy hai bức tranh: Một là, tất cả các bên đều nhận thấy cơ hội phát triển của y tế số, hai là, thời gian tới có thể sẽ bùng nổ các startup liên quan đến y tế. Điều này có nghĩa là, chúng tôi sẽ có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh hơn, vô hình chung buộc bản thân startup phải không ngừng hoàn thiện hệ thống, hoàn thiện nền tảng, đội ngũ, kỹ thuật nhằm đem lại cho người dùng những trải nghiệm tốt nhất.

Để thu hút các nhà thuốc tiếp tục tham gia vào hệ thống của mình, chúng tôi tiếp tục cải tiến thêm nhiều tiện ích như phương thức quản lý chặt chẽ hơn so với phần mềm cùng loại, báo cáo doanh thu hàng ngày, kết nối trực tuyến nhà thuốc với các doanh nghiệp dược để họ có giá nhập hàng tốt nhất và kết nối nhà thuốc với người dùng.

Trong thời gian dịch đã có các startup khác gọi vốn được ở mức triệu đô: eDoctor cũng vừa nhận đầu tư khoảng 1 triệu USD từ 4 quỹ đầu tư lớn là CyberAgent Capital, Genesia Ventures (Nhật Bản), Bon Angels và Nextrans (Hàn Quốc). Thuocsi.vn cũng nhận được 2,5 triệu USD với đặt mục tiêu đơn giản hóa ngành phân phối dược phẩm ở Việt Nam và Đông Nam Á.