Các nhà nghiên cứu từ tập đoàn điện tử Intel đã kết hợp với trường Đại học Y khoa Perelman (thuộc Đại học Pennsylvania của Mỹ) sử dụng phần cứng và phần mềm do Intel phát triển để tạo ra một mô hình AI (trí tuệ nhân tạo) nhằm phát hiện sớm các khối u gây ra bệnh ung thư não.

Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp phát hiện sớm các căn bệnh nan y - Ảnh: Internet
Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp phát hiện sớm các căn bệnh nan y - Ảnh: Internet

Dự án này dựa trên một kỹ thuật có tên là Federated learning (tạm dịch là Học tập liên kết) đào tạo một thuật toán trên các máy chủ phi tập trung để các bệnh viện có thể làm việc cùng nhau, chia sẻ dữ liệu bệnh nhân mà không vi phạm các quyền riêng tư của họ.

Điều này sẽ cho phép các tổ chức nghiên cứu y tế của Mỹ, Canada, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ và Ấn Độ tạo ra một bộ dữ liệu lớn hơn nhiều so với bất kỳ tổ chức nào có thể tự mình làm được.

Nghiên cứu trước đây của Intel và Perelman School of Medicine đã chứng minh rằng việc xây dựng một mô hình liên kết các dữ liệu sẽ có hiệu quả hơn 99% so với việc đào tạo các mô hình AI bằng phương pháp truyền thống.

Kỹ sư chính của Intel, ông Jason Martin cho biết không rõ mất bao lâu để phát triển mô hình này nhưng dự án đang được Viện sức khỏe quốc gia (NIH) và Hiệp hội Ung thư não của Mỹ (ABTA) tài trợ trong 3 năm với số tiền lên đến 1,2 triệu USD.

Trước mắt, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung vào việc dùng AI để phát hiện các khối u não. Theo đại diện của Intel, nghiên cứu này sẽ thúc đẩy cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong việc xác định sớm các căn bệnh khác.