Trên thực tế, các startup giai đoạn đầu phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp truyền thống để thuê nhóm người tìm việc đang ngày càng tăng từ những đợt sa thải của các công ty công nghệ lớn.
Ba nhóm nhân sự mà các công ty ưu tiên tuyển dụng là kỹ thuật, phát triển kinh doanh và bán hàng, tiếp thị và quan hệ công chúng. Trong đó, mức lương trả cho các kỹ sư hoặc nhà khoa học dữ liệu cao hơn khoảng 38% so với các vị trí phi công nghệ.
Glints và Monk’s Hill Ventures đã phân tích hơn 10.000 điểm dữ liệu từ các tin tuyển dụng trong cơ sở dữ liệu. Họ cũng khảo sát hơn 500 nhân viên và thực hiện 40 cuộc phỏng vấn với các nhà sáng lập, quỹ đầy tư và nhà điều hành tại Singapore, Indonesia và Việt Nam.
Oswald Yeo, đồng sáng lập kiêm CEO của Glints, chia sẻ với Nikkei Asia: “Hiện có sự phân bổ lại nhân tài công nghệ từ các công ty công nghệ lớn và các công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng sang các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu. Chúng tôi nghĩ đây là một điều rất lành mạnh cho hệ sinh thái”.
“So với hai năm trước, sẽ có ít sự cạnh tranh hơn một chút về nhân tài công nghệ”, ông nói thêm khi đề cập đến cuộc đại sa thải đang diễn ra trong giới công nghệ.
Làn sóng sa thải đã bắt đầu từ năm 2022, với hơn 200.000 nhân sự mất việc từ các “ông lớn” như Google, Meta, Amazon và Microsoft. Năm ngoái, gã khổng lồ công nghệ SEA có trụ sở tại Singapore đã sa thải hơn 7.000 nhân viên, trong khi GoTo của Indonesia cũng sa thải khoảng 12% nhân sự do tăng trưởng chậm lại và lo ngại suy thoái kinh tế. Các đợt sa thải sâu hơn sẽ diễn ra vào năm 2023 vì hầu hết các nhà kinh tế dự đoán rằng các công ty của họ sẽ cắt giảm biên chế trong những tháng tới.
Điều này tạo ra hy vọng về một nguồn cung nhân sự mới cho các startup ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản. Mặc dù cuộc đại sa thải đã mở ra một làn sóng chuyển dịch việc làm mới, nhưng nó mới chỉ diễn ra trong phạm vi quốc gia hơn là phạm vi khu vực và toàn cầu. Thêm nữa, dịch chuyển lao động luôn gắn với những ràng buộc phức tạp để cản trở chảy máu chất xám. Ngay trong ASEAN cũng chỉ có một hiệp định liên quan đến lao động có kỹ năng nhưng điều kiện rất ngặt nghèo.
Chưa kể, các yếu tố ngoài lương khác như điều kiện môi trường kinh doanh cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đi hay ở của các nhân tài công nghệ. Đó là lý do Mỹ hay Singapore luôn là quốc gia hấp dẫn đối với giới công nghệ, và không phải nước nào cũng dễ dàng “đón đầu” được làn sóng dịch chuyển nhân sự này.
Trong bối cảnh áp lực suy thoái kinh tế ngày càng tăng và triển vọng huy động vốn yếu hơn, các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á buộc phải chọn lọc hơn trong tuyển dụng.
Đã qua rồi thời hoàng kim của sự tăng trưởng bùng nổ, định giá cao, tiền miễn phí và tâm lý phát triển bằng mọi giá. Các nhà sáng lập giờ đây cần phải làm việc hiệu quả và dùng ít chi phí hơn, trong khi vẫn tuân thủ kỉ luật về cách vận hành và tập trung vào con đường dẫn đến lợi nhuận, tạo dòng tiền dương. Nhiều startup đang thận trọng trong việc tuyển dụng, tăng lương và giữ chân nhân tài.
Các startup giai đoạn đầu cũng phải cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp truyền thống vì “ngày càng nhiều nhu cầu [về tài năng nhân sự] từ các lĩnh vực truyền thống - như ngân hàng và bán lẻ - khi họ số hóa doanh nghiệp” - Oswald Yeo nói.
Singapore vẫn là thị trường đắt đỏ nhất để thuê nhân tài công nghệ, với các kỹ sư và quản lý sản phẩm có kinh nghiệm được trả lương cao gấp ba lần so với Indonesia và Việt Nam.
“Singapore và Indonesia có những tài năng kỹ thuật tốt nhất cho chúng tôi. Singapore luôn tốt nhưng đắt đỏ. Indonesia có những ứng cử viên rất tốt mặc dù họ có thể cần lọc nhiều hơn”, Jeremy Hon, đồng sáng lập và CTO của StaffAny, cho biết.
Monk’s Hill và Glint đã liên kết việc tăng lương với sự trở lại của các kỹ sư được đào tạo tại Mỹ. Những kỹ sư này đã mài giũa kỹ năng của họ ở những nơi như Thung lũng Silicon và biết cách xây dựng hệ thống ở quy mô lớn. Họ cũng nắm rõ những gì cần thiết để xây dựng một công ty dẫn đầu sản phẩm. Xu hướng này bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, nơi nhân tài đang trở lại không chỉ từ lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Glints chỉ ra rằng các công ty khởi nghiệp đang có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các vị trí tạo doanh thu và tránh xa các nhân viên cơ hội. Chẳng hạn, các việc làm liên quan đến sản phẩm là ưu tiên chính của các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu để có thể tạo ra được sản phẩm phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, các vị trí về sản phẩm vẫn còn tương đối non trẻ ở Đông Nam Á và vẫn còn nhiều cầu hơn cung. Kết quả là, vị trí nhà quản lý sản phẩm chứng kiến mức tăng lương lớn nhất, kiếm được nhiều hơn 27% so với năm 2021.
Ngoài ra, vai trò phát triển kinh doanh và bán hàng cũng đang chiếm vị trí trung tâm, vì hơn 60% các công ty khởi nghiệp sẽ ưu tiên các vai trò này vào năm 2023. Điều này phát ra một tín hiệu quan trọng rằng các công ty khởi nghiệp cần đối đãi khôn ngoan hơn với những người họ đã thuê được và phải tìm cách nâng cao kỹ năng hoặc phân phối lại nguồn lực nội bộ.
Để lôi kéo được nhân sự, ngoài chiến lược trả lương và tăng lương hậu hĩnh (vốn cũng khá vất vả với các startup còn non trẻ), một số công ty khởi nghiệp đang nghĩ đến việc cung cấp cổ phần cho các thành viên trong nhóm. Nhưng điều này chỉ giới hạn ở 1/3 số người được hỏi, chủ yếu là các nhà quản lý và giám đốc điều hành cấp cao.
Justin Nguyễn ở quỹ Monk’s Hill Ventures đánh giá rằng, hệ sinh thái Đông Nam Á vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa đủ trưởng thành như các hệ sinh thái ở Mỹ hoặc Trung Quốc để có thể coi việc cấp cổ phần cho người lao động là một công cụ duy trì hiệu quả.
Một số nhà sáng lập nói rằng họ sẽ chú trọng nhiều hơn tới tính linh hoạt tại nơi làm việc và tiền thưởng hiệu suất cho nhân viên. Không ít startup đang kết hợp mô hình làm việc toàn thời gian ở văn phòng với làm việc từ xa. 45% công ty khởi nghiệp cho phép nhân viên kết hợp cả hai hình thức làm việc, và 12% cho phép nhân viên chỉ cần làm việc từ xa.
Tỷ lệ này cao nhất ở Singapore, Indonesia, và thấp hơn đáng kể ở Việt Nam. Tại Việt Nam, các công ty khởi nghiệp vẫn giữ thói quen truyền thống yêu cầu người lao động có mặt ở văn phòng.