Gã khổng lồ Mỹ cho biết sẵn sàng làm việc với các đối tác Việt Nam để hợp tác phát triển sáng tạo và đưa các sản phẩm địa phương ra thị trường toàn cầu.

Theo quy định mới của Việt Nam, các nền tảng OTT nước ngoài như Netflix nếu không có pháp nhân tại Việt Nam sẽ bị chặn truy cập. Ảnh: Istock
Theo quy định mới của Việt Nam, các nền tảng OTT nước ngoài như Netflix nếu không có pháp nhân tại Việt Nam sẽ bị chặn truy cập. Ảnh: Istock

Kể từ sau đại dịch COVID-19, Netflix đã đầu tư 3,5 triệu USD để sản xuất một bộ phim mang tên “Hành trình tình yêu” (A Tourist’s Guide to Love) nhằm tái hiện vẻ đẹp và sự năng động của Hà Nội. Bộ phim đã được công chiếu trên nền tảng trong tháng 4.

Các nhà quản lý cấp cao của Netflix tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hi vọng bộ phim sẽ có những đóng góp tích cực nhằm giới thiệu vẻ đẹp và văn hóa Việt Nam đến hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong buổi gặp gỡ với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngày 17/4 vừa qua, ông Dean Garfield, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách công của Netflix, bày tỏ mong muốn hợp tác với Hà Nội nhằm biến thủ đô thành một “cái nôi” phát triển ngành công nghiệp sáng tạo trong khu vực.

Hiện tập đoàn đang triển khai những bước đầu để thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam. Một trong những yếu tố tiên quyết là tìm kiếm được đối tác và tiềm năng phát triển lâu dài tại địa phương. Gã khổng lồ Mỹ cho biết sẵn sàng làm việc với các đối tác Việt Nam để hợp tác phát triển sáng tạo và đưa các sản phẩm địa phương ra thị trường toàn cầu.

Chủ tịch TP Hà Nội hoan nghênh chiến lược phát triển này của Netflix. Ông nhấn mạnh, Việt Nam đã thông qua Luật Điện ảnh 2022, tạo môi trường tiền đề pháp lý cho các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Netflix phát triển tại Việt Nam. Hà Nội cũng đang hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa và hiện có những ý tưởng về đầu tư làm phim trường ở Hà Nội.

Ông Thanh kỳ vọng Netflix có thể chia sẻ các ý kiến đóng góp vào Luật Thủ đô sửa đổi (trình Quốc hội vào tháng Năm tới) trong đó bao gồm vấn đề đầu tư đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, có thể trở thành tiền đề cho hợp tác sau này giữa Netflix và Hà Nội.

Thị trường hấp dẫn

Là một nền tảng phát sóng phim ảnh toàn cầu, Netflix có chiến lược đầu tư, tăng cường vào các địa bàn quốc tế tiềm năng ở Châu Á.

Kể từ năm 2015, công ty đã đầu tư hơn 700 triệu USD vào việc tài trợ cho quan hệ đối tác và hợp tác sản xuất phim ảnh tại Hàn Quốc và có trên 3,8 triệu thuê bao trả phí, tính đến đầu năm 2021.

Từ năm 2019, Netflix cũng chi hơn 400 triệu USD để phát triển nội dung gốc và cấp phép các nội dung khác cho thị trường Ấn Độ. Quốc gia này có trên 4,6 triệu thuê bao trả phí, tính đến đầu năm 2021.

Việt Nam – với thị trường hơn 100 triệu dân – là một trong những đối tượng để mắt của Netflix. Kể từ khi hiện diện ở Việt Nam cách đây 7 năm, nền tảng này đã cấp phép cho hơn 200 bộ phim nội địa, thuê đối tác Việt Nam lồng tiếng và làm phụ đề cho các chương trình, phim quốc tế của mình.

Tháng trước, các nguồn tin từ Reuterscho biết Netflix đang chuẩn bị mở văn phòng tại Việt Nam sau nhiều năm đàm phán với chính quyền và hoàn thành đánh giá rủi ro vào cuối năm ngoái. Văn phòng này (nếu thành hiện thực) sẽ biến Netflix trở thành công ty công nghệ lớn đầu tiên của Mỹ có sự hiện diện trực tiếp tại Việt Nam.

Các nhà phân tích quốc tế cho rằng sức mạnh tiêu dùng của thị trường đông dân thứ 15 thế giới đang ngày càng trở nên khó lòng bỏ qua đối với các tập đoàn lớn, bất chấp những quy tắc Internet nghiêm ngặt của Việt Nam (về cấp phép, bảo mật quyền riêng tư, lưu trữ dữ liệu tại địa phương, và kiểm duyệt nội dung).
Netflix là một trong những nền tảng streaming phổ biến tại Việt Nam. (Nguồn: Decision Lab, Q1/2021).
Netflix là một trong những nền tảng streaming phổ biến ở Việt Nam (Nguồn: Decision Lab, Q1/2021).

Theo quy định mới có hiệu lực từ đầu năm 2023, các nền tảng OTT nước ngoài như Netflix nếu không có pháp nhân tại Việt Nam sẽ bị chặn truy cập.

Số liệu từ Bộ Thông tin & Truyền thông cho thấy doanh thu Netflix tại Việt Nam ước đạt 30 triệu USD vào năm 2020, với số thuê bao trả phí khi đó là hơn 300.000.

Đây là một con số người dùng khá nhỏ tại thị trường Việt Nam, một phần do chi phí thuê bao của Netflix có xu hướng cao hơn các nền tảng khác và người dùng Việt Nam vẫn có thói quen xem nội dung miễn phí từ các trang thay thế.

Trong số các dịch vụ trả phí, Netflix chiếm 16% thị phần, đứng thứ hai sau FPT Play với 23% thị phần, theo khảo sát của Decision Lab vào quý 1/2021.

Tuy nhiên, các con số trên có thể đã thay đổi đáng kể sau thời kỳ COVID-19 bởi đại dịch đã thúc đẩy mọi người sử dụng các nền tảng trực tuyến giải trí nhiều hơn.

Theo YouNetMedia, khảo sát về những ứng dụng xem phim trực tuyến được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội trong 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy Netflix đang dẫn đầu (38,5%), sau đó là FPT Play, VTV Giải Trí, VietOn.