Khi nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp ngày càng thắt chặt do tình trạng bất ổn trên toàn cầu trong thời gian gần đây, các startup nên tìm cách thu hút khách hàng bằng sản phẩm và dịch vụ cốt lõi của mình, thay vì “đốt tiền” như trước đây.

.
.

Vào giữa tháng này, ba ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và Silvergate (Hoa Kỳ) đã liên tiếp tuyên bố phá sản chỉ trong chưa đầy hai tuần. Đây không phải là những ngân hàng có quy mô lớn đến mức gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu như vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008. Nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu vẫn “dậy sóng”, bởi đây là một trong những trụ cột tài chính quan trọng với các startup trong lĩnh vực công nghệ. Tiêu biểu như SVB là đơn vị cung cấp dịch vụ ngân hàng cho 50% startup trong lĩnh vực công nghệ và khoa học đời sống, đồng thời là nơi gửi tiền của không ít quỹ đầu tư mạo hiểm ở Hoa Kỳ.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư cho startup, vì “SVB nằm trong top 20 ngân hàng thương mại ở Mỹ, để giải quyết toàn bộ câu chuyện của họ có thể kéo dài vài năm”, ông Tiến Nguyễn, đồng sáng lập Earth Venture Capital nhận xét trong hội thảo về chiến lược tối ưu hóa nguồn vốn trong giai đoạn tăng trưởng do Endeavor Việt Nam tổ chức gần đây. Hơn nữa, “tình trạng này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư”, ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT Simple Tech Investment cho biết, “họ sẽ thận trọng hơn”.

Những mảng màu tối trên đã phủ lên bức tranh hệ sinh thái startup vốn đang ảm đạm. Nguồn vốn đầu tư cho startup trên thế giới và Việt Nam hiện có xu hướng giảm mạnh. Theo thống kê của công ty cung cấp thông tin kinh doanh Crunchbase, tổng giá trị đầu tư mạo hiểm trong ba quý đầu năm 2022 trên toàn cầu là 81 tỷ USD, giảm hơn 50% so với năm trước. Việt Nam cũng chung tình cảnh này: trong năm 2022, các startup Việt Nam chỉ thu hút được 855 triệu USD vốn đầu tư, giảm khoảng 40% so với năm 2021.

Sống sót qua suy thoái


Trong bối cảnh suy thoái, startup không thể giữ nguyên cách tiêu tiền như trước kia. “Nhà đầu tư trước đây cứ hướng dẫn startup phải phát triển nhanh, bây giờ vốn giảm, chúng ta cần startup hoạt động hiệu quả hơn, làm sao phải có lãi chứ không thể đốt tiền kiếm khách hàng”, ông David Đỗ, nhà sáng lập Vietnam Investment Group nhận định. Việc “thắt lưng buộc bụng” là điều cần thiết để sống sót trong mọi cuộc khủng hoảng. “Nhà sáng lập startup bây giờ phải giải bài toán đa chiều hơn, trước kia vẫn burn rate (tốc độ đốt tiền - nhà đầu tư rót tiền cho startup để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường), còn bây giờ phải cân đối dòng tiền và các chỉ số khác nữa, có thể giảm tăng trưởng xuống, miễn là sống được”, theo ông Phan Minh Tâm.

Thực tế cho thấy, không ít startup đã rơi vào “đường cùng” do cạn vốn. Tiêu biểu trong số đó là Propzy - một trong những nền tảng giao dịch bất động sản ứng dụng công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Giữa năm 2020, Propzy vẫn gọi được 25 triệu USD vốn đầu tư, nhưng với tốc độ “đốt tiền” quá nhanh, chỉ sau hai năm, họ đã phải đóng cửa. Đây là kết cục không thể tránh khỏi sau nhiều năm thua lỗ liên tục, kết hợp với việc không thể huy động vốn do những khó khăn và biến động trên thị trường.

Các chủ tài khoản đứng đợi trước Silicon Valley Bank – một trụ cột tài chính quan trọng với các startup trong lĩnh vực công nghệ, sau khi nghe tin ngân hàng này phá sản. Nguồn: NDTV.com
Các chủ tài khoản đứng đợi trước Silicon Valley Bank – một trụ cột tài chính quan trọng với các startup trong lĩnh vực công nghệ, sau khi nghe tin ngân hàng này phá sản. Nguồn: NDTV.com

Như vậy, startup cần có kế hoạch để tự sống mà không phụ thuộc vào nguồn vốn từ bên ngoài. Họ phải tính đến những trường hợp xấu nhất như hết tiền, nhân sự bỏ đi, khách hàng nghi ngại… “Một trong những sai lầm dễ mắc phải khi khởi nghiệp là mọi người thường rất có kế hoạch rất lạc quan, tất nhiên trong lúc mọi thứ tốt thì rất ổn, lạc quan sẽ giúp các bạn có năng lượng để vượt qua khó khăn. Nhưng bây giờ hoạt động theo kế hoạch lạc quan đấy thì rất dễ lâm vào tình trạng phá sản”, ông Phan Minh Tâm nói. “Startup phải có kế hoạch dự phòng khoa học, nghiêm túc, quản trị rủi ro tốt, nếu không rất dễ bị đứt dòng tiền và nhiều hệ lụy khó kiểm soát”.

Để tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả hoạt động, các chuyên gia khuyến nghị, startup phải “siết chặt” quản lý nhân sự. Trong những năm vừa qua, nguồn vốn rót vào startup ở Việt Nam liên tục tăng, thậm chí đạt kỷ lục 1,4 tỷ USD vào năm 2021, kéo theo làn sóng tuyển dụng ồ ạt. Khi thị trường suy thoái, nhiều công ty không huy động vốn được, dẫn đến tình trạng cắt giảm khá nhanh. Những tập đoàn lớn trên thế giới như Grab, Facebook hiện cũng đang sa thải hàng chục ngàn nhân sự. Lúc này, startup nên tập trung vào chất lượng thay vì số lượng: “Chắc chắn trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp không có điều kiện chọn lọc nhân sự tốt như những lúc thiếu vốn. Bây giờ chúng ta phải có kỷ luật đánh giá lại, cho nghỉ bớt sao cho cả team chạy hiệu quả hơn”, ông David Đỗ nói. Việc tinh lọc nhân sự không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn góp phần giảm bớt áp lực về quản lý nhân sự - một trong những vấn đề phức tạp nhất đối với founder.

Nguồn vốn trở nên quý giá hơn rất nhiều trong những lúc khó khăn. Việc chuẩn bị ngân sách dự phòng sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi nhiều tình huống rắc rối do thiếu hụt dòng tiền. Giữa lúc thị trường khó khăn, nhà đầu tư sẽ chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán, startup phải làm gì nếu bị “ép giá”? Bằng kinh nghiệm của một nhà khởi nghiệp cũng như nhà đầu tư, ông Phan Minh Tâm cho rằng doanh nghiệp nên chấp nhận “lùi bước” lúc này để sống sót. “Trước đây tôi đã từng huy động vốn đúng thời điểm khủng hoảng, chỉ được định giá bằng 40% so với một năm trước đó mà chúng tôi vẫn đồng ý. Bởi vì lúc đấy cần tồn tại, nếu không chấp thuận thì có khi chết ngắc ngoải, hoặc cứ phải chắp vá do thiếu tiền”, ông nói. “Startup có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, chúng ta phải tập trung vào những vấn đề chính, không nên đi giật gấu vá vai nếu không cần thiết”.

Ngoài ra, startup nên tìm kiếm thêm những dòng tiền khác, thay vì vốn đầu tư mạo hiểm. “Điều đầu tiên chúng tôi nói với founder khi gọi vốn là tiền của quỹ đầu tư mạo hiểm là dòng tiền rất đắt đỏ, và sẽ ngày càng đắt hơn khi có nhiều cuộc khủng hoảng hơn”, ông Tiến Nguyễn nói. Startup không nhất thiết phải tìm đến quỹ đầu tư mạo hiểm, mà có thể tận dụng nguồn vốn vay, trái phiếu… và “phải am hiểu các nguồn vốn đó để sử dụng khi cần thiết”.

Tập trung vào giá trị cốt lõi

Sự khắc nghiệt của thị trường cũng là cơ hội để chọn lọc ra những startup thực sự mang lại giá trị. “Trong giai đoạn này, chúng tôi rất quan tâm đến những startup có khả năng sống được lâu hơn bằng tiền của khách hàng”, ông Tiến Nguyễn cho biết. Với các nhà đầu tư, ở giữa cuộc khủng hoảng ngân hàng tiềm tàng, có lẽ không nào cất giữ tiền an toàn hơn là tiền nằm trong túi của những khách hàng trung thành với startup. “Việc gom tiền vốn đầu tư ở bất cứ đâu cũng không quan trọng bằng việc startup đang có bao nhiêu khách hàng, họ trung thành đến mức độ nào và chịu trả bao nhiêu tiền”.

Không còn đốt tiền để “săn khách hàng”, giờ đây doanh nghiệp phải tìm cách sống sót bằng nội tại của chính mình. Theo bà Trần Hoài Phương, Giám đốc đầu tư của Wavemaker Partners, startup phải xác định mình có thể giải quyết được vấn đề gì cho xã hội, và bao nhiêu người chấp nhận trả tiền? Xét cho cùng, một doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vì vậy, con đường bền vững nhất lúc này để thu hút khách hàng là tập trung vào phát triển sản phẩm/dịch vụ. Họ phải dựa vào mô hình kinh doanh chứ không thể duy trì đà tăng trưởng bằng nguồn vốn mạo hiểm như trước kia.

Bản thân các nhà đầu tư cũng lựa chọn startup để rót vốn theo hướng này. Ông Tiến Nguyễn cho biết, hiện nay Earth Venture Capital đang quan tâm đến các startup deep tech (những mảng công nghệ tiên phong) như năng lượng thủy triều, vật liệu da làm từ nấm, robot hút dầu tràn trên biển… Trong khi đó, quỹ đầu tư của ông David Đỗ lại tập trung đầu tư cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dạy tiếng Anh và chăm sóc tại nhà (housecare). Dù thuộc những ngành khác nhau song tất cả các startup nhận được vốn đầu tư đều gặp nhau ở một điểm chung: “Giờ đây, các quỹ đầu tư sẽ tìm kiếm những trường hợp có ứng dụng tạo ra giá trị thật trong từng lĩnh vực”, ông David Đỗ nói.