Bạn có một ý tưởng khởi nghiệp tuyệt vời và đang tìm nguồn vốn để gia nhập cộng đồng startup? Để thuyết phục được các quỹ đầu tư, ngoài kế hoạch kinh doanh, một trong những yếu tố đầu tiên họ hỏi đến chính là tình trạng của tài sản trí tuệ.
Ý tưởng về sản phẩm và tài sản trí tuệ chính là của cải giá trị nhất. Các công ty khởi nghiệp luôn bảo vệ tài sản trí tuệ ngay từ những ngày đầu tiên. Đối với nhà đầu tư, rót vốn vào những công ty có tài sản trí tuệ được đảm bảo luôn là lựa chọn hàng đầu.
Giữ nguồn vốn trí tuệ không đơn giản chỉ là đăng ký thương hiệu. Trang mạng chuyên về khởi nghiệp công nghệ Tech.co đã đưa ra một số lời khuyên:
Bảo vệ tài sản trí tuệ là điều không đơn giản khi bạn khởi nghiệp. Ảnh: Invibed
Thỏa thuận giữ bí mật và giao tài sản trí tuệ
Hợp đồng giao nhiệm vụ về tài sản trí tuệ là hình thức thường thấy tại các công ty khởi nghiệp công nghệ. Bạn cần yêu cầu tất cả nhân viên, đồng sáng lập và thậm chí các nhà cung cấp dịch vụ từ bên thứ ba ký tên với tư cách một bên tham gia hợp đồng trước khi bắt đầu công việc. Nếu không, tại một thời điểm nhất định nào đó, công ty của bạn rất có thể sẽ không còn quyền sử dụng các thành tố cốt lõi trong tài sản trí tuệ của chính mình.
Có thể bạn không thấy lý do cấp bách nào để phải lập tức ký hợp đồng. Tuy nhiên cần nhớ rằng, sang các giai đoạn sau, mọi việc sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Chẳng hạn, sự thiếu vắng các hợp đồng giao tài sản trí tuệ có thể sẽ là trở ngại lớn khi bạn cần thực hiện bước thăm dò, mời gọi các nhà đầu tư mới hoặc khi cần bán doanh nghiệp. Bạn có thể phải đàm phán lại hoặc chứng kiến cái chết từ trứng nước của cơ hội hợp tác.
Các bản thỏa thuận giữ bí mật là một tiêu chuẩn khác trong kinh doanh. Chúng cần có chữ ký của tất cả các đồng sáng lập và nhân viên, những người có quyền truy cập vào dữ liệu tài sản trí tuệ được bảo mật; cần tham vấn các nhà chuyên môn để lập các bản mẫu hợp đồng dạng tiêu chuẩn.
An ninh dữ liệu
Trong bước đầu tiên, nhiều khả năng bạn sẽ tìm cách tiết kiệm một chút chi phí bằng cách chọn dịch vụ lưu trữ đám mây, dịch vụ email hoặc chia sẻ dữ liệu sẵn có trên mạng. Tuy nhiên, việc thường xuyên sử dụng các kênh không được bảo vệ đồng nghĩa với rủi ro mất dữ liệu sở hữu trí tuệ chủ chốt.
Hãy cân nhắc chuyển hệ thống của mình sang các kênh mã hóa càng sớm càng tốt. Hãy biến việc mã hóa email thành một phần của chính sách bảo đảm an ninh trang mạng của bạn, đặc biệt là với các trao đổi nhạy cảm liên quan đến tài chính và thông tin kỹ thuật của sản phẩm. Đối với thiết bị cầm tay và để bàn, hãy yêu cầu sử dụng mật mã ở cấp độ bảo mật cao, đặc biệt là bộ nhớ flash - thiết bị hay bị bỏ sót nhất.
Hãy yêu cầu đối tác kinh doanh tuân thủ chính sách an toàn dữ liệu của bạn. Cần đảm bảo các đối tác cũng sử dụng biện pháp bảo vệ thường xuyên như bạn. Không nên giao cho họ thêm quyền truy cập dữ liệu không cần thiết.
Trước khi sáp nhập
Sau khi lập công ty, rất nhiều đơn vị khởi nghiệp không thể hoàn thành việc ký kết chuyển giao tất cả tài sản trí tuệ được tạo ra trước khi sáp nhập. Cách thức chuẩn nhất là giao các tài sản được tạo ra bởi một trong số các sáng lập viên cho công ty như một phần của bản hợp đồng mua cổ phần có giới hạn, hoặc hợp đồng gia nhập.
Điều gì xảy ra nếu một trong các sáng lập viên bỏ cuộc trước khi công ty sáp nhập và mang theo một số quyền sở hữu trí tuệ? Đây là lý do khác để áp dụng biện pháp ký kết chuyển giao tài sản trí tuệ từ sớm.
Một vấn đề khác cần xem xét là các tài sản trí tuệ được tạo ra trước khi sáp nhập bởi các bên thứ ba. Sai sót thường gặp nhất là tài sản trí tuệ không được giao cho công ty bởi chưa hề có thỏa thuận bằng văn bản hoặc công ty không phải là một bên trong bản hợp đồng (đơn giản là lúc đó công ty chưa ra đời).
Đăng ký sáng chế
Việc bảo vệ tài sản trí tuệ khi khởi nghiệp cần được lập ra dưới dạng một chiến lược phức tạp thay vì các thủ tục rải rác riêng lẻ. Việc bảo vệ này diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiều công ty nhỏ với ngân sách hạn chế lựa chọn phương án bảo vệ dưới dạng “bí mật thương mại” nhằm tránh các rắc rối trong quá trình đăng ký bằng sáng chế.
Tuy nhiên, theo Lily - chuyên gia về chiến lược bằng sách chế, luật bảo vệ bí mật thương mại chỉ cho phép bạn theo dõi các nhân viên làm thất thoát thông tin mật hoặc theo dõi các công ty ăn cắp công nghệ; nó không bảo vệ được bạn trước các đối thủ cạnh tranh đang phát triển công nghệ của bạn một cách độc lập.
Đối thủ cạnh tranh có thể tự do đăng ký bằng sáng chế cho cùng một phát minh mà bạn đang nắm, sau đó kiện bạn vì tội xâm phạm bằng sáng chế.
Trên hết, việc tách bạch quá trình sản xuất và che giấu công nghệ của bạn có thể khiến bạn thiệt hại nhiều hơn so với việc đầu tư cho đăng ký bằng sáng chế ngay từ đầu.