Trước nay, chúng ta nói nhiều đến nền kinh tế tri thức. Nghị quyết 20/NQ-TW 2012 “Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa” đã đề cập đến vai trò của đổi mới KH&CN để thúc đẩy kinh tế - xã hội, chú trọng kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ (TSTT) và chuyển giao công nghệ.
Luật Sở Hữu trí tuệ đã được ban hành và Bộ KH&CN đang thúc đẩy rất mạnh việc xây dựng thị trường KH&CN. Tuy nhiên, việc triển khai trong các cơ sở nghiên cứu ở trường đại học đang có một số vướng mắc rất cần tháo gỡ để tạo động lực khai phóng, phát huy không chỉ TSTT, trí tuệ mà cả nguồn vốn đầu tư cho phát triển các sản phẩm trí tuệ trong nhà trường, của các nhà khoa học và cả sinh viên, học viên. Chẳng hạn như quy định giảng viên đại học hay nhà khoa học là công chức, viên chức không được phép mở hay đứng chủ doanh nghiệp.
Nếu không tháo gỡ khó khăn này, chúng ta không thể phát triển công tác đào tạo theo chuẩn nước ngoài để có được sản phẩm cuối cùng tốt. Nếu theo chuẩn, quá trình nghiên cứu tạo ra sản phẩm sẽ gồm 4 bước: Hình thành ý tưởng - thiết kế ý tưởng - vận hành - thực hành thực tế.
Hiện chúng ta không làm như vậy nên rất khó để có sản phẩm cuối cùng, kể cả con người. Nếu con người đào tạo ra không đáp ứng được yêu cầu của công việc cũng có nghĩa là sẽ không vận hành được nền kinh tế.
Hiện Đảng và Chính phủ chủ trương chọn 3 khâu đột phá là con người, cơ chế và hạ tầng. Cả ba vấn đề này đều rất cần thay đổi trong các trường đại học. Về cơ chế, theo tôi, cần hình thành doanh nghiệp spin off trong các trường đại học; giảng viên ngoài giờ giảng có thể làm thêm, nếu tạo ra sản phẩm có thể đóng góp lại cho nhà trường... Nghĩa là cần tạo cơ chế để sử dụng công năng, khai phóng được hết khả năng của họ.
Tôi mong rằng với những luật đã ban hành (Luật Công chức viên chức), Chính phủ cần rà soát lại trình Quốc hội sửa đổi để tạo được cơ chế, môi trường tốt, khi đó mới tạo ra được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực sự. Nếu không, nhiều nhà khoa học sẽ chỉ biết giảng dạy và ra về, rất lãng phí nguồn lực. Nếu khai thác được nguồn lực trí tuệ trong trường đại học, kết hợp với doanh nghiệp, chúng ta sẽ tận dụng được các nguồn lực để tạo ra sản phẩm lớn cho xã hội.