Nhóm tác giả ở Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM đã nghiên cứu bảo quản mô buồng trứng người Việt Nam bằng phương pháp đông lạnh - một kỹ thuật hỗ trợ sinh sản còn chưa phổ biến ở nước ta.
Hiện nay, suy buồng trứng sớm xảy ra ngày càng phổ biến, ngay cả trên nhóm bệnh nhân trẻ tuổi. Nguyên nhân của suy buồng trứng sớm có thể từ việc điều trị ung thư, di chứng từ quá trình điều trị hóa trị, xạ trị hay cũng có thể do các điều kiện bất lợi từ cuộc sống. Điều này ảnh hưởng đến buồng trứng, do buồng trứng rất nhạy với các chất độc tế bào như cyclophosphamide, busulfan, melphalan v.v, từ đó ảnh hưởng đến khả năng phát triển nang noãn, suy giảm chức năng sinh sản.
Đối với trường hợp bệnh nhân suy buồng trứng trước tuổi dậy thì hay điều trị ung thư, thì đông lạnh mô buồng trứng được xem như giải pháp tối ưu bởi vì nó giúp bệnh nhân có con sau điều trị, duy trì cả nội tiết tố cho người phụ nữ mà không phải phụ thuộc nhiều vào liệu pháp hormone thay thế. (Những người bị ung thư, suy buồng trứng sớm thường bị thiếu hụt một số hormone, cần phải bổ sung để tránh tình trạng loãng xương, béo phì, tim mạch hay cần có chu kỳ kinh nguyệt trở lại.)
Trữ lạnh mô buồng trứng được tiến hành bằng cách lấy mô lành của buồng trứng ra ngoài, trữ lạnh và cấy ghép lại vào cơ thể vào khoảng thời gian thích hợp. Khi mô buồng trứng được trả về cơ thể, nó có tiềm năng khôi phục sản xuất hormone và chu kỳ tự nhiên. Ưu điểm đặc biệt của trữ mô buồng trứng là không cần kích thích buồng trứng, không kéo dài thời gian điều trị bệnh lý.
Ở Việt Nam, vấn đề bảo tồn sinh sản, đã có thể thực hiện tốt việc trữ lạnh phôi, noãn. Tuy nhiên, trữ lạnh mô buồng trứng chưa phổ biến, do việc cấy ghép mô buồng trứng vào cơ thể, đòi hỏi bác sĩ phải có trình độ kỹ thuật cao và quy trình hoàn chỉnh.
Trước thực tế đó, TS.BS. Lê Thị Minh Châu và cộng sự Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) đã triển khai thực hiện đề tài "Nghiên cứu bảo quản mô buồng trứng người Việt Nam bằng phương pháp đông lạnh".
Theo đó, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành thu nhận mô buồng trứng, xử lý mẫu mô tươi, trữ lạnh mô buồng trứng theo quy trình công nghệ đông lạnh chậm và thủy tinh hóa. Sau đó, rã đông các mẫu mô đã đông lạnh, ghép các mảnh mô lên chuột, thu nhận các mảnh mô sau ghép để đánh giá.
Kết quả cho thấy, các nang noãn còn lại sau cấy ghép chủ yếu là nhóm nang nguyên thủy, đa số đều toàn vẹn, loại nang bị giảm là nang sơ cấp. Do nguồn nang noãn nguyên thủy chính là nguồn dự trữ buồng trứng của bệnh nhân, sau trữ - rã - ghép, dự trữ buồng trứng bệnh nhân có giảm, nhưng vẫn còn để có thể duy trì hoạt động nội tiết và sinh sản. Cả hai kỹ thuật đông lạnh chậm và thủy tinh hóa đều cho kết quả khả quan sau trữ - rã - ghép nhưng kỹ thuật đông lạnh chậm có một số kết quả tốt hơn kỹ thuật thủy tinh hóa.
Theo nhóm tác giả, bảo tồn khả năng sinh sản cho phụ nữ thường được chỉ định cho 3 nhóm chính gồm: Người bị ung thư và tiến trình điều trị ung thư; người có các bệnh lý lành tính có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như bệnh lạc nội mạc tử cung và u lành buồng trứng phải phẫu thuật. Một số bệnh lý khác ít gặp hơn nhưng cũng có chỉ định bảo tồn khả năng sinh sản như bệnh tự miễn Lupus hệ thống, viêm cầu thận kháng steroid, cấy tế bào gốc trong điều trị thiếu máu hồng cầu liềm, hội chứng đứt gãy nhiễm sắc thể X, hoặc trước khi phẫu thuật chuyển giới,....
Bên cạnh những người có bệnh lý, trữ lạnh noãn còn được chỉ định cho những phụ nữ khỏe mạnh dưới 38 tuổi muốn duy trì khả năng sinh sản để sử dụng noãn sau này.
Từ thành công của nghiên cứu, nhóm tác giả kiến nghị ứng dụng kỹ thuật trữ mô đông lạnh chậm vào thực hành lâm sàng. Đồng thời, được tiếp tục hỗ trợ thực hiện nghiên cứu, phát triển tiếp kỹ thuật trữ mô đông lạnh nhanh do một số tính ưu việt của kỹ thuật này, nhằm thay thế kỹ thuật trữ mô đông lạnh chậm. Ngoài ra, cần thực hiện nghiên cứu ghép mô buồng trứng trên người để xác định hiệu quả của quy trình kỹ thuật.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu, kết quả đạt.