Các nhà khoa học đã tạo ra những hình cầu rỗng làm từ tế bào giống như phôi người trong giai đoạn phát triển sớm nhất của chúng. Phôi nhân tạo, được gọi là “blastoid”, có thể cho phép giới khoa học tìm hiểu thời kỳ phát triển ban đầu của bào thai cũng như hiện tượng vô sinh và sảy thai mà không cần thử nghiệm trên phôi thực tế.
Hai nhóm nghiên cứu riêng biệt đã tạo ra những phôi mô hình này bằng các phương pháp khác nhau và mỗi nhóm đã công bố kết quả của họ trên tạp chí Nature Portfolio vào tháng 3/2021.
Nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Đại học Monash, Australia đã lập trình lại các tế bào da người về mặt di truyền để chúng giống với tế bào phôi thai. Sau đó, họ nuôi cấy những tế bào đã sửa đổi này trên một "giàn giáo" 3D nhằm định hướng chúng phát triển theo dạng hình cầu. Phôi nhân tạo thu được gần giống với phôi nang – cấu trúc gồm vài trăm tế bào, hình thành khoảng bốn ngày sau khi tế bào tinh trùng thụ tinh với trứng và làm tổ trong thành tử cung.
Nhóm nghiên cứu thứ hai tại Đại học Texas (Mỹ) sử dụng các tế bào gốc của con người bao gồm tế bào gốc phôi và tế bào gốc có nguồn gốc từ mô da trưởng thành, hay còn được gọi là “tế bào gốc đa năng cảm ứng”. Họ đã xử lý các tế bào gốc bằng những hóa chất đặc biệt có khả năng kích thích tăng trưởng để biến chúng thành hình dạng của phôi nang.
Cả hai nhóm đã chứng minh phôi nang nhân tạo của họ hoạt động tương tự như phôi thật, bởi vì chúng có dạng hình cầu rỗng và chứa ba loại tế bào riêng biệt có khả năng phân chia để tạo thành các bộ phận khác nhau của cơ thể.
Mô hình phôi người được tạo ra từ các tế bào da người đã chỉnh sửa gene. Ảnh: Đại học Monash.
Nguồn: Livescience.com
Quốc Hùng thực hiện