Các nhà phát triển ứng dụng của Việt Nam cũng như trên thế giới đang băn khoăn về vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ đối với các ứng dụng di động khi đưa sản phẩm lên các chợ ứng dụng Google Play hay App Store.

Theo luật sư Suzy Fulton - chuyên gia người Mỹ về sở hữu trí tuệ, khi nhắc tới vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ cho ứng dụng di động, người ta thường nói tới việc bảo hộ tên/logo (nhãn hiệu) và bảo hộ bản quyền cho những dòng code của ứng dụng đó.

Tuy nhiên, luật sư Nikita của Selvam - công ty luật chuyên về sở hữu trí tuệ ở Ấn Độ - cho biết, ngoài dòng code của ứng dụng, có thể bảo vệ bản quyền các giao diện của ứng dụng giống như bảo vệ bản quyền của một tác phẩm nghệ thuật, nhưng theo ông điều này còn tùy thuộc vào luật pháp của từng quốc gia.

Ứng dụng di động có thể được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu, bản quyền hay bằng sáng chế. Ảnh: GlobalDots
Ứng dụng di động có thể được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu, bản quyền hay bằng sáng chế. Ảnh: GlobalDots

Ứng dụng - tài sản kinh doanh cần được bảo vệ

Trong bài “Tôi có thể đăng ký nhãn hiệu cho ứng dụng di động của mình được không?” đăng trên trang Lexology - website chuyên về sở hữu trí tuệ của Anh, chuyên gia của Công ty luật HopgoodGanim (Australia) - viết: “Việc có được đăng ký nhãn hiệu trong nền công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông hay không vô cùng quan trọng để định vị sản phẩm/dịch vụ của bạn, đặc biệt là ở môi trường có sự cạnh tranh cao. Bất kể đó là một phương thức giao tiếp mới, một tựa game gây nghiện mới hoặc một thứ gì hoàn toàn khác biệt, có được một nhãn hiệu đăng ký đồng nghĩa với việc bạn có một phần tài sản quan trọng trong tổng khối tài sản kinh doanh hiện hữu”.

Hiện nay, các ứng dụng/tựa game nổi tiếng thường có rất nhiều ứng dụng/tựa game na ná cùng xuất hiện trên chợ ứng dụng. Chẳng hạn, khi đánh tựa game Yahtzee trên Google Play, sẽ có rất nhiều tựa game như YZee hay Yatzy xuất hiện. Người dùng nhiều khi không phát hiện được sự khác biệt giữa những sản phẩm tương tự đó và vô tình tải ứng dụng ăn theo về.

Các công ty hiện nay hầu hết đã nhận thức được vai trò của nhãn hiệu cũng như việc bảo vệ nhãn hiệu và bản quyền của các ứng dụng di động. Năm 2013, Rovio Entertainment Ltd. - công ty sở hữu nhãn hiệu Angry Birds, tên một tựa game trên ứng dụng di động có hàng tỷ lượt tải - đã kiện công ty cung ứng thiết bị chơi golf có tên Angry Clubs (Mỹ) do sử dụng logo “có biểu tượng dễ gây tò mò và liên tưởng tới nhãn hiệu Angry Birds”.

Kết quả là, dù không thừa nhận trách nhiệm pháp lý, Angry Clubs cũng buộc phải dừng sử dụng tên Angry Clubs và logo có chữ A trên các sản phẩm của mình.

Trong vấn đề bản quyền ứng dụng, Oracle đã dành tới 7 năm để theo đuổi vụ kiện triệu đô với Google. “Gã khổng lồ về tìm kiếm” bị cáo buộc ăn cắp mã nguồn mở API (giao diện lập trình ứng dụng) của ngôn ngữ lập trình Java để sử dụng trong hệ điều hành Android. Đến nay, vụ kiện vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.


Lời khuyên cho các nhà lập trình ứng dụng

Theo Công ty luật HopgoodGanim, khi các nhà lập trình thương mại hóa ứng dụng, họ thường đưa sản phẩm ra phạm vi quốc tế. Do vậy, cần tìm hiểu trước về các nhãn hiệu ứng dụng đã đăng ký ở từng quốc gia, từng chợ ứng dụng để tránh trùng lặp.

“Các nhà lập trình cũng nên đăng ký nhãn hiệu tại những quốc gia mà họ muốn thương mại hóa ứng dụng tại đó” - Công ty luật HopgoodGanim khuyên.

Để đảm bảo không bị từ chối đơn đăng ký thì nhãn hiệu cần đáp ứng một số yếu tố như không dùng các ký hiệu đã được quy định (chẳng hạn cờ, quân phục, tên thành phố); nhãn hiệu cần phải đảm bảo khả năng chuyển qua đồ họa; phải có khả năng phân biệt hàng hóa/dịch vụ của mình với người khác. Tuyệt đối không tạo ra những nhãn hiệu có thể khiến người khác tức giận, xấu hổ, cảm thấy bị sỉ nhục, những nhãn hiệu vi phạm luật pháp hoặc quá giống với nhãn hiệu của người khác.

Do quyền bản quyền ứng dụng chỉ được bảo hộ khi có sản phẩm nên cách nhanh và an toàn nhất để bảo vệ ý tưởng ứng dụng của bạn là chuyển nó thành ứng dụng hoạt động được. Còn để có được sáng chế với các ứng dụng kiểu trang chủ cập nhật tin tức của Facebook (News Feed), cần đảm bảo tiêu chuẩn là có ý tưởng sáng tạo và lần đầu tiên xuất hiện chứ không phải chỉ là hiện thực hóa một ý tưởng dưới dạng kỹ thuật số.