Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hữu Cẩn – Phó Viện trưởng Viện khoa học Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Hội thảo “Tăng cường phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) của Việt Nam” do Cục SHTT tổ chức ngày 24/10 tại TPHCM.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có năng lực tổ chức, quản trị TSTT. Vì vậy cần cơ chế, hướng dẫn để các doanh nghiệp này thiết lập bộ phận để quản trị TSTT trong doanh nghiệp. Tiến tới từng bước xây dựng chiến lược khung quản lý TSTT dành cho các doanh nghiệp của Việt Nam.
Theo ông Cần, bên cạnh các cơ chế ưu đãi của nhà nước hiện nay dành cho phát triển khoa học và công nghệ nói chung, cần phải có ưu đãi trực tiếp đối với hoạt động tạo dựng và thương mại hoá TSTT, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tín dụng.
Ngoài ra, cần tăng cường mối liên kết hoạt động tạo dựng TSTT và nhu cầu của ngành công nghiệp. Theo đó, người tạo ra TSTT luôn luôn phải đặt trong bối cảnh nhu cầu thực tế của thị trường. Sự kiên kết này lỏng lẻo, bị cắt đứt, người tạo ra TSTT cứ tạo ra TSTT, nhưng thị trường không sử dụng thì thực sự lãng phí nguồn lực và TSTT không đóng góp cho hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu không có hoạt động thương mại hóa hoặc thương mại hóa không có hiệu quả kết quả nghiên cứu thì sẽ không có nguồn lực để đầu tư, sáng tạo và tạo lập, xác lập quyền SHTT – ông Cẩn cho biết.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng, khi xây dựng Chiến lược TSTT quốc gia cần có cách thức để tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì loại hình doanh nghiệp này chưa biết cách xây dựng và bảo vệ TSTT của mình. Tuy nhiên, nên chọn loại hình TSTT cụ thể để tập trung hỗ trợ trước mắt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như: đăng ký nhãn hiệu, quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp...
Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, Việt Nam chưa có chiến lược SHTT vĩ mô nhằm thúc đẩy việc tạo lập, đăng ký xác lập và khai thác quyền SHTT. Vì vậy, đã phần nào hạn chế năng lực sáng tạo của các chủ thể trong nước và làm giảm giá trị của các TSTT được tạo ra ở Việt Nam.
Hiện nay, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng “Chiến lược SHTT quốc gia”. Chiến lược dự kiến đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, gồm: đưa hệ thống SHTT trở thành công cụ chủ lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhằm tạo ra TSTT, góp phần đáp ứng nhu cầu đối với sản phẩm và sáng tạo, đặc biệt là công nghệ nội sinh để phát triển ngành công nghiệp.
Ông Lâm cho biết thêm, Chiến lược này đang được xây dựng với sự hỗ trợ của Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO). Các chuyên gia quốc tế trên cơ sở nghiên cứu thực trạng của Việt Nam, bằng kinh nghiệm của mình sẽ đưa ra những tư vấn hữu ích để Việt Nam có được một chiến lược SHTT phù hợp với thực tiễn trong nước và xu thế hội nhập.