Trong bối cảnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang chịu nhiều tai tiếng, nhất là sau vụ chùa Ba Vàng, mô hình Phật giáo Từ Tế (Tzu-chi Foundation) ở Đài Loan, Trung Quốc có thể được xem như một tham chiếu giá trị, giúp định hướng tôn giáo đi theo con đường thế tục (secularism), phụng sự cộng đồng và xã hội.
Từ Tế Cơ Kim Hội (慈濟基金會) hay Buddhist Compassion Relief Tzu-chi Foundation là một tổ chức nhân đạo phi chính phủ (NGO) quốc tế có trụ sở chính đặt ở Đài Loan, Trung Quốc hoạt động tại hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới (Mỹ, Canada, Úc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore …) thu hút gần 10 triệu thành viên và được vận hành nhờ một mạng lưới nhân sự lớn cùng các tình nguyện viên chuyên nghiệp.
Từ những đồng 50 xu
Từ Tế do Chứng Nghiêm Pháp sư (證嚴法師), một nữ tu sĩ hay tỳ kheo ni (Bhikkhunī), thành lập vào năm 1966. Sinh trưởng tại Đài Loan (SN 1937) trong thời kỳ cai trị của Đế quốc Nhật Bản và trải qua cuộc Đệ nhị Thế chiến ác liệt, Pháp sư đã tận mắt chứng kiến những đau khổ, mất mát mà chúng sinh phải hứng chịu, cùng mục kích hoạt động thiện nguyện của các tổ chức truyền giáo phương Tây (Công giáo, Tin Lành) thời Hậu chiến. Được sư phụ là Thượng tọa Ấn Thuận Đạo Sư (印順導師) – người khởi xướng phong trào Phật giáo nhân bản (Humanistic Buddism) và luôn cổ vũ các đệ tử “cống hiến cho mọi sinh vật có tri giác trên thế gian” – truyền cảm hứng, nhất là sau lần đàm đạo với ba nữ tu Công giáo về mục tiêu lẫn phương pháp giúp đời của giáo hội1, Pháp sư đã quyết định thành lập Từ Tế Hội với tôn chỉ “dẫn đường cho người giàu và cứu giúp người nghèo”.
Từ một nhóm 30 bà nội trợ ban đầu, mỗi ngày cố gắng dành dụm khoảng 50 xu bỏ vào ống tre để sau này giúp đỡ những người cần đến chúng, trải qua 2 thập niên, Từ Tế đã chứng kiến một sự phát triển mạnh mẽ với số hội viên lên tới 290 (năm 1968), 8000 (năm 1980), và dần mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác. Nếu như năm 1972, sau trận hỏa hoạn tàn phá hơn 43 tòa nhà ở Hoa Liên (花蓮), phải rất cố gắng Từ Tế mới có thể quyên góp để mở được một phòng khám chữa bệnh miễn phí, thì đến năm 1986, Tổ chức đã tự xây dựng một bệnh viện đẳng cấp quốc tế đầu tiên cho cả huyện. Cùng với sự lớn mạnh của Phật giáo nhân bản Đài Loan, quy mô hội viên của Từ Tế hầu như đã tăng gần gấp đôi mỗi năm trong giai đoạn 1987 – 1991, lên tới 4 triệu vào năm 1994, đông hơn cả Quốc dân Đảng (KMT) và Dân tiến Đảng (DPP) – 2 chính đảng lớn nhất trên chính trường. Đáng chú ý, rất đông trí thức tài giỏi, doanh nhân thành đạt và nhân vật nổi tiếng người Hoa, dù sinh sống tại Đài Loan hay hải ngoại, cũng tình nguyện gia nhập, hiến tài sản và góp sức cho các hoạt động của Từ Tế.
Hiện tại, Từ Tế chính là tổ chức lớn mạnh, sở hữu nguồn tài chính dồi dào và nhiều đất đai nhất trong số “Tứ Đại Sơn” (tức 4 tổ chức Phật giáo lớn nhất Đài Loan) cùng với Phật Quang Sơn (佛光山), Pháp Cổ Sơn (法鼓山) và Chung Đài Sơn (中台山); trong khi Chứng Nghiêm Pháp sư thì được tôn vinh là một trong “Tứ đại thiên vương”. Đặc biệt, Tzu-chi Foundation còn được Ủy ban Kinh tế xã hội Liên Hiệp Quốc (United Nations Economic and Social Council) trao tặng tư cách cố vấn đặc biệt.
Cơ cấu tổ chức và hoạt động
Đại gia đình Từ Tế gồm có các thành viên chủ chốt là Hiệp hội Y khoa Quốc tế Từ Tế (Tzu-chi International Medical Association), Bệnh viện Từ Tế (Tzu-chi Hospital); Đại học Từ Tế (Tzu-chi University, tiền thân là trường đào tạo bác sĩ, y tá, điều dưỡng ); Hiệp hội Thanh niên đại học Từ Tế hay Từ Thanh (慈濟大專青年聯誼會) … với rất nhiều hoạt động, trải rộng từ viện trợ y tế, cứu trợ thảm họa cho đến tái chế rác thải bảo vệ môi trường2, ngoài ra còn thành lập và phát sóng 24/7 kênh Truyền hình Đại Ái (慈濟大愛電視台), điều hành chuỗi cafe sách Tịnh Tâm Thư Hiên (靜思書軒) cùng nhiều hoạt động kinh doanh khác3. Các tình nguyện viên và nhân viên cứu trợ của Từ Tế trên khắp thế giới có thể dễ dàng được nhận ra nhờ bộ đồng phục gồm hai màu xanh, trắng chủ đạo với khẩu hiệu “thanh thiên, bạch vân” (藍天白雲) tức muốn thắp sáng cả “trời xanh, mây trắng”.
Từ Tế đặc biệt coi trọng sứ mệnh cứu trợ nhân đạo khi đóng vai trò đặc biệt tích cực trong công cuộc giúp đỡ các nạn nhân sau trận lụt lớn ở miền Đông Trung Quốc Đại lục (năm 1991), động đất và sóng thần tại Ấn Độ Dương (năm 2004), siêu bão Sandy càn quét New York và New Jersey ở Mỹ (năm 2012), và cơn địa chấn kinh hoàng tại Nepal (năm 2015) ... khắc phục thảm họa. Trong lĩnh vực y học, để giúp đỡ các bệnh nhân mắc ung thư (như máu trắng …), từ năm 1993, Từ Tế đã vận động thành lập một cơ quan kêu gọi mọi người đăng ký hiến tặng tủy xương – nỗ lực khiến Lập pháp viện (Legislative Yuan) quyết định điều chỉnh sửa đổi luật hiến tạng (trong đó có tủy) và tổ chức một chiến dịch tình nguyện lớn trên quy mô toàn quốc (năm 1996).
Nhấn mạnh tính thế tục, phục vụ và nhân bản
Bốn “đại nghĩa” do Chứng Nghiêm Pháp sư đặt ra cho Từ Tế là từ thiện (charity), y khoa (medicine), giáo dục (education) và nhân bản (humanity) theo phương châm “Tứ đại chí nghiệp, bát đại cước ấn” (四大志業,八大腳印) – 8 dấu ấn lớn ở đây bao gồm hoạt động từ thiện, đóng góp cho y khoa, phát triển giáo dục, khoa học nhân văn, cứu trợ thiên tai quốc tế, hiến tủy xương, làm việc thiện nguyện phục vụ cộng đồng và bảo vệ môi trường. Trên website chính thức của Từ Tế cũng nêu rõ, tổ chức khởi sự ban đầu là làm từ thiện, sau đó mới mở rộng sang y khoa, giáo dục và văn hóa, với mục tiêu thúc đẩy “chân thành, trọn vẹn, tin cậy và trung thực” (sincerity, integrity, trust and honesty).
Từ Tế đặc biệt khác với các thành viên Tứ Đại Sơn ở ba điểm độc đáo: Thứ nhất, Hội do một nữ tu hay tỳ kheo ni thành lập; Thứ hai, Chứng nghiêm Pháp sư không phải là một lãnh đạo Phật giáo chuyên cổ vũ diễn dịch các kinh điển nhà Phật, hay ủng hộ việc xây dựng chùa chiền nguy nga và nghinh rước xá lợi tốn kém; Thứ ba, bản chất của Từ Tế như tên gọi chính thức là một tổ chức nhân ái (philanthropy foundation) và bản thân Hội cũng chỉ tập trung vào sứ mệnh phục vụ cộng đồng lẫn thúc đẩy tinh thần văn hóa hơn là truyền bá Phật giáo.
Để làm rõ hơn, mặc dù đường lối tu tập của Chứng Nghiêm Pháp sư và các đệ tử đã bao gồm cả Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (saddharmapuṇḍarīka-sūtra), Vô Lượng Nghĩa Kinh (ananta nirdeśa-sūtra) và Thủy Sám Pháp Kinh (nhằm chuyển hóa nghiệp trướng) cùng nhiều bí tích Phật môn khác … tuy nhiên Từ Tế không có chính sách khuyên bất cứ người nào phải từ bỏ đức tin hay tín ngưỡng của họ để đi theo mình, nhất là thông qua công tác từ thiện, cứu trợ.
Thứ nữa, Từ Tế cam kết trung thành với nguyên tắc phi chính trị (apolitical) và thế tục hóa trong tất cả mọi hoạt động – tất nhiên vẫn thường tích hợp giáo lý (tức Pháp) vào thực tiễn để hướng dẫn các tình nguyện viên. Chưa kể, Từ Tế còn hợp tác cùng nhiều tổ chức thiện nguyện và tôn giáo địa phương ở khu vực xảy ra thảm họa để xây dựng lại những cơ sở thực hành tín ngưỡng, như thánh đường Hồi giáo (mosque) và nhà thờ Công giáo (church).
Ngoài ra, các nữ tu Từ Tế chủ trương không sống bằng tiền ủng hộ quyên góp (donation) của hội viên, mà tự tìm cách canh tác, thêu thùa, may vá, chế tạo đồ thủ công, … hay gần đây là tham gia sản xuất các sản phẩm công nghiệp như công tắc điện và nhiều chi tiết khác.
Sau hơn 50 năm ra đời và phát triển, nhờ trung thành với đường lối thế tục và phục vụ, có thể nói Từ Tế thực sự đã trở thành một nhân tố tích cực nhất đóng góp vào sự trưởng thành của khu vực xã hội dân sự (civil society) ở Đài Loan; xứng đáng trở thành một hình mẫu lý tưởng nhất cho các tôn giáo ở những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, học hỏi.
Thế tục nghĩa là tách giáo lý tôn giáo ra khỏi mọi đời sống chính trị, pháp luật, giáo dục … Tại châu Âu, sau cả ngàn năm chìm trong Đêm trường Trung cổ (Thế kỷ V – XV) khi quyền lực Nhà thờ đóng vai trò chi phối tuyệt đối, trải qua giai đoạn Phục hưng và phong trào Kháng cách (Thế kỷ XV – XVII) dẫn tới trào lưu Khai sáng, các cuộc cách mạng tư sản và tiến trình công nghiệp hóa, … Giáo hội Vatican (Công giáo La Mã) cũng dần cải cách theo hướng thế tục để tiếp tục duy trì ảnh hưởng và địa vị như ngày nay. Hay trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Hồi giáo, nhưng nhờ tầm nhìn của người cha lập quốc, cố Tổng thống Mustafa Kemal Atatürk (1881 – 1938), trung thành với đường lối thế tục, kiên quyết tách rời giáo quyền khỏi đời sống chính trị và trở thành một cường quốc thịnh vượng, hùng mạnh, thành viên của NATO và OECD. |
Một số học giả, sau khi nghiên cứu lịch sử và đặc điểm của các tôn giáo, trong đó có Max Webber với cuốn “Nền Đạo đức Tin lành và Tinh thần của Chủ nghĩa Tư bản” (1905), đã đưa ra một quan điểm gây tranh cãi, khi chia tôn giáo thành: loại thứ nhất công nhận đời sống và tìm cách giải quyết các vấn đề của nhân loại ngay trong cõi đời; còn loại thứ hai phủ nhận đời sống và không tìm cách giải quyết các vấn đề của nhân loại ngay trong đời sống ở thế gian này mà chỉ chú trọng đến sự thanh thản ở thế giới bên kia. Theo đó, có thể xếp Ki tô giáo (Công giáo và Tin Lành) vào loại thứ nhất; còn Phật giáo, Lão giáo và Ấn Độ giáo thuộc loại thứ hai; ngoài ra giữa Phật giáo Đại thừa ở Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) với Phật giáo tiểu thừa (nguyên thủy) tại Đông Nam Á, Nam Á cũng có nhiều điểm khác biệt. |
Chú thích:
1. Một ngày năm 1966, ba nữ tu Công giáo đến thăm Chứng Nghiêm Pháp sư và trong khoảng thời gian ngắn, giữa họ đã có một cuộc đàm đạo về giáo lý của các tôn giáo. Khi Pháp sư giải thích rằng Phật giáo dạy tình yêu và lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, các nữ tu thắc mắc: “Tại sao chúng ta không thấy Phật tử làm công việc tốt cho xã hội, như thiết lập nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi và bệnh viện?” Nghi vấn trên dường như đã đánh trúng tâm lý của Pháp sư và Ngài thẳng thắn trả lời: “Phật giáo dạy người ta làm việc tốt mà không cần tìm kiếm sự công nhận”. Tuy nhiên, từ trong tâm khảm, Pháp sư tự biết nếu không có tổ chức thì những gì làm được sẽ rất hạn chế.
2. Từ Tế đầu tư xây dựng những cơ sở phân loại và tái chế rác thải bằng công nghệ tiên tiến (biến thành vật liệu may mặc, xây dựng) tại nhiều vùng trên khắp Đài Loan, tuyển mộ tình nguyện viên là nhiều người già, hưu trí, người tàn tật.
3. Năm 2015, kế hoạch xây dựng trung tâm cứu trợ thiên tai và công viên văn hóa của Từ Tế tọa lạc trên một khu đất rộng tại quận Nội Hồ (內湖), Đài Bắc đã gây nhiều sự chú ý của truyền thông Đài Loan, do những lo ngại liên quan đến nguy cơ phá hủy một phần khu bảo tồn tự nhiên ở nơi này. Sau vụ việc, đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng chính quyền cần thanh tra kỹ lưỡng các hoạt động và báo cáo tài chính của Từ Tế, bên cạnh một số cáo buộc không được kiểm chứng rằng Tổ chức này còn đang đầu tư vào những công ty sản xuất thuốc lá và chế tạo vũ khí. Mặc dù nhà chức trách Đài Loan đã không phát hiện thấy bất cứ hoạt động mờ ám nào, nhưng vụ việc cũng khiến nhu cầu về trách nhiệm giải trình lẫn tính minh bạch của các tôn giáo được coi trọng hơn.