Không dễ để một nước đang phát triển với mức thu nhập trung bình thấp lại được đề nghị tham gia chương trình quốc gia của OECD với triển vọng trở thành thành viên tương lai. Điều này cho thấy Việt Nam đang rất được thế giới kỳ vọng, và vì thế chúng ta lại càng cần phải xứng đáng với niềm tin ấy.

Từ chỗ ngập ngụa trong nợ nần và bạo loạn do các băng đảng ma túy, tội phạm gây ra, Colombia đã thực hiện rất nhiều cải cách triệt để, lột xác ngoạn mục và sắp trở thành thành viên chính thức của OECD. Ảnh: destinationsguide.copaair.com
Từ chỗ ngập ngụa trong nợ nần và bạo loạn do các băng đảng ma túy, tội phạm gây ra, Colombia đã thực hiện rất nhiều cải cách triệt để, lột xác ngoạn mục và sắp trở thành thành viên chính thức của OECD. Ảnh: destinationsguide.copaair.com

Chiều 1/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tiếp ông Andreas Schaal, Giám đốc Ban quan hệ toàn cầu của OECD, tới làm việc với một số bộ, ban ngành của Việt Nam về việc xây dựng bản Đánh giá đa chiều – dự kiến sẽ được hoàn thành ngay trong năm 2019. Trong khi ông Schaal tin tưởng chương trình sẽ hỗ trợ đắc lực cho Việt Nam xây dựng các thể chế về đầu tư, công nghệ cao, phát triển bao trùm và phòng, chống tham nhũng; Phó Thủ tướng cũng nhận định, Đánh giá đa chiều của OECD chắc chắn sẽ là một căn cứ quan trọng để Chính phủ tham khảo nhằm hoạch định chính sách và chiến lược cho giai đoạn 2021-2030, hướng đến năm 2045.

Ngoài ra, OECD cũng rất mong Việt Nam tham gia vào Chương trình quốc gia mà tổ chức đang triển khai, trong đó có nhiều nội dung mà chúng ta đặc biệt quan tâm, liên quan đến xây dựng chính sách thuế, phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực theo các tiêu chuẩn tiên tiến nhất. Hoan nghênh thiện chí của OECD, Phó Thủ tướng đánh giá Chương trình quốc gia là cần thiết đối với Việt Nam, giống như một sự tiếp nối của Đánh giá đa chiều, nhưng với nội dung hợp tác thậm chí còn sâu rộng hơn, giúp Chính phủ hướng các chính sách đang triển khai theo chuẩn của OECD, nhất là trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Bên cạnh những nội dung được OECD đề cập, Phó Thủ tướng cũng đề nghị OECD bổ sung hỗ trợ Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn trong quản trị tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà đối tượng chính là Ủy ban quản lý vốn nhà nước vừa được thành lập cách đây không lâu; cùng với đó là xây dựng thể chế cho thị trường và các quỹ đầu tư khởi nghiệp, sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ – những gợi ý đã được ông Schaal tiếp thu và hứa sẽ nghiên cứu, xem xét, bổ sung.

Cần hiểu đúng để làm đúng

OECD (Organization for Economic Co-operation and Development) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế là một thiết chế liên chính phủ, hiện đang có 36 thành viên chính thức. Tiền thân là Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OEEC), ra đời từ năm 1948, do nhà kinh tế, chính trị gia Pháp Robert Marjolin làm lãnh đạo đầu tiên và điều hành Kế hoạch Marshall giúp tái thiết châu Âu (thời Hậu chiến) do Mỹ khởi xướng. Đến năm 1961, OEEC được tổ chức lại thành OECD sau một công ước chung cùng sự nhất trí mở rộng tư cách thành viên sang các quốc gia bên ngoài châu Âu. Hiện tại, Tổ chức có trụ sở chính đặt ở Château de la Muette, Paris (Pháp), hoạt động nhờ tài trợ và đóng góp của các quốc gia thành viên (với tỷ lệ khác nhau), có ngân sách khoảng 374 triệu Euro (năm 2017).

Từ chỗ chỉ là ảnh hưởng chiến lược thuần túy của Mỹ, OECD đã được thiết kế lại và mở rộng vai trò nhằm theo đuổi những kích thích tiến bộ đối với nền kinh tế và thương mại toàn cầu. Đây được xem là diễn đàn (hay sân chơi) của các quốc gia tự nguyện cam kết gắn với kinh tế thị trường (market economy) và thể chế dân chủ (democracy); bên cạnh cung cấp một nền tảng so sánh trong hoạch định chính sách, hòng tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề chung, và giúp những quốc gia thành viên điều phối hiệu quả các chương trình nghị sự (agenda) trong nước lẫn quốc tế. Hầu hết các thành viên OECD đều là những nền kinh tế có thu nhập đầu người (GDP per capita) và Chỉ số phát triển con người (HDI) cao, cho nên còn hay được gọi là câu lạc bộ “nhà giàu”. Như tính đến năm 2017, chỉ riêng OECD đã chiếm tới 62,2% GDP danh nghĩa (khoảng 49,6 nghìn tỷ USD) và 42,8% GDP tính theo mãi lực (PPP) toàn cầu (tương đương 54,2 nghìn tỷ USD).

Trong vai trò quan sát tại Liên Hiệp Quốc (UN) và chủ trương mở rộng hợp tác với cả những quốc gia không phải thành viên, từ năm 2003, OECD đã thành lập một nhóm làm việc (working group) để lựa chọn và xúc tiến chương trình phối hợp với các ứng viên tiềm năng, dựa trên 4 tiêu chí: “cùng chí hướng” (like-mindedness), “tay chơi quan trọng” (significant player), “cùng có lợi” (mutual benefit) và “coi trọng toàn cầu” (global consideration). Sau những thỏa thuận liên quan đến soạn thảo bộ quy tắc hướng dẫn và danh sách các đối tác phù hợp tại cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng diễn ra ngày 13 – 14/5/2004, OECD đã nhiều lần mở các phiên thảo luận gia nhập với Chile, Estonia, Israel, Nga và Slovenia, đồng thời thông báo đẩy mạnh hợp tác với Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi với tư cách khách mời tích cực. Trong khi Chile, Slovenia, Israel và Estonia đều đã được kết nạp từ năm 2010, thì cuộc khủng hoảng Crimea (tháng 3/2014) lại khiến chương trình đàm phá với Nga bị tạm dừng vô thời hạn. Tiếp đó, OCED cũng mở rộng đàm phán với Colombia và Latvia (năm 2013), Costa Rica và Lithuania (năm 2015), giúp hai nước cựu Xô viết vùng Baltic sớm gia nhập (Latvia ngày 1/7/2016; Lithuania ngày 5/7/2018), trong khi Colombia cũng đã ký một thỏa thuận hôm 30/5/2018 và sẽ trở thành thành viên chính thức sau khi được phê chuẩn.

Hiện nay, trong số các quốc gia bày tỏ sự quan quan tâm gia nhập OECD, bao gồm Argentina, Peru, Malaysia, Brazil và Croatia, thì triển vọng của Malaysia – với sức ảnh hưởng và nền kinh tế tăng trưởng bền vững suốt một thập niên qua (GDP đầu người sắp đạt 12.000 USD, được WEF xếp đứng đầu Đông Nam Á và top 20 nước sẵn sàng với cuộc Cách mạng 4.0) – là rất hứa hẹn. Như vậy, phải thấy rằng, việc OECD đề nghị Việt Nam tham gia Chương trình Quốc gia là một cơ hội “quá tốt” cùng với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, giúp chúng ta có thêm động lực thực hiện cải cách toàn diện, sâu rộng và triệt để, hòng đưa đất nước bước vào một lộ trình phát triển mới, bền vững hơn, và thậm chí đứng vào hàng ngũ những quốc gia phát triển được cả thế giới kính nể.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, để các dự án hợp tác với OECD, dù là Đánh giá đa chiều hay Chương trình quốc gia mang lại hiệu quả cao nhất, và thực sự giúp Việt Nam phát triển, chúng ta bắt buộc phải tiếp nhận cách hiểu tương đồng và bám sát những tiêu chí rất cao của tổ chức này, trong đó không thể bỏ qua hai đòi hỏi về nền kinh tế thị trường và thể chế dân chủ, mà xét trên nhiều khía cạnh thì Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn. Lấy ví dụ, Mỹ hiện vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ; hay một số vụ kiện quốc tế nhắm tới chính phủ trong thời gian qua cũng cho thấy sự yếu kém của hệ thống pháp luật. Lý giải cho tình trạng này, dường như Việt Nam vẫn đang đi ngược với xu hướng của các nền kinh tế thị trường tự do đích thực … khi dồn quá nhiều nguồn lực và ưu đãi cho các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước (mặc dù làm ăn bết bát), trong khi khu vực tư nhân thì nhỏ bé, èo uột và khó có thể kiến tạo sự đột phá. Do đó, nếu thật sự mong muốn đạt được trình độ phát triển như các thành viên OECD, Việt Nam cần khẩn trương thoái vốn và cổ phần hóa hoàn toàn khu vực kinh tế nhà nước; bên cạnh đẩy mạnh cải thiện quy trình lập pháp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp và trung thành với nguyên tắc “thượng tôn pháp luật” (rule of law).