Quyết định này của Chính phủ Brazil có thể làm chệch hướng các dự án đầu tư cho nghiên cứu trị giá hàng triệu đô la như máy gia tốc Sirius.

Máy gia tốc Sirius của Brazil, dự kiến sẽ bắt đầu thí nghiệm vào cuối năm nay nhưng hiện không đủ kinh phí hoạt động. Ảnh: Nature
Máy gia tốc Sirius của Brazil, dự kiến sẽ bắt đầu thí nghiệm vào cuối năm nay nhưng hiện không đủ kinh phí hoạt động. Ảnh: Nature

Các nhà nghiên cứu ở Brazil phản đối kịch liệt sau khi chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro tuyên bố vào cuối tháng trước rằng họ đã đóng băng 42% ngân sách dành cho Bộ Khoa học và Truyền thông Brazil (MCTIC). Đặc biệt trong bối cảnh Bộ khoa học Brazil đang hoạt động với ngân sách vào loại thấp nhất trong 14 năm qua, quyết định này càng gây thêm khó khăn cho khoa học quốc gia Nam Mỹ này. Năm 2019, Quốc hội Brazil đã phê duyệt 5,1 tỷ reais (1,45 tỷ USD) cho MCTIC, việc phong tỏa tài khoản, được công bố vào ngày 29/3/2019, khiến Bộ Khoa học Brazil chỉ còn 2,9 tỷ reais cho các hoạt động từ nay đến cuối năm.

Nếu các quan chức chính phủ không “trả lại” kinh phí cho một số quỹ đang bị đóng băng, như Hội đồng Phát triển KH&CN Quốc gia (CNPq) - cơ quan tài trợ nghiên cứu chính của Brazil, có thể hết tiền để hoạt động ngay từ tháng 7 tới. Trước đây, Chính phủ Brazil đã từng cố gắng cắt giảm ngân sách của MCTIC 44% trong năm 2017, nhưng sau đó trả lại Bộ một phần ngân sách vào cuối năm.

Tuy hiện tại vẫn còn chưa rõ việc phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến từng cơ quan trong MCTIC và 16 viện nghiên cứu liên bang như thế nào nhưng chính phủ đã tuyên bố đóng băng tài trợ gần 80%, vào ngày 29/3/2019, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng - bao gồm cả cơ sở máy gia tốc Sirius mới ở Campinas, thiết bị các nhà vật lý Brazil hy vọng sẽ sử dụng để nghiên cứu cấu trúc của vật chất. Các nhà khoa học đang lo lắng vì họ sợ rằng các dự án sẽ bị trì hoãn, làm lãng phí các nỗ lực nghiên cứu, mất khả năng cạnh tranh và chảy máu chất xám.

Viện Hàn lâm Khoa học Brazil và năm cộng đồng khoa học khác đã đưa ra cảnh báo như vậy trong một tuyên bố vào ngày 1/4/2019: Việc đóng băng sẽ làm tê liệt sự phát triển KH&CN Brazil nếu chính phủ không rút lại quyết định. Tuyên bố cũng nhấn mạnh, “sẽ mất nhiều thập kỷ để xây dựng lại năng lực khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước”.

Cắt giảm các dự án khoa học

Theo ông Antonio Roque da Silva, giám đốc dự án Máy gia tốc Sirius, tòa nhà của trung tâm cùng hai trong số ba máy gia tốc đã được hoàn thành vào năm ngoái, và các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch bắt đầu các thí nghiệm vào cuối năm nay. Do sẽ cần đầu tư 1,8 tỷ reais trong vòng 8 năm, nên cơ sở này là dự án khoa học đắt đỏ nhất của đất nước.

Các nhà quản lý tại đây đã phải chật vật giữ cho cơ sở hiện đại này hoạt động kể từ khi cuộc khủng hoảng tài trợ khoa học của Brazil bắt đầu vào năm 2014. Đến năm nay họ mới chỉ nhận được một nửa trong số 255 triệu reais họ cần để vận hành cơ sở này. “Ngay cả trong những thời kỳ ngân sách eo hẹp, chúng tôi vẫn cố gắng tiếp tục thi công”, ông Roque nói. “Nhưng chưa bao giờ chúng tôi bị cắt một nửa ngân sách như vậy cả”.

Điều khiến Roque lo lắng nhất là việc mất nhân sự. “Các nhà khoa học của chúng tôi liên tục được mời vào các vị trí trong phòng thí nghiệm ở nước ngoài”, ông nói. “Mất đi nguồn nhân lực là rủi ro lớn nhất đối với các dự án nghiên cứu, không riêng gì dự án này”.

Ronald Shellard, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vật lý Brazil (CBPF) tại Rio de Janeiro, còn lo ngại về khả năng đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế của Brazil. CBPF là một phần của 20 dự án hợp tác khoa học quốc tế, trong đó có việc tham gia máy gia tốc hạt lớn Large Hadron Collider (LHC) gần Geneva, Thụy Sĩ và Đài thiên văn Pierre Auger - đài quan sát tia vũ trụ ở Malargüe, Argentina.

Trước khi bị đóng băng ngân sách, CNPq - cơ quan tài trợ khoa học chính của Brazil cũng phải chật vật với khó khăn. Trong năm 2019, Quốc hội đã cắt giảm ngân sách học bổng của CNPq, vốn bao gồm 80.000 học bổng dành cho sinh viên đại học và sau đại học, từ 959 triệu reais năm 2018 xuống còn 785 triệu reais. Và CNPq cũng mới vừa bắt đầu năm 2019 với khoản nợ 300 triệu reais. Nếu tình hình không có biến chuyển, các khoản kinh phí dành cho học bổng sẽ chỉ đủ giải ngân đến hết tháng 9/2019, theo lời ông João Filgueiras de Azevedo - chủ tịch của CNPq.

Nhưng ngay cả khi CNPq có thể đáp ứng các cam kết học bổng của mình, thì điều lo ngại nhất vẫn còn tồn tại, đó là “không có tiền cho các khoản tài trợ nghiên cứu”, Luiz Davidovich, nhà vật lý tại Đại học Liên bang Rio de Janeiro và chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Brazil, cho biết.

Chảy máu chất xám

Việc không có đủ ngân sách cho nghiên cứu rất nguy hiểm cho khoa học. Do đó, ông Davidovich lo lắng về tác động của khủng hoảng tài trợ liên tục ở Brazil đối với các nhà nghiên cứu trẻ. “Những người giỏi nhất và thông minh nhất của chúng ta đang rời khỏi đất nước”, ông nói. Hiện tại, lo ngại đó đã thành hình bởi Davidovich đang nhận được ngày càng nhiều yêu cầu viết thư giới thiệu từ các sinh viên tốt nghiệp và các nhà nghiên cứu trẻ đang có kế hoạch chuyển ra nước ngoài.

Việc sửa đổi hiến pháp để giới hạn sự gia tăng trong chi tiêu của chính phủ là những gì cần thiết để giữ đất nước khỏi rơi vào tình trạng lạm phát, nghĩa là quay trở lại mức ngân sách trước năm 2014 - trước khi tài trợ của Bộ Khoa học bắt đầu giảm mạnh - là điều không thể xảy ra. Bolsonaro, Tổng thống cực hữu Brazil nhậm chức vào tháng 1, đã cam kết tăng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển từ 1% đến 3% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Ông cũng đã chỉ định phi hành gia duy nhất của Brazil, Marcos Pontes, làm Bộ trưởng Bộ Khoa học. Nhưng Paulo Guedes, Bộ trưởng Bộ Kinh tế của Brazil, đang cố gắng thu hẹp quy mô các khoản chi tiêu theo ngân sách của Chính phủ Brazil nhằm thúc đẩy nền kinh tế; điều đó có nghĩa là ngân sách dành cho nhân lực khoa học và các viện nghiên cứu có thể còn bị cắt giảm hơn nữa trong tương lai.

Và có thể là tình trạng mà khoa học Brazil đang phải đối mặt sẽ còn phải chịu đựng thêm những điều tồi tệ hơn, Davidovich nhận định và ví von “ở dưới đáy giếng còn có thể có một cái cửa sập”.