Với tinh thần chủ động kết nối, Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ (NIPTEX) Bộ KH&CN đã trở thành “điểm đến” tin cậy của những nhà sáng chế không chuyên, hỗ trợ họ từ việc tìm kiếm ý tưởng sáng chế cho tới việc hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm.
Tại triển lãm Techfest 2016, một người khách dừng lại trước gian hàng trưng bày sản phẩm robot gieo hạt của ông Phạm Văn Hát, một nhà sáng chế không chuyên ở Hải Dương được nhiều người biết đến do chế tạo được rất nhiều máy móc ứng dụng trong nông nghiệp và được các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ, Úc, Israel... tìm đến mua sản phẩm. “Khi ông khách hỏi thăm, tôi đã không giấu giếm bức xúc về việc ròng rã 4 năm đi đăng ký bảo hộ sáng chế mà vẫn công cốc”, ông Hát kể lại về cuộc trao đổi tình cờ với người khách đó. Bất ngờ là sau khi lắng nghe, “người khách đưa danh thiếp và tự giới thiệu, tôi mới biết đấy là ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN”. Qua giới thiệu của ông, nhà sáng chế Phạm Văn Hát đã được kết nối với Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (NIPTEX) và được hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế ngay sau đó.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp các nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học trong các viện trường hoặc các doanh nghiệp... mà Viện NIPTEX đã hỗ trợ.
Tìm đến tận nơi có nhu cầu
Theo Viện NIPTEX, hiện nay, đối tượng có nhu cầu về đổi mới sáng tạo rất nhiều, từ các trường đại học, doanh nghiệp cho đến các viện nghiên cứu. Nhưng họ sẽ phải tìm ý tưởng, giải pháp đổi mới ở đâu và địa chỉ ứng dụng như thế nào? Vì vậy, một trong những nhiệm vụ thường trực của Viện là phải đáp ứng được nhu cầu đó.
Trên thực tế, việc khai thác cơ sở dữ liệu sáng chế không phải là chuyện đơn giản. Viện NIPTEX đã phải đối mặt với nhiều khó khăn ngay từ bước khởi đầu, một trong số đó là việc tìm kiếm người có nhu cầu cần được hỗ trợ vì chưa có nhiều nơi biết đến Viện và sẵn sàng trao đổi ý tưởng với Viện.
Để giải quyết vấn đề này, Viện NIPTEX đã tổ chức nhiều đoàn công tác thực tế tới các địa phương trên cả nước, tiến hành khảo sát và gặp gỡ nhiều đối tượng, từ các nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học trong các viện, trường tới doanh nghiệp với mục tiêu “nắm được họ đang làm gì, nhu cầu của họ là gì”, TS. Nguyễn Trọng Hiếu cho biết. Không chỉ có vậy, Viện cũng chủ động tìm kiếm thông tin qua rất nhiều kênh khác nhau như thông qua Sở KH&CN của các tỉnh, thành phố, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hội nông dân,... – những nơi mà Viện cho rằng gần gũi với các nhà sáng chế địa phương nhất.
Với số lượng cán bộ còn rất hạn chế nhưng lại có quá nhiều lĩnh vực đòi hỏi sự hiểu biết chuyên sâu, Viện đã chủ động xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau và mời họ cùng tham gia vào các chuyến khảo sát thực địa. Ngoài ra, để phổ biến các sáng chế hữu ích tới cộng đồng; đồng thời Viện chủ động cập nhật và tập hợp các sáng chế có giá trị thực tiễn cao của nước ngoài và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. “Nhiều người có nhu cầu tương tự sau này chỉ cần lên đây tải về, vừa nhanh chóng và dễ hiểu, đỡ phải mày mò tìm kiếm từ các nguồn dữ liệu nước ngoài”, TS. Hiếu cho biết.
Hỗ trợ các nhà sáng chế và doanh nghiệp
Với mong muốn hỗ trợ tối đa cho bất cứ đối tượng nào có nhu cầu, kể cả nhu cầu tư vấn về việc làm thế nào đăng ký được sáng chế đến nhu cầu tìm kiếm, phân tích các sáng chế để lựa chọn thứ mình cần, ngay từ ban đầu TS. Nguyễn Trọng Hiếu và cán bộ Viện đã xây dựng một quy trình hỗ trợ bài bản theo từng giai đoạn, đầu tiên là thống kê dữ liệu và phân tích sáng chế. Cán bộ của Viện sẽ tìm kiếm thông tin sáng chế từ nhiều nguồn khác nhau, từ các thư viện số về bằng sáng chế của Việt Nam (Digipat) thuộc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), cơ sở dữ liệu sáng chế của các tổ chức như Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Cơ quan sáng chế châu Âu (EPO), Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO)…Bên cạnh việc tìm kiếm thông tin sáng chế, việc đánh giá thông tin nằm trong bằng sáng chế cũng đòi hỏi sự tương tác rất chặt chẽ, trao đổi thông tin nhiều lần giữa cán bộ, chuyên gia của Viện với người có nhu cầu cần hỗ trợ.
Trong quá trình tương tác với những nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học và doanh nghiệp, Viện NIPTEX rút ra một điều, nếu các nhà khoa học và doanh nghiệp vừa và nhỏ “đa phần nhờ Viện hỗ trợ về thiết kế mô phỏng sản phẩm” trước khi chế tạo, thì các nhà sáng chế không chuyên “có ý tưởng nhưng thiếu nhân lực hỗ trợ thiết kế cũng như trang thiết bị máy móc phục vụ việc chế thử sản phẩm”, TS. Nguyễn Trọng Hiếu nhận xét. Thế khó của các nhà sáng chế không chuyên là “không dám nhờ doanh nghiệp vì sợ mất ý tưởng, do đó họ chỉ biết nhờ đến Viện vì tin tưởng vào Viện”. Do đó, cách giải quyết của Viện NIPTEX là “đồng hành với họ từ giai đoạn đầu tiên lên ý tưởng cải tiến thiết kế sản phẩm đến giai đoạn hỗ trợ chế thử sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế”, TS. Hiếu cho biết thêm.
Dù cố gắng hỗ trợ hết mức có thể với tất cả các đối tượng tìm đến với mình nhưng Viện NIPTEX có riêng phần “ưu ái” với các nhà sáng chế không chuyên, không chỉ tư vấn cải tiến mà còn tham gia chế thử sản phẩm vì họ thường làm việc một cách đơn độc mà ít có được sự hỗ trợ đáng kể nào. Như trường hợp robot gieo hạt của ông Phạm Văn Hát ở Hải Dương, Viện đã cử chuyên gia đến tận nơi, để tìm hiểu đã phải “tháo tung cả máy móc, xem từng chi tiết”, TS. Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng Viện NIPTEX cho biết. Cái khó ở đây là “ông Hát chế theo kinh nghiệm nên không chia các bộ phận máy theo mô đun riêng, không có bản thiết kế nên khó sản xuất theo quy mô lớn”. Bởi vậy, Viện đang nghiên cứu và giúp ông Hát xây dựng bản thiết kế, chia theo từng mô đun – dễ sản xuất và thay thế bộ phận nếu cần. Ngoài ra, khi thấy cần cải tiến gì là “ông Hát lại tự sửa trực tiếp trên máy, tốn rất nhiều nguyên vật liệu và công sức”. Vậy cách giải quyết của Viện như thế nào? Không ngại khó khăn, NIPTEX đã mô phỏng thiết kế 2D, 3D sản phẩm, qua đó giúp nhà sáng chế này sửa trên mô hình đó, công việc “đơn giản và tiết kiệm hơn rất nhiều”, TS. Hiếu kể.
Không riêng ông Phạm Văn Hát, nhiều phẩm của các nhà sáng chế không chuyên khác “qua tay” Viện đã được cải tiến, hoàn thiện hơn. Điển hình như sáng chế lò sấy lúa vỉ ngang của nhà sáng chế Năm Nhã ở Long Xuyên, An Giang (sáng chế đoạt giải nhất cuộc thi Nhà sáng chế năm 2014), đã được phổ biến rộng rãi ở đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang Campuchia nhờ ưu điểm chi phí thấp và hiệu quả cao.
Một trường hợp khác là thiết bị làm giá sạch của anh Nguyễn Văn Quang ở Gia Lâm, Hà Nội. Mặc dù sáng chế này phức tạp, nhiều tổ chức dịch vụ sở hữu công nghiệp không muốn nhận đăng ký nhưng anh Hiếu cho biết, cán bộ của Viện đã trực tiếp đến hỗ trợ, giúp anh Quang sửa chữa và hoàn thiện đơn đăng ký bảo hộ sáng chế này.
Không dừng lại ở các hoạt động hỗ trợ như trên, Viện còn dấn thêm một bước, tìm cách kết nối các nhà sáng chế với những doanh nghiệp có nhu cầu, như Viện đã giới thiệu robot gieo hạt của ông Phạm Văn Hát cho Công ty sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) sử dụng.
“Quan điểm của chúng tôi là tất cả những gì hỗ trợ phải đem lại hiệu quả kinh tế, có lợi nhuận, giúp các nhà sáng chế không chuyên, doanh nghiệp đạt được hiệu quả chứ không ‘đắp chiếu’ để đấy”, TS. Nguyễn Trọng Hiếu bày tỏ.
Hiện nay các hoạt động hỗ trợ của Viện đang hoàn toàn miễn phí nhưng trong tương lai sẽ phải hướng tới cung cấp dịch vụ, nếu doanh nghiệp có nhu cầu có thể đặt hàng. Tuy có đặt mục tiêu thu phí nhưng đối với những đối tượng khó khăn Viện có thể hỗ trợ miễn phí hoặc lấy mức phí vừa phải.