Gần 70 năm tồn tại, SEA Games không chỉ đem đến cho khu vực Đông Nam Á một di sản thể thao đa sắc mà còn xây dựng nên một thương hiệu với những giá trị bản quyền riêng có. Tuy nhiên, việc khai thác thương hiệu và giá trị thương mại đó vẫn còn chưa được chú ý và khai thác triệt để như với nhiều sự kiện thể thao khác.
Khai thác thương hiệu SEA Games
Vấn đề thương hiệu của SEA Games - kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á được tổ chức hai năm một lần, từng được đề cập tới trong nhiều kỳ tổ chức trước đây và coi đó là một trong những nguồn thu để hỗ trợ kinh phí tổ chức cho các quốc gia chủ nhà. Từ Manila, Philippines – nơi đang diễn ra Hội nghị truyền hình SEA Games 2019, ông Hoàng Vĩnh Giang cho biết, để khai thác giá trị thương mại của SEA Games, ban tổ chức các kỳ đại hội đều thành lập ủy ban Marketing đảm trách việc “bán” thương hiệu SEA Games cho doanh nghiệp dưới nhiều khía cạnh, từ các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ liên quan trực tiếp đến công việc tổ chức đến những sản phẩm và dịch vụ liên quan đến những người hâm mộ thể thao tham gia sự kiện.
Theo thông tin từ hãng thông tấn The Philippine News Agency, những nhà tài trợ chính cho SEA Games 30 đều là những doanh nghiệp quốc tế: Atos – một công ty về các giải pháp số có trụ sở ở Tây Ban Nha, sẽ đảm trách hệ thống quản lý của đại hội, đó là các đường truyền dẫn thông tin từ 4 cụm trung tâm tổ chức các môn thi là Clark, Subic, Vùng đô thị Manila và BLT (Batangas, La Union và Tagayta) về trung tâm điều hành đại hội ở thành phố Clark; GL Events – một nhà cung cấp các giải pháp và dịch vụ tích hợp cho nhiều sự kiện thể thao quốc tế của Pháp, phụ trách phần lắp đặt các hệ thống truyền dẫn, hệ thống điều khiển ở 39 địa điểm tổ chức; Grand Sport – một công ty về trang phục và dụng cụ thể thao Thái Lan, sẽ cung cấp các bộ đồng phục cho ban tổ chức, lực lượng tình nguyện viên, nhân viên kỹ thuật; Media-Pro Asia, một công ty truyền thông có trụ sở ở Tây Ban Nha, là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình và bản quyền truyền thông chính thức các sự kiện và thông tin về đại hội như lễ khai mạc, bế mạc, hình ảnh các môn thi đấu; Philippines Airlines, một hãng hàng không của nước chủ nhà, sẽ nắm giữ các mạng lưới vận chuyển theo đường hàng không của đại hội giữa các địa phương ở Phillippines và từ các quốc gia Đông Nam Á tới Manila…
Mới tận dụng một phần giá trị
Trong khi Olympic Games – đại hội thể thao thế giới diễn ra 4 năm một lần, đã trở thành con gà đẻ trứng vàng cho Ủy ban Olympic quốc tế, thu nhập lớn nhất của Olympic Games là bản quyền truyền hình. Ví dụ, dù còn tới 5 năm nữa mới diễn ra thì ở thời điểm hiện nay, bản quyền truyền hình của Olympic Games ở Paris năm 2024 đã ước tính đạt 1,7 tỷ USD với đăng ký của 21 hãng truyền hình trên khắp thế giới, thì phần lớn thu nhập của các kỳ SEA Games vẫn là từ các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ đi kèm với logo, hình ảnh, mascot (vật đại diện cho đại hội) còn bản quyền truyền hình - miếng bánh lớn nhất của thương hiệu SEA Games, vẫn chưa được mấy quan tâm.
Thực ra cách đây hơn 10 năm, vấn đề bản quyền truyền hình SEA Games từng được bàn bạc đến. Tháng 8/2007, trước ngày khai mạc SEA Games 24 đúng 4 tháng, Ủy ban Marketing SEA Games thông báo: sẽ bán bản quyền truyền hình đại hội cho các đài truyền hình khu vực kèm quảng cáo, nếu đài truyền hình nào muốn miễn phí bản quyền và nhận sóng “sạch” thì không được phép quảng cáo. Khi đó, tất cả các đài truyền hình Đông Nam Á, trong đó có truyền hình Việt Nam đều kịch liệt phản đối vì không ai muốn chấp nhận điều khoản “vô lý” này.
Dẫu không thành công nhưng ý tưởng về bản quyền truyền hình đã gợi cho Liên đoàn thể thao Đông Nam Á một hướng khác để khai thác thương hiệu SEA Games. Hai năm sau, điều lệ tổ chức SEA Games đã được thay đổi: “Điều lệ ghi rõ, Liên đoàn nắm bản quyền SEA Games, 75% kinh phí thu được từ bản quyền truyền hình sẽ được trao cho nước chủ nhà, 25% thuộc về Liên đoàn, sau Liên đoàn trao cho Ủy ban Olympic các quốc gia”, ông Hoàng Vĩnh Giang nhớ lại. Do đó, SEA Games 25 vào năm 2009 ở Lào trở thành kỳ đại hội đầu tiên có bán bản quyền truyền hình, “Ủy ban Olympic Việt Nam lúc đó nhận được gần 60.000 USD từ khoản 25% này, vốn được dùng chi cho các hoạt động cần thiết”, ông cho biết.
Sau Lào, chưa có nước chủ nhà nào áp dụng cách làm này mà đều miễn phí bản quyền. Do đó, hầu như ai cũng bất ngờ trước thông tin từ Hội nghị truyền hình SEA Games 30: thông qua Media-Pro Asia, ban tổ chức dự kiến bán bản quyền với mức dự kiến 100.000 đến 200.000 USD. “Tuy nhiên ban tổ chức vẫn chưa quyết định chính thức, chúng ta sẽ còn chờ thêm một phiên họp nữa”, ông Hoàng Vĩnh Giang nói.
Cơ hội của Việt Nam ở SEA Games 31
Hai năm tới, SEA Games sẽ trở lại Việt Nam. Vậy đây có phải là cơ hội để Việt Nam khai thác giá trị của thương hiệu SEA Games qua bản quyền truyền hình? Ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng, trong tình hình hiện nay, đây là vấn đề khó xử với bất cứ quốc gia nào đăng cai đại hội. “Thông thường, SEA Games là cơ hội quảng bá hình ảnh của quốc gia đăng cai, và hơn nữa, việc phát sóng truyền hình các hoạt động của SEA Games cũng nhằm hướng đến mọi người dân Đông Nam Á. Việc chọn đài truyền hình này mà không phải đài truyền hình khác qua đóng phí sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận của mọi người. Trong khi đó, nước đăng cai đã tập trung nhiều nguồn lực cho công tác tổ chức… và nguồn thu từ mọi hoạt động khai thác thương hiệu mới chiếm một phần rất nhỏ của SEA Games”, ông giải thích.
Trên thực tế, giá trị thương hiệu của SEA Games vẫn còn khiêm tốn. Ví dụ, từ SEA Games 22, Việt Nam thu được 70 tỷ đồng về marketing nhưng theo một thành viên ban tổ chức khi đó, chỉ riêng về lĩnh vực truyền hình, “chúng ta đã đầu tư 122 tỷ đồng để mua các thiết bị sản xuất chương trình và cung cấp miễn phí cho các nước”.
Tuy nhiên, ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng SEA Games đang có nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh qua rất nhiều công nghệ mới như truyền hình, các nền tảng truyền thông số, nó tạo điều kiện cho các khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, có thể tiếp cận đại hội qua điện thoại thông minh, truyền hình internet. Vì vậy, Việt Nam cần học hỏi cách làm mới mẻ và hiện đại để có thể tiếp cận được nhiều khán giả hơn và có nhiều cách bán bản quyền tốt hơn”.