Với nhiều nỗ lực đăng ký sở hữu trí tuệ, cải tiến công nghệ sau thu hoạch để mở rộng thị trường, nhưng vải thiều Lục Ngạn vẫn chỉ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc là chính. Vì sao?
Nỗ lực mở rộng thị trường…
Tỉnh Bắc Giang hiện đang kì vọng rằng, đến tháng 9 năm nay, vải thiều Lục Ngạn sẽ có được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản. Đây là một trong ba đặc sản của Việt Nam, bên cạnh thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Mê Thuột nằm trong dự án hợp tác về Chỉ dẫn Địa lý được ký kết giữa Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam và Cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản.
Những sản phẩm nào được bảo hộ ở các thị trường khó tính nghĩa là nó đã vượt qua những quy trình kiểm định, kiểm soát ngặt nghèo về chất lượng sản phẩm lẫn quy trình trồng và chăm sóc. Chính vì vậy, việc thuyết phục phía đối tác Nhật Bản rằng Việt Nam sẽ đạt được những điều đó là một thách thức to lớn. Trước đây, nhờ vốn tài trợ từ chính phủ Pháp, Việt Nam từng đăng kí bảo hộ được chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc ở tất cả các nước thành viên trong liên minh châu Âu EU nhưng quá trình công nhận kéo dài tới năm năm. Tuy nhiên, nếu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, cánh cửa xuất khẩu vải Lục Ngạn vào không chỉ thị trường nước này mà cả các thị trường có giá trị khác như sẽ hết sức rộng mở và vải sẽ bán được giá hơn. Hiện nay, giá mỗi quả vải trong các siêu thị Nhật Bản lên đến 60 nghìn đồng! Sở KH&CN Bắc Giang khi được giao phụ trách quản lý dự án này đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý sớm nhất (hơn hai sản phẩm còn lại của Việt Nam) mà phía Nhật Bản yêu cầu. Họ cũng vừa đón đoàn khảo sát của nước này vào tháng 7/2018 tới Lục Ngạn và đang chờ một “chuyến thăm” khác trong những tháng tới.
Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của tỉnh Bắc Giang nhằm mở rộng việc xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn ra ngoài thị trường Trung Quốc. Mỗi năm, mùa vải thiều ở Lục Ngạn chỉ kéo dài vỏn vẹn trong một tháng, từ khoảng 10/6 đến 20/7 với sản lượng rất lớn, lên tới gần 200 nghìn tấn và áp lực hái xong phải tiêu thụ ngay trong ngày, nếu không thì quả xấu mã. Theo công bố của tỉnh Bắc Giang, 50% sản lượng vải thiều của tỉnh này được xuất sang Trung Quốc nhưng theo lời kể của Chủ tịch hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều huyện Lục Ngạn, ông Bùi Xuân Sinh, cho rằng con số thực tế cao hơn rất nhiều và chủ yếu là theo đường tiểu ngạch. Có những hội viên của ông mỗi ngày xuất hàng nghìn tấn vải thiều qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Nhưng dễ hiểu, tỉnh Bắc Giang không muốn chỉ phụ thuộc vào một đối tác vì quá rủi ro.
Trước đó, tỉnh này đã đăng ký nhãn hiệu tập thể cho vải thiều Lục Ngạn trên 8 quốc gia bao gồm: Mỹ, Úc, Singapore, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Lục Ngạn cũng được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp 18 mã số vùng trồng cho gần 400 hộ sản xuất vải thiều, tương đương với hơn 200 ha vào thị trường nước này, nghĩa là vải từ các vùng này đương nhiên có thể nhập khẩu vào Mỹ. Vào năm 2017, huyện Lục Ngạn đã có dự án tài trợ cho 32 hộ triển khai phương thức canh tác theo chuẩn GlobalGap (đến nay đã hết hạn) và năm nay lại triển khai trên 40ha khác, dù “chi phí đắt và chỉ được một năm” với mục tiêu “chuẩn bị trước” cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng mặc dù “trải thảm đỏ” trước, sản lượng vải thiều vào những thị trường này vẫn “chỉ 6000 – 10.000 tấn, rất là nhỏ”, theo lời của Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, Tăng Văn Huy.
…nhưng không khả thi
“Chỉ sợ mình không chế biến được thôi chứ không phải là không có khách hàng” – Ông Nguyễn Hữu Tuyết, Phó TGĐ Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn cầu (tiền thân là công ty xuất nhập khẩu Bắc Giang) đưa ra một thực tế bất ngờ. Công ty của ông là một trong số dưới 10 công ty ở Việt Nam đã xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ vải thiều Lục Ngạn vào thị trường EU và Nhật Bản trong nhiều năm.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ vải thiều từ các thị trường trên có thể lớn nhưng con đường xuất khẩu vải thiều vào các quốc gia này rất “chông gai”. Nếu muốn xuất khẩu quả vải tươi thì bắt buộc phải tiến hành theo đường thủy bởi, theo đường hàng không thì chi phí vận chuyển quá cao. Công ty Rồng Đỏ ở phía Nam vào năm 2015 đã chào hàng một tỷ tấn vải thiều Lục Ngạn sang Mỹ nhận ra rằng, chi phí bỏ ra để đưa quả vải qua đường hàng không đã là 8 USD/kg (mà trong đó 60% là tiền vận chuyển), trong khi loại quả này nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc, Mexico chỉ có giá là 4 USD, không thể cạnh tranh nổi. Nhưng nếu vận chuyển bằng đường thủy, vải nào còn tươi sau khi mất tới 4-6 tuần để đặt chân tới châu Âu?
Hiện nay, chỉ có ba sản phẩm vải có thể bán được sang các thị trường này đó là quả vải đông lạnh, cùi vải đông lạnh (quả vải nguyên và cùi vải được cấp đông ở nhiệt độ từ -18oC đến -25oC); cùi vải ngâm nước đường đóng hộp sắt và puree vải, cho phép giữ nguyên 90% chất lượng trong 24 tháng. Nhưng quá trình sơ chế những sản phẩm này lại đòi hỏi sức ép nhân công rất lớn. Ông Tuyết cho rằng, hiện nay, chưa có dây chuyền tự động nào có thể bóc cùi vải, bỏ hạt. Mỗi mùa vải đến, nhân lực của công ty từ 60 người phải tăng lên 200 người để bóc vải mới kịp đơn hàng cho khách. Kể cả dây chuyền làm puree có bóc vỏ vải tự động với công suất từ 1 đến 3 tấn/h vẫn cần nhân công bứt cuống vải thì mới bóc sạch vỏ 100%.
Khác với nhiều loại quả khác, quả vải một khi đã vặt từ trên cây xuống là ngừng chín và sẽ bị ô xy hóa, giảm chất lượng nhanh chóng theo thời gian. Đặc tính này khiến thời gian sơ chế vải rất ngắn - chỉ ba ngày sau mỗi đợt thu mua và thậm chí những công ty có nhà máy ở xa như Nafoods (Nghệ An) còn không kịp đưa về để làm quả cấp đông và cùi đông lạnh, chỉ có thể làm puree vải. Hơn nữa, các công ty cũng chỉ thu mua được vải trong 20 ngày đầu vụ để đáp ứng đúng gu của khách hàng - đảm bảo cùi vải giữ được màu trắng muốt sau khi cấp đông và không bị chát. Kết cục là, các công ty cũng chỉ dám chế biến một số lượng vải hạn chế để cân đối số lượng nhân công, thời gian chế biến cũng như chi phí bảo quản thành phẩm. Càng tăng năng suất thì chi phí càng lớn mà chưa chắc đã có lãi, đặc biệt là có nhiều khách hàng có xu hướng lấy hàng muộn. Ông Tuyết chia sẻ rằng, công ty của ông mỗi năm chỉ xuất khẩu khoảng 300 tấn vải thiều đi các nước khác nhau trên thế giới. Năm nay, có đối tác từ bên Úc đề xuất mua 100 tấn vải thiều đông lạnh nhưng ông chỉ dám nhận một nửa số đó.
Một công nghệ bảo quản vải 30 ngày sẽ phần nào giảm bớt những áp lực nói trên. Tuy nhiên, đã có nhiều thử nghiệm nhưng không thành công, cả về mặt công nghệ lẫn về mặt thương mại. Lí do là bởi vải thiều có hai lớp vỏ: một lớp vỏ cứng bên ngoài và một lớp vỏ giấy bên trong nên xử lý bảo quản cho hai lớp vỏ này với tính chất hoàn toàn khác biệt nhau không hề đơn giản. Năm 2015, Bộ KH&CN đã tiếp nhận công nghệ đông lạnh nhanh CAS, giao cho Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng nhưng mới chỉ bảo quản vải ở quy mô phòng thí nghiệm và chi phí cho dây chuyền rất đắt đỏ, khó có khả năng thu hồi vốn. Sau đó một năm, Sở KH&CN Bắc Giang đã tài trợ cho Viện Hóa học, viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện đề tài về công nghệ bảo quản MAP (công nghệ đóng gói trong màng nhựa) giúp giữ vải tươi trong bốn tuần nhưng cũng không thể áp dụng với một sản lượng lớn. Công ty của ông Tuyết từng là nơi thử nghiệm cho hàng chục viện, trường khác trong suốt 20 năm nay, từ Viện Cơ điện, Viện Bảo quản sau thu hoạch, Viện Rau hoa cho đến Đại học Nông Lâm Bắc Thái và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhưng vẫn chưa có một giải pháp nào cho bài toán đau đầu này. “Chỉ cần bảo quản một tháng, giữ được chất lượng 90% và tỉ lệ hỏng 7% cũng đã thành công lắm rồi nhưng chưa đơn vị nào đảm bảo được”– Ông Tuyết nói. Hiện nay, Bộ KH&CN kết hợp với Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang tài trợ cho Công ty Xuất nhập khẩu Thực phẩm toàn cầu 50% chi phí dây chuyền bảo quản vải của công ty Juran, Israel (công nghệ xử lý nhiệt đột ngột và sử dụng axit hữu cơ để đảm bảo màu vỏ quả) với kì vọng sẽ giữ được vải tươi từ 4 đến 6 tuần. Ông Tuyết đã thử nghiệm công nghệ này vào cuối vụ vải năm 2018 nhưng chưa thành công. Năm nay ông sẽ thử lại, nhưng ông không chắc chắn về khả năng thu hồi vốn của doanh nghiệp. Kể cả khi công nghệ Juran giúp tăng thời gian sơ chế thêm một tháng nữa thì: “phải tính toán xem thiết bị này còn dùng được vào việc gì khác nữa. Nếu chỉ dùng trong 20 ngày của mùa vải rồi xếp xó thì cũng không thể nào chịu được”.
Đến đây, hẳn người đọc sẽ đặt ra câu hỏi, vậy tại sao không đa dạng hóa thêm nữa các sản phẩm đến từ vải? Câu trả lời là: khách hàng không cần. Công ty của ông Tuyết cũng đã tính đến sản phẩm vải sấy, sử dụng công nghệ hiện đại như Vinamit, nhưng không khách hàng nào ngỏ ý quan tâm. Kể cả sản phẩm nước ép vải cũng không dễ gì tìm đầu ra.
Điều tốt nhất có thể làm
Khi chúng tôi đến làm việc ở huyện Lục Ngạn, từ lãnh đạo đến người dân sau bao nhiêu năm vẫn chưa hết ấn tượng với khung cảnh chợ vải quê họ. Mỗi mùa vải, dọc quốc lộ 31 và quốc lộ 279 là hàng chục km đỏ rực màu vải, trong đó có hàng trăm thương lái người Trung Quốc tới thu mua, lựa chọn những quả to, đỏ đẹp, nặng cân đưa lên container mang về với giá tương đương với tiền bán cho các công ty xuất khẩu sang Mỹ, Nhật. Ông Bùi Xuân Sinh so sánh vải đưa về các thành phố ở Việt Nam như Hà Nội, chỉ đáng là hàng loại 2, 3 so với hàng xuất sang Trung Quốc.
Dù muốn hay không, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường chính, thị trường tập trung của vải thiều Lục Ngạn. Tại sao lại như vậy? Với năng lực bảo quản hiện giờ, Việt Nam chỉ có thể tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vải tươi sang các nước lân cận như trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, nhưng so với Trung Quốc, thị trường này chỉ như muối bỏ biển. Đó còn chưa kể các thị trường này vẫn có nhiều quy định ngặt nghèo về chất lượng và dư lượng thuốc trong thực phẩm nhưng Trung Quốc thì không. Ông Sinh cho rằng, Trung Quốc là người bạn hàng “dễ tính nhất”: chẳng cần kiểm dịch, không cần truy xuất nguồn gốc mà chỉ cần nhìn bằng cảm quan, vải to, đỏ, đẹp là họ mua. Hơn nữa, họ trả giá cao và đàm phán trực tiếp với người nông dân chứ không thông qua bất kì khâu trung gian nào. Kể cả vải khô, vẫn được sấy bằng phương pháp thủ công, khó mà có thể vào được thị trường các quốc gia khó tính do sấy bằng than đá, vẫn được Trung Quốc thu mua với giá cao. Chính vì vậy mà trong kế hoạch tìm cách tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang và của huyện Lục Ngạn, rất dễ hiểu khi họ vẫn lấy thị trường này là trọng tâm. Năm ngoái, huyện này đã tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại thị xã Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc, tài trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam sang để giới thiệu và quảng bá sản phẩm đồng thời cũng mời các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phía Trung Quốc tới Bắc Giang để tham gia Diễn đàn kinh tế và sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Khi phóng viên của báo Khoa học và Phát triển tới huyện Lục Ngạn vào giữa tháng 4, chính quyền huyện và Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn đang tiến hành tập huấn cho người dân về chính sách nhập khẩu của Trung Quốc và những yêu cầu về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sẽ được nước này siết chặt trong những năm tới dành cho cả tiểu ngạch và chính ngạch.
Nếu có điều gì đáng lo ngại, thì đó là những nội dung để tập huấn mới chỉ là “dự kiến”, chưa chắc đã đúng với thực tế. Ông Bùi Xuân Sinh cho rằng, trong tương lai, rất có thể Trung Quốc sẽ chỉ chấp nhận nhập khẩu vải thiều Lục Ngạn từ những hộ được chính quốc gia này cấp mã vùng trồng. Và làm như thế nào để cấp mã vùng trồng? Hơn nữa, với quy định chưa rõ ràng về tem nhãn, vải thiều Lục Ngạn sau khi đi qua cửa khẩu sẽ mang một tên khác và người hưởng thụ giá trị chính của nó có thể không phải là nông dân Việt Nam. Để những thông tin này được rõ ràng, sự tham gia của chính quyền huyện Lục Ngạn là không đủ mà còn cần cả các cơ quan Trung ương trong việc đàm phán với Trung Quốc.