Vài năm trước, cây sâm Nam, núi Dành (Bắc Giang) chỉ được trồng nhỏ lẻ và không mang lại giá trị gì đáng kể. Nay với việc nghiên cứu nhân giống của TS. Đồng Thị Kim Cúc, Viện Di truyền nông nghiệp, cây sâm này có thể trở thành vùng dược liệu với lợi nhuận ở mức 20 tỷ trên một hecta.

TS. Đồng Thị Kim Cúc (trái) chăm sóc sâm Nam núi Dành (núi Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang). Ảnh: Báo Bắc Giang.
TS. Đồng Thị Kim Cúc (trái) chăm sóc sâm Nam núi Dành (núi Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang). Ảnh: Báo Bắc Giang.

Trên núi Dành (còn gọi là núi Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang) là gốc sâm cổ 100 tuổi của gia đình anh Thân Hải Đăng. Tuy củ sâm giá trị cao, nhưng cách đây vài năm anh Đăng không thể nhân giống được thêm ngoài vài gốc ban đầu, cũng không biết dược tính của nó chữa được căn bệnh hồng cầu lưỡi liềm mà chính con gái anh đang mắc. Dược liệu quý giá nhưng không ai biết để làm gì, đây có lẽ không phải câu chuyện của riêng gia đình anh hay cây sâm núi Dành.

Vùng núi này tương truyền câu chuyện mẹ vua Tự Đức bị mù lòa, đi chữa nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc không khỏi nhưng uống sâm ở núi Dành tiến vua thì mắt sáng lại. “Những câu chuyện về khả năng chữa bệnh cho thấy loại sâm này có thể có hàm lượng alkaloid, kháng sinh, diệt khuẩn và làm tăng kháng thể”, TS. Đồng Thị Kim Cúc, Viện Di truyền nông nghiệp, chủ nhiệm đề tài bảo tồn nguồn gene cây sâm Nam núi Dành, kể lại những câu chuyện nghe được khi đi thực địa Bắc Giang.

Nguồn dược liệu quý và phong phú được xác định là một trong các thế mạnh của Việt Nam, nhưng thực tế còn rất nhiều loại dược liệu chỉ được biết đến qua đường... truyền miệng, trồng nhỏ lẻ và không mang lại giá trị gì đáng kể. Gốc sâm cổ 100 tuổi ở gia đình anh Thân Hải Đăng, núi Dành, là một trường hợp như thế. “Bà con ở vùng đồi núi khô cằn, hầu như không trồng được gì”, TS. Cúc nói về thổ nhưỡng vùng núi này. “Hướng phát triển dược liệu là làm thế nào để khai thác tài nguyên và cũng nâng cao sản phẩm nông dược, nâng cao đời sống của bà con”.

Từ cây vườn thành vùng dược liệu

Sâm Nam núi Dành (Callerya speciosa) là cây họ đậu, gọi là “sâm” vì có hàm lượng saponin cao (khoảng 3,5%) và nhiều chất bổ dưỡng như polysaccharide, axit amin. Loại cây này dễ bị nhầm với sâm trồng được ở các vùng Quảng Ninh, Yên Bái do cùng cách gọi “sâm Nam”. Nhưng bằng kỹ thuật mã vạch DNA (DNA barcoding), nhóm nghiên cứu đã xác định giữa cây sâm núi Dành và các loại sâm Nam khác, tuy cùng họ đậu, chỉ tương đồng ở mức 43%. Độ độc đáo của sâm núi Dành về thành phần dinh dưỡng hoàn toàn được khẳng định, TS. Cúc cho biết. Có thể vì trùng tên gọi và có kiểu hình tương tự với các loại “sâm Nam” mà từ trước đến nay sâm núi Dành bị bỏ qua, do đã có các vùng nguyên liệu sâm Nam lớn hơn ở các địa phương khác.

Nếu so với sâm Ngọc Linh thì sâm núi Dành có hàm lượng saponin thấp hơn, chỉ bằng ⅓; tuy nhiên lợi thế vượt trội của sâm núi Dành là sinh khối phát triển nhanh, nhân giống dễ hơn và vùng trồng sâm có giao thông thuận lợi hơn - những điểm rất quan trọng để dược liệu phát triển được thành vùng nguyên liệu.

Cách nhân giống truyền thống của người dân núi Dành là chờ 4 năm để cây sâm ra củ, khi củ ra rễ thì mới lấy để giâm ra chỗ khác tạo thành cây mới. Thời gian nhân giống lâu, mà tỉ lệ sống lại chỉ đạt khoảng 50%, theo anh Đăng. Với quy trình mà nhóm nghiên cứu đang phát triển, uốn cành bánh tẻ vào các túi bầu, thì chỉ cần 1 năm có thể tạo rễ bất định và trong 4 tháng tiếp theo sẽ có cây con. Một cành bánh tẻ có thể tạo thành 3, 4 rễ bất định, tỉ lệ hình thành rễ là 75% và tỉ lệ cây sống sau đó đạt 90%.

Trong các yêu cầu với nghiên cứu bảo tồn nguồn gene sâm núi Dành, thì “để nghiên cứu một quy trình nhân giống là khó nhất”. Nhóm nghiên cứu cho biết để xác định được cách nhân giống tối ưu như trên phải mất hơn hai năm làm thí nghiệm qua rất nhiều cách như nhân giống bằng hạt hay giâm hom. Từ hơn một chục mét vuông ban đầu, đến giờ sâm núi Dành đã được nhân giống thành công trên hơn 3000 m2. Mỗi khóm sâm trồng trong khoảng 1 m2 và có thể cho 1kg sâm sau 3 năm; ước tính lợi nhuận trên 3000 m2 lên đến 6 tỷ, chưa tính đến việc nếu có các khâu chế biến sâu thì giá trị sản phẩm sẽ tăng lên nhiều lần.

Nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích các yếu tố thổ nhưỡng, đất đai để xác định khả năng di thực, mở rộng diện tích trồng sâm. Đất núi Dành, đặc biệt là vùng trồng sâm hiện nay, có hàm lượng sắt, canxi, magie có thể gấp 10 lần các vùng lân cận. Các nhà nghiên cứu đánh giá việc di thực xuống đồng bằng là gần như không thể; “có thể di thực trong vùng núi Dành (80 hecta) và các vùng lân cận”, nhưng vẫn cần các nghiên cứu tiếp theo để thí nghiệm cụ thể hơn. “Để nhân rộng được vùng nguyên liệu cũng còn rất nhiều việc phải làm”, TS. Cúc cho biết, “nếu nhân giống cây qua phòng thí nghiệm thì liệu có giữ được các hoạt tính không, đó cũng là một vấn đề”. Một số kết quả nghiên cứu đến thời điểm này đã được công bố trên tạp chí Journal of Scientific and Engineering Research.

Muốn có dược liệu, phải chấp nhận thất bại

“Sâm này trước đây chỉ trồng như mình trồng cây gia vị ở nhà, nhà ai có người ốm thì đến xin về uống… Không ai có ý tưởng phát triển dược liệu hay mở rộng gì cả”, TS. Cúc cho biết. “Các nhà khoa học phải khảo sát, tìm hiểu mới xác định được giá trị của cây. Nhưng nghiên cứu thì phải có lúc thành công, lúc thất bại”.

Chỉ tính một sản phẩm từ nghiên cứu bảo tồn gene cây sâm núi Dành, nhân giống sâm thành công trên 3000 m2, cũng đã đem lại giá trị gấp nhiều lần kinh phí dành cho nghiên cứu (1,4 tỷ). Nhưng không phải mọi nghiên cứu tìm kiếm các dược liệu tiềm năng đều thuận lợi như vậy. Ngay cả khi xác định được dược liệu có hoạt tính vượt trội, thì khả năng nhân giống, mở rộng lại là một vấn đề khác, chẳng hạn như sâm Ngọc Linh - giá trị cao, nhưng sau 20 năm nghiên cứu thì khả năng nhân giống vẫn còn quá hạn chế.

“Yêu cầu lúc nào cũng thành công là không thể có được. Làm 10 cây có khi thành công được 1, 2 cây đã là tốt rồi”, TS. Cúc nói về việc nghiên cứu dược liệu. “Bắc Giang là vùng rất nhiều dược liệu, nhưng để phát triển lâu dài cần có định hướng liên ngành: nông nghiệp nghiên cứu di truyền, nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành y tế phân tích các hoạt tính, chế biến sâu”.