Thông tin này được đưa ra tại tọa đàm “Chia sẻ về quản trị tiên liệu: Ứng dụng trong công tác Kế hoạch hóa và đào tạo cán bộ Kế hoạch cho ngành và địa phương” do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 4/5 vừa qua.

Toàn cảnh hội thảo quản trị tiên lượng ngày 4/5/2021 | Ảnh: NEU
Toàn cảnh hội thảo quản trị tiên lượng ngày 4/5/2021 | Ảnh: NEU

Các chuyên gia UNDP đánh giá, nền kinh tế tương lai có 70% yếu tố mới hay những điều chúng ta gần như chưa biết vào hôm nay.

Công tác dự báo truyền thống mà chúng ta đang áp dụng thường dựa trên dữ liệu quá khứ và các quy luật để xây dựng kế hoạch cho tương lai. Tuy nhiên, tương lai có nhiều yếu tố bất định mà một nhóm dự báo không thể lường hết và chính quyền thường chỉ giải quyết tốt các vấn đề xã hội ở trạng thái tĩnh.

Trong khi đó, nhiều thay đổi bất ngờ trong tương lai như đại dịch, thiên tai, biến đổi khí hậu, hay nguy cơ mất an ninh mạng... đều có thể là cơ hội nếu chúng ta xác định chúng sớm và hành động phù hợp để tận dụng chúng theo hướng có lợi.

Ngược lại, nếu không lường trước được, một vấn đề nhỏ cũng có thể dẫn đến rắc rối lớn. Do vậy, trong công tác Kế hoạch hóa, người ta đang tìm cách áp dụng các biện pháp rộng hơn để "nắm bắt" những thay đổi này.

Quản trị tiên liệu (Anticipatory Governance) là một phương thức quản trị dựa vào việc tích hợp các yếu tố mới và dự đoán tương lai. Nó mang tính hợp tác và dân chủ, nhằm khai thác trí tuệ tập thể và trí tuệ của các tổ chức, của công dân để mở rộng góc nhìn, xây dựng tầm nhìn xa, dự đoán các kịch bản và thử nghiệm những chiến lược hợp tác hành động giữa các bên nhằm giảm thiểu rủi ro hoặc giải quyết sự cố ngay trong giai đoạn đầu.

"Quản trị tiên liệu là một công cụ quản lý, còn dự báo là một cấu phần của nó. Dự báo chỉ giả thiết về tương lai, còn quản trị tiên liệu vận dụng kết quả dự báo để hoạch định tương lai”, PGS. TS Lê Huy Đức, Khoa Kế hoạch và Phát triển của NEU chia sẻ

Việc áp dụng quản trị theo kiểu mới này được kì vọng có thể góp phần thay đổi tư duy quản lý tại Việt Nam theo hướng chủ động hơn, từ “quản lý phản ứng” sang kết hợp hiệu quả giữa “quản lý phản ứng” và “quản lý dự báo”.

Ở phương Tây, ngành quản trị tiên liệu có mặt khoảng 40 năm nay. Chính phủ nhiều quốc gia sử dụng quản trị tiên liệu vào định hướng chiến lược, chính sách phát triển. Chẳng hạn, tại Phần Lan, ngành tương lai học có vai trò hỗ trợ việc định hình các chiến lược ngành nghề cho đất nước.

Singapore đã phát triển Trung tâm đánh giá rủi ro và quét dữ liệu (REC) từ năm 2007 nhằm tư vấn cho Thủ tướng về các xu hướng trong tương lai, giúp lãnh đạo mở rộng tầm nhìn và chọn lựa con đường phát triển.

Năm 2018, Hàn Quốc cũng thành lập Viện Tương lai của Quốc hội (NAFI), một think tank giúp cho quá trình ra quyết định của những người đứng đầu nhánh lập pháp.

Ở ASEAN cũng xuất hiện Liên minh Tiên lượng ASEAN và Mạng lưới các nhà khoa học trẻ ASEAN để hợp tác nghiên cứu và tiên lượng những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai…

Tại Việt Nam, theo phân tích của ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới, sáng tạo Quốc gia (NIC) - quản trị tiên liệu đã được thực thi rõ nét khi đất nước đối diện với dịch SARS (năm 2003) và nay là đại dịch Covid-19. Chính việc dự liệu các kịch bản có thể xảy ra và giải pháp ứng phó đã giúp Việt Nam trở nên an toàn và chủ động hơn trong phòng, chống đại dịch. Đây là bài học thực tiễn quý giá cho ngành quản trị tiên liệu, kỳ vọng được định hình sớm tại Việt Nam.

Ông Thịnh cho rằng, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần một cách tư duy mới về khoa học dự báo và công tác xây dựng kế hoạch. Ủng hộ ngành quản trị tiên liệu và cho rằng đây là chuyên ngành phù hợp với công tác làm kế hoạch thời hiện đại, ông Thịnh nhấn mạnh, có thể tận dụng những công nghệ mới về BigData và Trí tuệ nhân tạo để cải thiện tính chính xác của những dự báo và thử nghiệm tinh chỉnh.

Tại tọa đàm khoa học với sự tham gia của nhiều cơ quan trung ương như Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Ngân hàng Nhà nước…, đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng, quản trị tiên liệu không chỉ là lập kế hoạch (planning), mà còn quản trị quá trình triển khai kế hoạch đó, tức nhấn mạnh đến việc củng cố khía cạnh “quản trị” (governing) trên thực tế đang còn hạn chế.

GS.TS. Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Kinh tế Quốc dân, cho biết, quản trị tiên liệu sẽ là một hướng đi mới mà nhà trường muốn dần đưa vào giảng dạy.

Hiện UNDP và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đang thực hiện một dự án nâng cao năng lực và cung cấp công cụ cho đội ngũ giảng viên Khoa Kế hoạch và Phát triển và chuyên gia của các bộ, ngành, viện nghiên cứu về quản trị tiên liệu. Ngoài ra, hai bên cũng đang xây dựng một chương trình đào tạo ngắn hạn về quản trị tiên liệu, dự kiến triển khai từ năm nay.