Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt với sự đóng góp quan trọng của 2 yếu tố: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Trách nhiệm giải trình với người dân.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp thông qua những cảm nhận và trải nghiệm của họ.
Trong buổi
lễ công bố báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 tại Hà Nội ngày 14/4, TS. Paul Schuler, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Arizona và là thành viên nhóm nghiên cứu PAPI, nhận xét, giai đoạn 2011-2015, việc cải thiện chỉ số PAPI có sự trì trệ- đồng nghĩa với việc người dân đánh giá sự cải thiện về hiệu quả quản trị và hành chính công không nhiều. "Tuy nhiên từ năm 2016, chỉ số PAPI được cải thiện và tăng đều theo từng năm. Năm 2020, chỉ số này đạt giá trị cao nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát," ông nói.
Xu thế tích cực đó có thể nhìn rõ hơn từ kết quả phân tích mức độ thay đổi điểm PAPI gốc* của 63 tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2011-2020, có tới 60/63 tỉnh, thành phố ghi nhận tăng trưởng dương về điểm PAPI gốc thường niên, với mức tăng từ 0,1 - 3,1%.
Phân tích kỹ hơn 6 chỉ tiêu nội dung gốc của chỉ số PAPI, TS. Schuler chỉ ra 2 yếu tó đóng góp lớn cho việc cải thiện giá trị của PAPI là chỉ tiêu “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và chỉ tiêu “Trách nhiệm giải trình với người dân”. Theo ông, kết quả này phần nào phản ánh tác động của chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay.
Nhưng "trải nghiệm thực tế về hành vi tham nhũng lại cho chúng ta thấy một bức tranh phức tạp hơn", TS Schuler nói. Chẳng hạn, tại một số lĩnh vực như dịch vụ y tế công lập, tỷ lệ người dân phải chi bồi dưỡng cho cán bộ y tế tuyến huyện tiếp tục giảm (xuống gần 0%); ngược lại, một số lĩnh vực như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỷ lệ này lại tăng mạnh trong 2 năm qua (22% và 32% trong năm 2019 và 2020)
Về trách nhiệm giải trình với người dân, đây là chỉ số có nhiều cải thiện trong năm 2020. Cần lưu ý có một số hoàn cảnh thúc đẩy điều này trong năm 2020, bao gồm đại dịch COVID-19 và bầu cử.
Người dân có tương tác với chính cán bộ chính quyền cơ sở hơn so với trước đây, tăng từ mức trung bình 23% trong giai đoạn 2016-2019 lên 29% năm 2020 để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề họ gặp phải với gia đình, hàng xóm hoặc chính quyền địa phương. Mức độ tương tác với biểu hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn cũng tăng mạnh từ 16% năm 2019 lên 19% năm 2020.
“Sự cải thiện của chỉ số này cho thấy cán bộ cơ sở rõ ràng là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và người dân trong bối cảnh khẩn cấp diễn ra trên cả nước”, TS Schuler nhận xét.
Quản trị công và khả năng ứng phó khủng hoảng
Thế giới đã chỉ ra nhiều yếu tố dẫn đến thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19, và nhóm nghiên cứu PAPI đã xem xét liệu hiệu quả quản trị công có phải là một nhân tố đóng góp cho thành công đó.
Để đưa ra các bằng chứng khoa học rõ ràng, nhóm đã phân tích mối tương quan giữa mức độ sẵn sàng tuân thủ lệnh giãn cách xã hội toàn quốc vào tháng 4/2020 ở địa phương với sự biến đổi của chỉ số PAPI tổng hợp ở địa phương đó.
Kết quả cho thấy, hơn 90% người dân Việt Nam cho rằng mức độ tuân thủ với lệnh giãn cách xã hội ở địa phương mình là cao hoặc rất cao. Trung bình, khi chỉ số PAPI tổng hợp** tăng 1 điểm thì tỉ lệ người dân tuân thủ với lệnh giãn cách xã hội cũng tăng 1 điểm.
Nhóm cũng xem xét khía cạnh quản trị công nào tác động tới mức độ tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Kết quả, ngoại trừ ba chỉ số nội dung về Quản trị môi trường, Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công, hiệu quả quản trị ở 5/8 chỉ tiêu nội dung còn lại của PAPI đã giúp củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền địa phương, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ các lệnh về kiểm soát dịch bệnh Covid-19 do chính quyền đặt ra.
Chẳng hạn, cứ 1 điểm phần trăm cải thiện ở chỉ số công khai, minh bạch trong việc ra quyết định của địa phương dẫn đến 1,2 điểm phần trăm cải thiện trong mức độ tuân thủ với lại giãn cách. Con số này ở chỉ số về sự tham gia của người dân cấp cơ sở còn cao hơn, lên tới 3,1 điểm phần trăm. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công cũng góp phần đáng kể, khoảng 1,5 điểm.
“Điều này cho ta thấy rằng cải thiện hiệu quả quản trị công không chỉ có ích đối với cung ứng dịch vụ công trong những giai đoạn bình thường, mà còn giúp cho chính quyền đối phó với khủng hoảng tốt hơn và nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của người dân,” TS. Schuler nói.
Báo cáo PAPI 2020 đầy đủ và các kết quả phân tích sâu được cập nhật tại:
www.papi.org.vn
_______
*Chỉ số PAPI gốc: Gồm các chỉ tiêu đánh giá không thay đổi kể từ năm 2011 đến nay ở sáu chỉ số nội dung gốc là: (1) Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; (2) Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; (3) Trách nhiệm giải trình với người dân; (4) Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; (5) Thủ tục hành chính công; và (6) Cung ứng dịch vụ công.
**Chỉ số PAPI tổng hợp: Từ năm 2018, bên cạnh việc đo lường 6 chỉ tiêu nội dung gốc kể trên, chỉ tiêu PAPI còn đo lường thêm 2 nội dung mới là (7) Quản trị môi trường, (8) Quản trị điện tử.