Một làn sóng biểu tình phản đối các cuộc tấn công quân sự của Israel ở Gaza đang lan rộng ra khắp các trường đại học trên toàn cầu trong những tuần gần đây, bắt đầu từ Mỹ.

Và mặc dù thông điệp của người biểu tình ở mỗi nơi một khác, nhưng phần lớn các cuộc biểu tình đều kêu gọi các trường đại học thoái vốn khỏi các công ty thu lợi từ cuộc chiến ở Gaza.

Nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình của sinh viên đại học xuất phát từ sự kiện ngày 7/10/2023 khi lực lượng Hamas của Palestine giết chết hơn 1.200 người ở miền Nam Israel và bắt hơn 200 người làm con tin. Phản ứng quân sự của Israel kể từ đó đã gây ra một thảm họa nhân đạo ở Gaza, làm chấn động dư luận toàn cầu. Theo Bộ Y tế Gaza, sau bảy tháng, các cuộc ném bom của Israel vào Gaza đã giết chết hơn 34.600 người. Một nửa trong số 2,2 triệu người ở Gaza đang có nguy cơ chết đói, theo thang đo được các cơ quan của Liên Hợp Quốc sử dụng.

Phong trào sinh viên biểu tình phản đối các cuộc tấn công quân sự của Israel ở Gaza từ Mỹ lan rộng ra khắp các trường đại học trên toàn cầu. Trong ảnh: Khu lều trại biểu tình của sinh viên Đại học Columbia ngày 24/4/2024. Nguồn: Reuters
Phong trào sinh viên biểu tình phản đối các cuộc tấn công quân sự của Israel ở Gaza từ Mỹ lan rộng ra khắp các trường đại học trên toàn cầu. Trong ảnh: Khu lều trại biểu tình của sinh viên Đại học Columbia ngày 24/4/2024. Nguồn: Reuters

Thu hút sự chú ý hơn cả là các cuộc biểu tình của sinh viên Mỹ, đặc biệt là các cuộc biểu tình tại Đại học Columbia, một đại học tinh hoa lâu đời ở TP New York, dù chúng được mô tả diễn ra bình lặng: sinh viên cắm trại trên một bãi cỏ bên trong tường rào thấp, không cản đường ai. Sinh viên biểu tình thậm chí còn mời giảng viên đến khu lều trại giảng bài để bù lại những giờ học đã mất.

Ồn ào chỉ bắt đầu xảy ra vào đầu giờ ngày 30/4, khi sinh viên biểu tình chiếm giữ Hội trường Hamilton để phản ứng lại việc đình chỉ học tập đối với các thành viên của hai trong số các nhóm có tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Nhiều giảng viên đã bị sốc trước sự kiện này đến nỗi vào ngày 22/4, khoảng 300 giảng viên đã tập trung ở thềm Thư viện Low, giơ cao những tấm biểu ngữ có nội dung “Đừng can thiệp vào sinh viên của chúng tôi” và “Hãy chấm dứt ngay việc đình chỉ sinh viên”. Một số giáo sư đã có những bài phát biểu ca ngợi lòng dũng cảm của sinh viên, yêu cầu trường bảo vệ quyền có tiếng nói của họ và chỉ trích chủ tịch trường Minouche Shafik đánh đổi sinh viên vì mục đích của riêng mình.

Shafik cũng chính là người đã cầu viện cảnh sát chống bạo động đến trường vào đêm 30/4, trái với lời khuyên của nhiều giảng viên. Kết quả, cảnh sát đã bắt giữ hơn 100 sinh viên trong khu lều trại và những người chiếm giữ Hội trường Hamilton. Không lâu sau, những sinh viên bị bắt cũng bị đình chỉ học tập và một số bị đuổi khỏi ký túc xá.

Vào thời điểm đó, nhiều sinh viên hơn bao giờ hết đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ - tính đến cuối tháng Tư, đã có hơn 400 cuộc biểu tình như vậy.

Những người biểu tình nói rằng họ muốn trường của họ thoái vốn khỏi các doanh nghiệp thu lợi từ cuộc chiến ở Gaza, chẳng hạn như các nhà sản xuất vũ khí. Các trường đại học Mỹ thường tìm cách phát triển quỹ tài trợ và quyên góp của mình, có quỹ lên đến gần 50 tỷ USD, thông qua đầu tư.

Quỹ tài trợ và quyên góp của Đại học Columbia có 13,6 tỷ USD, nằm trong số 15 quỹ lớn nhất của đại học Mỹ. Nhưng chưa đến 1% trong số tiền đó được tiết lộ công khai. Sinh viên biểu tình đã xác định được cổ phần nhỏ của trường trong 19 công ty mà họ tin rằng thu lợi từ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, bao gồm các nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin và General Dynamics sản xuất vũ khí được Israel sử dụng và Caterpillar, công ty có máy ủi được Israel sử dụng để phá hủy cơ sở hạ tầng của người Palestine. Dựa trên phát hiện về các khoản đầu tư công của Đại học Columbia, sinh viên yêu cầu trường minh bạch hơn về các khoản cổ phần tài chính chưa được tiết lộ.

Các phong trào do sinh viên lãnh đạo đòi nhà trường thoái vốn không phải là mới ở Mỹ.

Hơn một thập kỷ qua, sinh viên Đại học Princeton đã kêu gọi trường thoái vốn khỏi ngành nhiên liệu hóa thạch với lý do lo ngại về môi trường và biến đổi khí hậu. Và họ đã thắng lớn vào năm 2022 khi trường đồng ý thoái vốn khỏi các công ty dầu khí được giao dịch công khai.

Xa hơn, năm 1969, sinh viên Đại học Princeton chiếm một tòa nhà nổi bật trong khuôn viên trường để yêu cầu trường rút khỏi Nam Phi, nơi vào thời điểm đó vẫn còn phân biệt con người theo chủng tộc. Gần một thập kỷ sau, Đại học Princeton ban hành chính sách “thoái vốn có chọn lọc” khỏi Nam Phi, theo đó, trường có thể rút cổ phần tài chính của mình nếu các công ty không đáp ứng các tiêu chuẩn của trường.

Đầu tháng Năm, khoảng 100 sinh viên Đại học Princeton đã tập trung tại sân trung tâm của khuôn viên để yêu cầu trường thoái vốn khỏi các công ty làm ăn với quân đội Israel. Tuy nhiên, khác với ở Đại học Columbia, sinh viên Princeton không phải đối mặt với việc bắt giữ hoặc kỷ luật.

Alex Norbrook, đồng lãnh đạo nhóm hoạt động về môi trường có tên Sunrise Princeton, cho biết: “Việc thoái vốn gửi đi một tín hiệu đạo đức rằng các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là những cơ sở có uy tín, sẽ không dung thứ cho những bất công nhất định”.

Đại học Columbia cũng có lịch sử lâu đời về các cuộc biểu tình yêu cầu thoái vốn khỏi các vấn đề gây tranh cãi.

Những năm 1980, sinh viên Đại học Columbia đã kêu gọi trường rút vốn đầu tư khỏi các công ty kinh doanh ở Nam Phi. Kết quả, đến năm 1983, trường đã đồng ý bán phần lớn cổ phần của mình tại các công ty Mỹ hoạt động kinh doanh tại nước này.

Gần đây hơn, vào năm 2015, Đại học Columbia trở thành trường đại học đầu tiên ở Mỹ thoái vốn khỏi các công ty nhà tù tư nhân sau chiến dịch do sinh viên phát động.

Đại học Columbia hiện cũng hạn chế đầu tư vào các công ty thuốc lá, than nhiệt và nhiên liệu hóa thạch được giao dịch công khai.

Nhưng khi nói đến Israel, trường đại học này từ lâu đã có lập trường khác. Năm 2002, chủ tịch lúc đó của Đại học Columbia là Lee Bollinger đã chỉ trích đơn kiến nghị thoái vốn khỏi các công ty bán vũ khí cho Israel, cho rằng so sánh Israel với Nam Phi thời kỳ phân biệt chủng tộc là một sự so sánh “vừa lố bịch vừa gây hấn”. Năm 2016, liên minh sinh viên Đại học Columbia lại phát động chiến dịch thúc đẩy trường cắt đứt quan hệ với một số công ty hợp tác với Israel. Bollinger lại phản đối nỗ lực này và trong một tuyên bố năm 2020, ông nói rằng những vấn đề như vậy không được quyết định bởi cuộc trưng cầu ý kiến của sinh viên và trường đại học không nên thay đổi chính sách đầu tư của mình dựa trên những quan điểm cá biệt về một vấn đề phức tạp, đặc biệt là khi vấn đề đó không đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng trường. Những tháng gần đây, Đại học Columbia phải đối mặt với áp lực từ nhà tài trợ về các vấn đề liên quan đến Israel và người biểu tình. Những nhà tài trợ tin rằng “Israel là đồng minh đáng tin cậy duy nhất của Mỹ ở Trung Đông” đã kêu gọi trường chấm dứt các cuộc biểu tình, nếu không họ sẽ ngừng quyên góp.

Các cuộc biểu tình của sinh viên Mỹ đã đạt được một số kết quả nhất định.

Đại học Brown ở TP Providence đã đồng ý xem xét việc thoái vốn khỏi các công ty ủng hộ Israel sau các cuộc thảo luận với sinh viên; đổi lại, sinh viên đồng ý chấm dứt việc dựng trại biểu tình. Theo thỏa thuận, một ban cố vấn của trường sẽ đưa ra khuyến nghị về việc có nên thoái vốn vào mùa thu tới hay không, sau đó hội đồng trường sẽ bỏ phiếu về vấn đề này.

Đại học Bang Portland đã đồng ý tạm dừng mối quan hệ với Boeing, một nhà thầu quân sự và nhà sản xuất máy bay dân sự.

Đại học Northwestern ở TP Evanston đạt được thỏa thuận với sinh viên biểu tình, theo đó trường cam kết trả lời các câu hỏi về các khoản cổ phần tài chính cụ thể và thành lập lại ủy ban cố vấn đầu tư có trách nhiệm.

Tuy nhiên, nhiều trường đại học khác đã từ chối lời kêu gọi thoái vốn khỏi Israel của sinh viên biểu tình và một số trường thẳng thừng từ chối đàm phán. Ben Sasse, chủ tịch Đại học Florida ở TP Gainesville, cho biết, “Chúng tôi không thương lượng với những người chỉ thích la hét… Kỳ lạ là nhiều trường đại học lại dành sự quan tâm lớn nhất và nhiều tiếng nói nhất cho những nhóm nhỏ nhất, nóng giận nhất, và đó không phải là cách chúng tôi sẽ làm ở đây.”

Ngoài việc thoái vốn, những người biểu tình trên khắp nước Mỹ đang kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt quan hệ đối tác học thuật với Israel. Nhưng, có lẽ quan trọng nhất là các cuộc biểu tình đã giúp đưa các đòi hỏi về nhân quyền của người Palestine ra trước công chúng một cách trực diện.

Tinh thần ủng hộ Palestine của sinh viên Mỹ đã lan tới sinh viên nhiều nước khác.

Tại Pháp, biểu tình đã nổ ra tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris hay Sciences Po, ngôi trường cũ của nhiều tổng thống, trong đó có đương kim tổng thống Emmanuel Macron. Trường này có mối quan hệ chặt chẽ với Đại học Columbia.

“Chúng tôi được truyền cảm hứng từ Đại học Columbia, Harvard, Yale, North Carolina, Vanderbilt,” một sinh viên Sciences Po nói với CNN. “Tất cả các trường đại học này đều đem đến sự khích lệ, nhưng tình đoàn kết của chúng tôi trước hết vẫn hướng về người dân Palestine.”

Ngày 3/5, cảnh sát chống bạo động đã dọn sạch người biểu tình khỏi sảnh chính của Sciences Po, tuy nhiên việc này diễn ra êm ả.

Giữa lúc sinh viên Sciences Po biểu tình, chủ tịch vùng Ile-de-France cho biết trường sẽ không nhận được tài trợ từ chính quyền vùng thủ đô nữa, “cho đến khi sự yên bình và an ninh được khôi phục trong trường”.

Tại Đại học Sorbonne - một trong những trường đại học danh tiếng nhất nước Pháp - sinh viên cũng tổ chức biểu tình nhưng họ sớm bị cảnh sát giải tán vào ngày 29/4.

Biểu tình thể hiện tình đoàn kết với sinh viên Đại học Columbia còn diễn ra tại Đại học Jawaharlal Nehru (JNU) ở New Delhi, Ấn Độ, và Đại học Mỹ Beirut (AUB) ở Lebanon.

Ở Tây Ban Nha, Canada, Anh, Úc…, hoạt động biểu tình của sinh viên nhằm phản đối các cuộc tấn công quân sự của Israel ở Gaza cũng hết sức mạnh mẽ.

Cuộc biểu tình đầu tiên của sinh viên Tây Ban Nha mở màn tại Đại học Valencia vào ngày 29/4. Tiếp theo đó là các cuộc dựng lều trại tại các đại học Barcelona, Madrid, Xứ Basque ở phía bắc và Alicante ở phía đông; và của sinh viên vùng Andalucia ở phía Nam. Theo Europa Press, sinh viên Tây Ban Nha hiện đang dựng lều trại biểu tình ở 10 trường đại học.

Trong bối cảnh đó, các trường đại học Tây Ban Nha đã đồng ý xem xét lại mối quan hệ với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu của Israel, đồng thời dừng hết các thỏa thuận hợp tác với bất kỳ bên nào “chưa thể hiện cam kết chắc chắn về hòa bình và tuân thủ luật nhân đạo quốc tế”. Họ cũng cho biết sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học của Palestine, theo tuyên bố ngày 9/5 của ban điều hành Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Tây Ban Nha (CRUE).

Từ ngày 23/4/2024, sinh viên của nhiều trường đại học đã dựng lều trại biểu tình ủng hộ Palestine. Ảnh: CNN
Từ ngày 23/4/2024, sinh viên của nhiều trường đại học đã dựng lều trại biểu tình ủng hộ Palestine. Ảnh: CNN

Ở Úc, trong vài tuần qua, các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine dưới hình thức dựng lều trại đã xuất hiện ở ít nhất bảy trường đại học, bao gồm Đại học Sydney và Đại học Queensland ở TP Brisbane. Trong đó, các sinh viên Đại học Queensland muốn trường công khai tất cả các mối quan hệ với các công ty, trường đại học của Israel và cắt đứt quan hệ với các công ty vũ khí.

Tương tự, sinh viên Đại học McGill ở TP Montréal, tỉnh bang Quebec, Canada, cũng yêu cầu trường đại học thoái vốn khỏi các công ty có quan hệ với Israel. Trường này đã tìm cách giải tán sinh viên biểu tình, và viện đến cả sự hỗ trợ của cảnh sát sau khi đối thoại với đại diện sinh viên không có kết quả. Tuy nhiên, ngày 2/5, Tòa án Thượng thẩm Quebec đã bác bỏ yêu cầu tòa ra quyết định buộc những người biểu tình ủng hộ Palestine phải rời khỏi nơi họ dựng lều trại.

Ở Canada, người biểu tình còn dựng lều trại trong khuôn viên Đại học Toronto và Đại học British Columbia ở TP Vancouver.

Ở Anh, các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine được tổ chức bởi sinh viên ở các thành phố Leeds, Bristol, Warwick, Newcastle,…

Các hoạt động biểu tình còn được ghi nhận ở một số trường đại học của Na Uy, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka,…

Nguồn tham khảo: