Trong một cuộc khảo sát với khoảng 1.500 nhà nghiên cứu do Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia tiến hành, 60% cho biết họ không biết có chính sách này hoặc chưa hiểu rõ về chính sách mới. Ngoài ra, 30% cán bộ cấp quản lý ở các trường đại học và viện nghiên cứu được khảo sát cũng cho biết tương tự.
Cuộc khảo sát được thực hiện vào nửa cuối năm 2023, khi chính sách mới được chính phủ Nhật Bản xem xét và thông qua, sau nhiều năm nước này nỗ lực thúc đẩy khoa học mở.
Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít thông tin chi tiết về chính sách mới được chia sẻ, khiến các nhà nghiên cứu lo ngại về quá trình chuyển đổi sang xuất bản truy cập mở, trong đó phí xử lý bài báo (APC) là một trong những mối quan tâm chính.
Giáo sư Toshihiro Ashino tại Đại học Toyo cho biết các tạp chí truy cập mở uy tín có phí xử lý bài báo rất cao. Trong khi đó, “các tài trợ định kỳ cấp cho các phòng thí nghiệm đang có xu hướng giảm, bởi vậy phí xử lý bài báo có thể vắt kiệt các khoản tài trợ này”.
Giới nghiên cứu còn chỉ ra, Nhật Bản không có nhiều nhà xuất bản tạp chí truy cập mở tiếng tăm và bày tỏ lo ngại rằng phần lớn tài trợ nghiên cứu công sẽ rơi vào tay các công ty xuất bản nước ngoài.
Những người tham gia khảo sát nói trên đề xuất một số biện pháp để bảo đảm việc chuyển đổi sang tạp chí truy cập mở trơn tru và hiệu quả, bao gồm thiết lập hệ thống trợ giá cho phí xử lý bài báo, phát triển các kho lưu trữ kỹ thuật số tập trung của các trường đại học và viện nghiên cứu, và đàm phán với các nhà xuất bản. Tính đến tháng 3/2023, 844 kho của các trường và viện đã được thành lập ở Nhật Bản.
Họ cũng đề xuất tích cực sử dụng các tạp chí và nền tảng học thuật trong nước như một cách giải quyết vấn đề chi phí xuất bản.
Lịch sử truy cập mở ở Nhật Bản
Truy cập mở đề cập đến một mô hình xuất bản mà trong đó nhà nghiên cứu chịu chi phí xuất bản để công trình học thuật của mình được mở cho công chúng đọc miễn phí. (Khác với mô hình truyền thống, chi phí xuất bản bài báo được tính cho người đọc, do đó các kết quả nghiên cứu chỉ được phổ biến giới hạn trong những người đọc trả phí.)
Các nhà làm chính sách Nhật Bản cho rằng việc tạo ra một môi trường để nhà nghiên cứu có thể công bố và chia sẻ rộng rãi cho công chúng tiếp cận miễn phí các kết quả nghiên cứu của mình là yếu tố quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhật Bản. Chiến lược truy cập mở còn liên quan đến mục đích tăng cường ảnh hưởng quốc tế của Nhật Bản trong nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Ngay từ năm 2013, Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản JST (chịu sự giám sát của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ) đã ban hành chính sách đầu tiên về truy cập mở, theo đó khuyến cáo các nhà nghiên cứu ký gửi công trình học thuật của họ vào kho lưu trữ kỹ thuật số tập trung của trường/viện hoặc tạp chí truy cập mở.
Đến năm 2017, JST cập nhật chính sách, khuyến nghị các dữ liệu nghiên cứu nên được lưu trữ và quản lý phù hợp, theo đó yêu cầu nhà nghiên cứu phải trình Kế hoạch quản lý dữ liệu trước khi bắt đầu dự án của họ. Cùng năm, Nền tảng Quản lý Dữ liệu nghiên cứu được thiết lập tại Viện Tin học Quốc gia NII, hỗ trợ việc lưu trữ và truy cập dữ liệu.
Năm 2022, JST một lần nữa cập nhật chính sách truy cập mở, nhưng về cơ bản không có gì mới so với năm 2017. Trong đó, JST tuyên bố “Về nguyên tắc, truy cập mở nên được áp dụng cho tất cả các ấn phẩm nghiên cứu”. ‘Về nguyên tắc’ ở đây ngụ ý rằng chính sách của Nhật Bản chưa bắt buộc các tác giả phải nộp bài cho tạp chí Truy cập Mở Vàng (Gold Open Access) để đảm bảo công bố khoa học được công khai theo chế độ truy cập mở ngay khi được xuất bản.
Thay vào đó, chính sách này đưa ra “thời hạn cấm vận” đối với Truy cập Mở Xanh (Green Open Access). Truy cập Mở Xanh là khi tác giả ký gửi bản thảo được bình duyệt của họ vào các kho lưu trữ mở, các bản thảo này sẽ trải qua một giai đoạn cấm vận (trong đó người đọc phải trả tiền) trước khi được để ở chế độ truy cập mở. Cụ thể, các bài báo nhận tài trợ của JST phải được truy cập mở trong kho lưu trữ kỹ thuật số tập trung của trường/viện hoặc kho công cộng tối thiểu trong vòng 12 tháng kể từ khi được xuất bản.
Việc triển khai chính sách truy cập mở của Nhật Bản bị đánh giá là còn chậm so với Mỹ hay EU do thiếu các tiếp cận triệt để và đột phá. Tuy nhiên, chính sách của Nhật Bản lại đề cao việc thiết lập cơ sở hạ tầng khoa học mạnh.
Trong đó, JST đã xây dựng J-STAGE, một nền tảng tạp chí điện tử miễn phí với hơn 3.000 tạp chí khoa học và công nghệ, chủ yếu là tạp chí truy cập mở, đăng ký xuất bản. JST cũng đang vận hành Jxiv, một máy chủ dành cho các bản thảo học thuật.
Đồng thời, chiến lược truy cập mở của Nhật Bản còn đề cao việc lưu trữ và khả năng truy cập dữ liệu. Chính sách năm 2017, được nhắc lại một lần nữa vào năm 2022, yêu cầu các nhà nghiên cứu phải có kế hoạch quản lý dữ liệu. Nhưng xa hơn, chính sách năm 2022 còn yêu cầu họ thiết lập cách xử lý siêu dữ liệu của mình sao cho các cơ sở dữ liệu trực tuyến và công cụ tìm kiếm có thể đọc được siêu dữ liệu đó.
Để hỗ trợ các nhà nghiên cứu dễ dàng lưu trữ, quản lý và phổ biến dữ liệu của họ cũng như khám phá thêm, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Mở và Nền tảng Dữ liệu (RCOS) đã được thành lập tại Viện Tin học Quốc gia NII.
Kể từ khi có chiến lược về truy cập mở, Nhật Bản đã chứng kiến chiều hướng sụt giảm dần đều của số bài báo học thuật được xuất bản dưới dạng người đọc trả tiền, trong khi số bài báo truy cập mở liên tục tăng. Dưới đây là một số thống kê từ Scopus:
2012: 68% bài báo ở dạng người đọc trả tiền, 6% là Truy cập Mở Xanh và 8% là Truy cập Mở Vàng.
2016: 55% bài báo ở dạng người đọc trả tiền, 6% là Truy cập Mở Xanh và 20% là Truy cập Mở Vàng.
Năm 2022: 43% bài báo ở dạng người đọc trả tiền, 7% là Truy cập Mở Xanh và 39% là Truy cập Mở Vàng.
Được biết, Nhật Bản có hơn 3.400 trường đại học và tổ chức nghiên cứu với sản lượng bài báo khoa học lớn thứ năm toàn cầu. Năm 2020, nước này công bố hơn 127.000 bài báo khoa học và kỹ thuật.
Nguồn tham khảo:
Bài đăng số 1293 (số 21/2024) KH&PT