Xếp hạng đại học thế giới mới nhất của QS cho thấy xu hướng tụt hạng đáng kể của các đại học Mỹ, Anh, Nhật Bản và xu hướng thăng hạng mạnh mẽ của các đại học Trung Quốc, Ấn Độ.


Dù là nước có nhiều trường đại học hàng đầu thế giới, nhưng 2/3 trong số gần 200 trường của Mỹ đã bị tụt hạng, hầu hết do sự sụt giảm đáng kể về điểm Uy tín học thuật và Số trích dẫn/giảng viên. Xu hướng tụt hạng cũng xảy ra với 58% đại học Anh và 63% đại học Nhật Bản trên Xếp hạng Đại học Thế giới của Quacquarelli Symonds (QS WUR) 2025.

Trong khi đó, các đại học của Trung Quốc đại lục (dưới đây gọi là Trung Quốc) và Ấn Độ chứng kiến sự thăng hạng mạnh mẽ, cả về số lượng - lần lượt là 68% và 61% - và mức độ thăng hạng (được xác định là từ 10 bậc trở lên).

Trung Quốc có tổng cộng 71 trường được QS xếp hạng - chỉ có Vương quốc Anh (90) và Mỹ (197) có nhiều trường được xếp hạng hơn nước này. Còn Ấn Độ đã tăng 318% số trường được xếp hạng trong thập kỷ qua, từ 11 trường vào năm 2015 lên 46 trường vào năm 2025.

48 trong số 71 đại học của Trung Quốc đã cải thiện vị trí trên Xếp hạng Đại học Thế giới QS 2025, trong đó Đại học Thanh Hoa có vị trí cao nhất, từ thứ 25 lên thứ 20. Trong ảnh: Sinh viên Đại học Thanh Hoa. Nguồn: CC
48 trong số 71 đại học của Trung Quốc đã cải thiện vị trí trên Xếp hạng Đại học Thế giới QS 2025, trong đó Đại học Thanh Hoa có vị trí cao nhất, từ thứ 25 lên thứ 20. Trong ảnh: Sinh viên Đại học Thanh Hoa. Nguồn: CC

Cụ thể, 48 trong số 71 đại học của Trung Quốc đã cải thiện vị trí trên QS WUR 2025 so với năm ngoái, trong khi chỉ có 16% bị tụt hạng. Gần một nửa số trường của Trung Quốc (46%) nằm trong top 500.

Những trường thăng hạng đáng chú ý gồm Đại học Thanh Hoa có vị trí cao nhất, từ thứ 25 lên 20; Đại học Phúc Đán, từ thứ 50 lên 39; và Đại học Giao thông Thượng Hải, trở lại top 50 khi từ thứ 51 lên 45.

Trung Quốc có điểm Số trích dẫn/giảng viên cao nhất (61,5/100) trong các quốc gia Châu Á có từ 10 trường đại học trở lên được xếp hạng. Trong số 100 trường đứng đầu ở tiêu chí này, Trung Quốc chiếm 24 trường, bao gồm 6 trong top 20. Điều đó cho thấy ảnh hưởng học thuật đáng kể của Trung Quốc trên toàn cầu, theo QS.

Trung Quốc cũng đạt điểm khá cao ở tiêu chí Mạng lưới nghiên cứu quốc tế (51,7/100), thể hiện sự hợp tác nghiên cứu toàn cầu sâu rộng của nước này.

Các kết quả nêu trên chứng tỏ rằng chiến lược tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu của Trung Quốc tiếp tục thành công, QS phân tích.

QS gợi ý rằng các trường đại học Trung Quốc có thể cải thiện vị trí hơn nữa bằng cách tăng cường năng lực giảng dạy và khả năng tìm việc làm, vì không có đại học nào của Trung Quốc nằm trong top 50 trên thước đo Tỷ lệ giảng viên/sinh viên hoặc Uy tín tuyển dụng của QS.

Nhìn chung, 71% các đại học châu Á đã cải thiện hoặc duy trì ổn định thứ hạng.

Một yếu tố gây suy giảm vị thế của đại học châu Á là Nhật Bản, nơi 31 trong số 49 trường tụt hạng. Tuy nhiên, Nhật Bản tự hào có nhiều trường nằm trong top 200 nhất khu vực, với 10 trường; trong khi Trung Quốc có chín trường và Hàn Quốc có bảy trường.

Phân tích của QS nhấn mạnh rằng Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đều cần cải thiện việc thu hút giảng viên và sinh viên quốc tế.

Trong khi đó, bất chấp nhu cầu có thể tăng lên, Singapore vẫn giữ mức giới hạn 15% đối với sinh viên quốc tế, được áp dụng từ năm 2011. Chủ trương này cho thấy hệ thống giáo dục đại học Singapore tập trung liên tục vào việc phục vụ người dân trong nước là chính. Theo QS, Singapore thu hút được một lượng giảng viên quốc tế hết sức đa dạng và tài năng, góp phần tạo nên môi trường học thuật phong phú và quan điểm toàn cầu về giáo dục.

GS Tan Eng Chye, Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Singapore NUS, cho biết: “Giáo dục đại học ở Singapore đã thay đổi đáng kể khi các trường đại học mở rộng không gian giảng dạy và nghiên cứu liên ngành với tốc độ và quy mô lớn hơn, khiến cho việc sinh viên tốt nghiệp trở thành những người có tư duy phản biện và học tập linh hoạt trở thành điều hiển nhiên, trong khi các giảng viên và nhà nghiên cứu chung tay xây dựng các khoa liên ngành để giải quyết những vấn đề chưa dễ gì thấy được của thế giới ngày nay.”

Giống với Singapore, Úc cũng vừa có kế hoạch mới nhằm giới hạn số lượng sinh viên quốc tế, nhưng là để giải quyết vấn đề nhập cư.

“Úc đã công bố các quy định chặt chẽ hơn đối với thị thực sinh viên quốc tế nhằm giải quyết những lo ngại trong nước về tình trạng nhập cư gia tăng. Các quy định này bao gồm yêu cầu khắt khe hơn về trình độ tiếng Anh và chứng minh tài chính, bài kiểm tra mới dành cho ‘sinh viên chân chính’ và phí xin thị thực cao hơn [từ 704 AUD lên 1.500 AUD],” Jessica Turner, Giám đốc điều hành của QS, cho biết. “Những biện pháp này có thể khiến Úc đánh mất hàng nghìn sinh viên trong tương lai, tác động đến lĩnh vực xuất khẩu giáo dục trị giá 48 tỷ USD.”

Đề xuất giới hạn số lượng sinh viên quốc tế cũng bị cho là sẽ gây bất lợi cho khả năng tồn tại của các trường đại học Úc, làm xói mòn chất lượng giáo dục, và năng lực sản xuất tri thức của Úc.

Cùng với châu Á, khu vực Ả Rập cũng ghi nhận sự tiến bộ đặc biệt, với 78% số trường cải thiện hoặc duy trì ổn định thứ hạng. Đứng đầu khu vực, Đại học Dầu khí và Khoáng sản King Fahd (KFUPM), ghi nhận mức tăng đáng kể so với năm trước, từ thứ 180 lên 101. Đây là vị trí cao nhất từ trước đến nay của KFUPM và cũng là vị trí cao nhất mà một trường đại học ở khu vực Ả Rập từng đạt được.

Có tất cả năm trường đại học thuộc khu vực này vào top 200 và ba trong số đó thuộc về Ả Rập Saudi, nước có 20 trường đại học được xếp hạng.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục đại học của Mỹ Latinh tiếp tục đánh mất vị thế: 51 trường đại học Mỹ Latinh (35,4%) đã tụt hạng, trong khi chỉ có 19 trường (13,2%) thăng hạng. Brazil có nhiều trường đại học được xếp hạng hơn bất kỳ quốc gia Mỹ Latinh nào khác, với 35 trường.


Năm nay, lần đầu Đại học Huế có tên trên Xếp hạng Đại học Thế giới QS. Nguồn: edu2review.com
Năm nay, lần đầu Đại học Huế có tên trên Xếp hạng Đại học Thế giới QS. Nguồn: edu2review.com

Năm nay QS xếp hạng 1.500 trong tổng số 5.663 cơ sở giáo dục đại học tham gia từ 106 nước/vùng lãnh thổ, trong đó có 21 trường được xếp hạng lần đầu.

Các trường được xếp hạng theo chín tiêu chí: Uy tín học thuật (Academic Reputation) - 30%; Uy tín tuyển dụng (Employer Reputation) - 15%; Tỷ lệ giảng viên/sinh viên (Faculty Student Ratio) - 10%; Số trích dẫn/giảng viên (Citations per Faculty) - 20%; Tỷ lệ giảng viên quốc tế (International Faculty Ratio) - 5%; Tỷ lệ sinh viên quốc tế (International Student Ratio) - 5%; Mạng lưới nghiên cứu quốc tế (International Research Network) - 5%; Kết quả tuyển dụng (Employment Outcomes) - 5%; Bền vững (Sustainability) – 5%.

Đáng chú ý, tiêu chí Uy tín tuyển dụng năm nay xem xét cả tỷ lệ phần trăm sinh viên chuyển sang làm công việc được trả lương trong vòng 15 tháng sau khi tốt nghiệp và thành công của sinh viên tốt nghiệp được đánh giá thông qua thành tích của họ, dù họ là lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia hay người giành các giải thưởng, v.v.

QS lưu ý rằng tập dữ liệu phục vụ tiêu chí Bền vững đã “tiến triển ngoạn mục” kể từ khi nó được giới thiệu vào năm ngoái và trong xếp hạng mới nhất, chỉ có 2% số trường thiếu dữ liệu về lĩnh vực này.

Kết quả xếp hạng cũng dựa trên việc phân tích 17 triệu bài báo học thuật và ý kiến của hơn 280.000 giảng viên và nhà tuyển dụng.

Các khu vực đô thị trên thế giới có nhiều trường được xếp hạng nhất gồm Seoul (23), Moscow (20), London (19), Tokyo (18), Bắc Kinh (16), Santiago (13), Mexico City (12), New York (12), Paris (12) và Buenos Aires, Dhaka, Lima, Thượng Hải và Đài Bắc (mỗi nơi có 10).

Trên QS WUR 2025, Việt Nam có sáu cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, với bốn cơ sở thăng hạng. Trong đó, Trường Đại học Duy Tân từ vị trí 514 lên 495, cũng là trường có thứ hạng cao nhất Việt Nam. Tiếp theo là Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ nhóm 721-730 lên nhóm 711-720; Đại học Quốc gia Hà Nội từ nhóm 951-1.000 lên nhóm 851-900; Đại học Quốc gia TPHCM từ nhóm 951-1.000 lên 901-950; còn Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn nằm trong nhóm 1.201-1.400. Đại học Huế lần đầu góp mặt trong xếp hạng với vị trí thuộc nhóm 1.201-1.400.




Nguồn tham khảo:

universityworldnews.com
topuniversities.com