Mới có 14% số doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận thông tin về phát triển bền vững và con số thực sự cam kết hành động chỉ khoảng 0,28%. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phát triển bền vững chỉ thành công nếu mọi doanh nghiệp đều nhận thức được "đã phát triển là phải bền vững”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020 | Ảnh: BTC
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020 | Nguồn: BTC

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam VCSF 2020 diễn ra ngày 11/12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dù còn nhiều khó khăn nhưng phát triển bền vững là điều "phải làm" ở Việt Nam.

Trong vòng một thập kỷ qua, phát triển bền vững đã có nhiều bước tiến đáng kể ở Việt Nam. Điều này được thể hiện rất rõ nếu nhìn lại 5 năm trước, khi Mạng lưới Phát triển bền vững toàn cầu của Liên Hợp Quốc đưa ra khảo sát, đánh giá và xếp hạng về chỉ số phát triển bền vững của các nền kinh tế.

Việt Nam đứng thứ 88 trong lần đầu tiên được xếp hạng về chỉ số phát triển bền vữngvào năm 2016. Năm 2017, khi cam kết tham gia chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc và đưa ra các kế hoạch chỉ đạo cụ thể, Việt Nam tăng gần 20 bậc, lên thứ 68. Các năm tiếp theo thực thi, mặc dù tốc độ thăng hạng có chậm lại nhưng năm 2020, Việt Nam đã đứng thứ 49 trên thế giới về phát triển bền vững.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với một nước đang phát triển, có mức thu trung bình thấp như Việt Nam, chỉ tiêu nàovào top50 thì đều làxuất sắc. Đến nay, trong rất nhiều chỉ tiêu xếp hạng trên thế giới, chúng ta đã có ba chỉ tiêu đạt mốc này, là phát triển bền vững, chất lượng giáo dục phổ thông và đổi mới sáng tạo - ông cho biết.

Không phải chuyện "phú quý sinh lễ nghĩa"

Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để đạt 17 nhóm mục tiêu đề ra trong Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030, cũng như các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động quốc gia về phát triển bền vững - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thách thức này không chỉ liên quan đến doanh nghiệp - một trong những lực lượng nòng cốt để thúc đẩy nền kinh tế - mà còn liên quan đến các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ rừng, đất, nước và giải quyết các vấn đề xã hội như sức ép đô thị hóa, bất bình đẳng, bảo tồn văn hóa, nâng cao học vấn... - điều thường chỉ được chú ý sau tăng trưởng kinh tế hay bảo vệ môi trường.

“Muốn đạt các mục tiêu vào năm 2030 thì tinh thần phát triển bền vững đó không chỉ phải lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp mà còn cần lan ra toàn xã hội. Thách thức lớn nhất là làm sao cho tất cả mọi người nhận thức được đây là việc phải làm”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Ngay trong cộng đồng doanh nghiệp, việc thay đổi tư duy sang hướng bền vững cũng không đơn giản. Việt Nam hiện có 700.000 doanh nghiệp nhưng theo báo cáo của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc VCCI, chỉ có 2.000 trong số đó là thành viên của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững (tương đương khoảng 0,28%). Số doanh nghiệp được tiếp cận thông tin về phát triển bền vững lớn hơn, nhưng cũng mới đạt khoảng hơn 14%, tương đương 100.000 doanh nghiệp.

Từ những kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam, Phó Thủ tướng cho rằng, “điều mọi người dễ đồng ý với nhau là tất cả mọi người Việt Nam đều nhận thức rõ trách nhiệm của mình phải chống dịch, trước hết vì bản thân, với những người thân, vì cộng đồng và rộng hơn nữa là cả thế giới”. Tương tự, phát triển bền vững cũng chỉ có thể thành công nếu mọi doanh nghiệp đều nhận thức được "đã phát triển là phải bền vững. Đây không phải là câu chuyện phú quý sinh lễ nghĩa mà là việc buộc phải làm.”

Nhưng Phó Thủ tướng thừa nhận, làm cho mọi người hiểu trách nhiệm của mình để vì cộng đồng chung tay chống dịch vẫn dễ hơn là hiểu về trách nhiệm về phát triển bền vững và thực hiện nó. Dịch bệnh có thể ảnh hưởng ngay lập tức đến từng người, trong khi phát triển bền vững không thể hiện tác động tức thời đến từng người.

Bởi vậy, để khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững một cách tự nhiên và hiệu quả, Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ cần cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn. “Dù đã rất nỗ lực nhưng nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa bằng [xếp hạng] phát triển bền vững. Sự thuận lợi trong kinh doanh ở Việt Nam hiện giờ vẫn đứng khoảng 65-70. Chúng ta cần tiếp tục làm cho môi trường kinh doanh và đầu tư thông thoáng hơn.”