Theo báo cáo của UNDP, chính quyền Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ sâu sắc của người dân trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Đây là tiền đề quan trọng để triển khai các hoạt động như đối phó dịch bệnh hay giải quyết các thách thức quan trọng về nghèo đói, môi trường hoặc tham nhũng.
Khảo sát được thực hiện qua điện thoại với 1.335 người tại 63 tỉnh thành phố từ ngày 5 đến 28/09/2020. Những người được hỏi trước đó đã tham gia khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2019. Mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài trung bình 27 phút với 30 câu hỏi về nhân khẩu học, cảm nhận về Covid-19 và cách ứng phó của mỗi người, và đánh giá cách chính phủ ứng phó với dịch bệnh.
Kết quả khảo sát thể hiện rõ sự đồng thuận cao của những người tham gia khảo sát - tới 89% người được hỏi bày tỏ quan điểm "Ưu tiên cứu người khỏi Covid-19 cho dù phải hy sinh phát triển kinh tế". Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các quốc gia khác như Nhật Bản (76%), Pháp (70%), Mỹ (66%), Ấn Độ (64%), Hàn Quốc (64%) hay Trung Quốc (56%).
Nhìn chung, trong thời gian đại dịch, tất cả các nhóm dân cư đều quan tâm theo dõi tin tức về Covid-19 qua nhiều kênh khác nhau. Gần như tất cả mọi người - bất kể giới tính, dân tộc, học vấn - đều coi dịch bệnh này là "một vấn đề hệ trọng".
Người dân cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính sách và hành động của chính quyền nhằm ngăn chặn Covid-19: hơn 96% số người được hỏi đánh giá nỗ lực ứng phó của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống và kiểm soát Covid-19 là tốt hoặc rất tốt; gần 94% có cùng đánh giá đối với nỗ lực ứng phó của chính quyền cấp tỉnh.
Người dân Việt Nam đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ứng phó. Có tới 99% người tham gia khảo sát cho biết họ đeo khẩu trang khi ra ngoài; 93% rửa tay hằng ngày trong thời gian cao điểm của đại dịch; và 89% thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Về tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế quốc dân và sinh kế của người dân, kết quả khảo sát cho thấy khu vực dịch vụ (như dịch vụ bán lẻ truyền thống và dịch vụ hộ gia đình) bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cũng như vậy, những người không có tay nghề và làm việc trong các khu vực phi chính thức, thuộc nhóm nghèo nhất và nhóm cận nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 24% số người được hỏi cho biết đã bị mất việc làm và 65% cho biết thu nhập của họ bị giảm. Biện pháp ứng phó chủ yếu của các hộ gia đình là "giảm chi tiêu" và "sử dụng tiền tiết kiệm".
Tuy bị ảnh hưởng kinh tế nhưng người dân cảm nhận được các nỗ lực ứng phó của nhà nước. Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy nhìn chung người dân có phản hồi tích cực đối với khả năng tiếp cận và hiệu quả của gói cứu trợ trị giá 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ. 21% những người được hỏi đã nhận được hỗ trợ từ gói viện trợ này.
Phân tích hồi quy từ các dữ liệu khảo sát cho thấy một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, chẳng hạn: Nam giới, người ở độ tuổi trung niên và người có học vấn cao hơn ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ hơn; người tham gia các tổ chức đoàn thể và người có các trải nghiệm tích cực với quản trị và hành chính công cho thấy mức độ ủng hộ cao hơn. Ngược lại, những người bị mất việc/giảm thu nhập do Covid-19 có xu hướng ít ủng hộ hơn.
Việc nhận tiền từ gói hỗ trợ cũng là một yếu tố làm tăng mức độ ủng hộ của người trả lời. Điều này cho thấy tầm quan trọng của gói hỗ trợ trong việc giảm thiểu tác hại của Covid-19 lên kinh tế đồng thời củng cố niềm tin của người dân đối với Chính phủ.
Từ những kết quả trên, Báo cáo khuyến nghị trong tình hình hiện tại, biện pháp giãn cách xã hội chỉ nên được áp dụng tại xã/phường/thị trấn nơi có dịch nhằm giảm thiểu tác hại của Covid-19 lên việc làm và thu nhập. Đồng thời, quản trị và hành chính công cần được nâng cao chất lượng nhằm củng cố niềm tin của người dân và cải thiện mức độ ủng hộ của họ với Chính phủ trong các tình huống nguy cấp như đại dịch.