Sau khi trang website của Hội đồng giáo sư nhà nước (HĐGSNN) công bố danh sách 321 ứng viên GS, PGS (trong đó có 40 ứng viên GS và 281 ứng viên PGS) được Hội đồng giáo sư các ngành-liên ngành thông qua, đề nghị HĐGSNN xét đạt tiêu chuẩn, đã có 14 đơn thư tố cáo liên quan đến 36 ứng viên GS, PGS ngành Y và 7 ứng viên GS, PGS ngành Dược.

Lý do là các ứng viên này không đạt số bài báo ISI/SCOPUS theo quy định của QĐ37.

Tại sao đến hơn 80% số ứng viên GS, PGS ngành Y và 70 % số ứng viên GS, PGS ngành Dược dù đã được hai HĐGS hai ngành thông qua nhưng vẫn bị tố cáo, trong khi các ngành khác không có hoặc hãn hữu chỉ một vài trường hợp bị kiện? Là một trong những người trực tiếp thẩm định các công bố của ứng viên, cũng là người tham gia cuộc họp với hai HĐGS ngành Y và Dược, người viết bài này đã cố đi tìm lời giải và bước đầu đưa ra một số luận giải.

Ảnh: PV
Ảnh: PV

1. Nhiều ứng viên công bố quốc tế ở các tạp chí uy tín thấp

Lĩnh vực khoa học Y và Dược, đặc biệt ngành Y thực sự có nhiều ưu thế trong công bố quốc tế. Do trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân các nhà khoa học ngành y có nhiều “nguồn thực chứng” khá tốt để thu thập, xử lý số liệu phục vụ cho công bố. Trong khi các ngành khoa học khác để có được nguồn số liệu tin cậy phải đầu tư công sức và kinh phí để tổ chức nghiên cứu từ khâu A-Z. Không những vậy các công bố trong lĩnh vực Y, Dược thường dễ được chấp nhận công bố trên các tạp chí uy tín có impact factor cao do được cộng đồng khoa học tìm đọc và trích dẫn nhiều. Không ít bài báo của các tác giả Việt Nam đã và đang xuất hiện trên các tạp chí hàng đầu như: Nature, Science, New England Journal of Medicine đã nhận được các giải thưởng khoa học cao ở trong và ngoài nước. Cũng vì vậy số ứng viên GS, PGS ngành Y hằng năm vào loại cao nhất trong 28 HĐGS ngành-liên ngành. Tuy nhiên bên cạnh các ứng viên đủ tầm đã và đang đăng ký xét, cũng xuất hiện một số không nhỏ các ứng viên GS, PGS có năng lực nghiên cứu và công bố hạn chế nhưng muốn được công nhận GS, PGS bằng mọi cách như: gửi bài công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thấp mà đa số là các tạp chí open access (OA) xếp hạng Q3-Q4 của danh lục Scopus, thường là những tạp chí mới xuất bản ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Pakistan, Brazil, Macedonia,… Trong số các tạp chí OA mà nhiều ứng viên ngành Y có bài công bố, có một số tạp chí không thuộc danh lục ISI / SCOPUS như Child’s Quality of Life in Asia, International Journal of Medical Sciences & Health Research, Journal of Vascular Medicine & Surgery, Biomedical Journal of Scientific & Technical Research, Journal of Medical Sciences, một số tạp chí đã từng thuộc danh lục SCOPUS nhưng bị loại khỏi tại thời điểm ứng viên nộp hồ sơ như Archives of Pharmacy Practice (đã bị loại từ 2017), International Journal of Research in Pharmaceutical Sciences (đã loại từ 2016), International Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Sciences (đã loại từ 2016), Open Access Macedonian Journal of Medical Sciences (đã loại từ 2020), Imaging in Medicine (đã loại khỏi Scopus từ 2018), Farm. Sci. Asian (đã loại từ 2019), Asian Journal of Pharmaceutics (đã loại khỏi Scopus từ 2019). Khá nhiều ứng viên có bài trên tạp chí GMR và một vài tạp chí khác nhưng mới chỉ chấp nhận tại thời điểm nộp hồ sơ. Hiện tượng khá phổ biến là ứng viên công bố nhiều bài trên cùng một số phụ trương để có đủ bài đăng ký và tính điểm công trình – điều không xảy ra ở những tạp chí khoa học nghiêm túc. Ngoài ra, có trường hợp thông qua dịch vụ nhận bài của khá nhiều tổ chức, cá nhân trên mạng để “sản xuất bài” và “trả tiền” dịch vụ. Thậm chí có người còn đứng ra liên kết với một số tạp chí (với vai trò guest editor) đứng ra nhận thu gom (và thu tiền hàng ngàn USD mỗi bài) hàng trăm bài của cộng đồng khoa học Y - Dược để tổ chức xuất bản trong các số báo đặc biệt của một số tạp chí Open Access ít tên tuổi, như: Tạp chí Journal of the Pakistan Medical Association (JPMA); Asian Journal of Pharmaceutics (AJP); Journal of Clinical and Diagnostic Research (JCDR);…

2. Khá nhiều ‘tiểu xảo’ trong các công bố của một số ứng viên GS, PGS ngành Y - Dược

Việc làm ‘khuất tất’ này đã được TS. Doãn Minh Đăng vạch ra khi các ứng viên sử dụng một bộ số liệu gốc, qua ‘chế biến’ thành nhiều bài có tên gọi gần giống nhau. Ngoài ra, cùng một bài có 2-3 người đóng vai trò là tác giả chính (first author) hoặc 2-3 người là tác giả liên hệ (corresponding author) để hợp pháp hóa một bài cho nhiều người là tác giả chính hoặc tác giả liên hệ. Quả thật đây là ‘thủ thuật xưa nay hiếm’ và rất xa lạ đối với các tạp chí uy tin.

Chắc chắn các bài dạng này không có sự thẩm định nghiêm túc về mặt chuyên môn (như một tạp chí nghiêm túc vẫn làm) mà chỉ là sự ‘xáo xào’ của những người ‘nhận thầu’ để ‘thu tiền’ mà dàn xếp công bố. Hiện tượng công bố nhiều bài (từ vài ba bài đến 5-7 bài thậm chí hàng chục bài) trên cùng một số tạp chí (trong nước, quốc tế) là cách làm khá phổ biến của các GS hai ngành Y Dược – Có lẽ chính vì truyền thống ‘Công bố hàng loạt” này đã được các hậu bối phát huy xuất sắc.

Một bài báo nhưng có thể vài ba người đứng tên tác giả chính (first author) và tác giả liên hệ là điểm khác biệt khác khá phổ biến trong các công bố của các GS và các ứng viên GS, PGS ngành Y – Dược. Cách làm “khác người” này đối với nhà khoa học liêm chính thì đó là điều kỳ lạ trong công bố khoa học. Phải chăng việc làm “không bình thường” này không những giúp các vị có đủ số bài báo công bố quốc tế mà còn được tính điểm cao hơn so với cách làm bình thường. Hệ lụy của hiện tượng bất bình thường này là xuất hiện hàng loạt bài công bố kém chất lượng của các ứng viên GS, PGS 2 ngành Y-Dược trong hai năm 2019 và nhất là trong năm 2020.

3. Năng lực công bố quốc tế (ISI) của các thành viên Hội đồng

Năng lực công bố quốc tế của các thành viên HĐGS hai ngành Y và Dược cũng là vấn đề. Nếu xét về thành tích công bố ISI / SCOPUS với tư cách là tác giả đứng tên đầu hoặc tác giả liên hệ thì chỉ có 7 thành viên HĐGS ngành Y có từ 1-5 công bố ISI / SCOPUS, còn quá nửa số thành viên không có công bố ISI / SCOPUS. Trong số 7 thành viên HĐGS ngành Dược chỉ 3 thành viên có công bố ISI /SCOPUS, còn 4 thành viên không có. Như vậy, theo qui định tại điều 8 QĐ37 thì đa số thành viên hội đồng hai ngành này đã không đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm thành viên HĐGS ngành - liên ngành.

Điều ngạc nhiên nhất mà người viết đã được họp và chứng kiến là hầu như các GS ở hai hội đồng ngành Y và Dược không có kỹ năng thẩm định các công bố quốc tế của ứng viên, bỏ qua không thẩm định với lý do công bố quốc tế đã được các tạp chí mới 2-3 chuyên gia thẩm định, góp ý chỉnh sửa (nếu cần) và đồng ý mới được đăng. Đúng như vậy, nhưng đó là qui trình thẩm định đối với các tạp chí quốc tế uy tín, còn các tạp chí thấp (tạp chí rởm) đâu có tuân thủ một quy trình như vậy. Một số ý kiến cho rằng “việc thẩm định bài báo, tạp chí không đơn giản vì mỗi lần search cho ra các kết quả khác nhau”, “ngay như tạp chí uy tín của Mỹ cũng lúc thế này, thế khác”. Các ý kiến này càng chứng tỏ họ không hiểu biết về các tạp chí quốc tế uy tín. Hiện tại, trên thế gới có hai tổ chức đánh giá, xếp hạng các tạp chí quốc tế là Webs of Science (WoS) và Scopus. Khi thẩm định đúng cách 'search' chỉ cho ra một kết quả duy nhất chứ không thể lúc thế này, lúc thế khác.

4. Một số qui định còn bất cập

Trong khi nhiều HĐGS ngành chỉ chấp nhận công bố ISI (trước đây) / SCIE (từ năm 2018) thì HĐGS ngành Y - Dược qui định danh sách công bố quốc tế ngành Y - Dược gồm các dang lục ISI , ESCI, SCOPUS, PubMed. Việc quy định này dường như để tạo điều kiện cho các ứng viên GS, PGS nhưng gây lộn xộn và gây nhiễu cho Hội đồng trong việc đánh giá. Danh lục ISI trước đây bao gồm SCI và SCIE nay đã hợp nhất chỉ còn SCIE. Nếu như danh lục SCIE của Web of Sciences (Wob) bao gồm hơn 3700 tạp chí thì số tạp chí của danh lục SCOPUS có tới 22000 tạp chí. Danh lục ESCI của Wobs thực ra là danh lục các tạp chí mới nổi là dự bị cho SCIE sau hai năm đánh giá dựa trên citation index của tạp chí. Còn PubMed thực ra là sở dữ liệu y học, không hẳn là một danh lục tạp chí được xếp hạng nên không có giá trị tra cứu tạp chí.

Đôi lời nhắn gửi

Rõ ràng việc tố cáo các ứng viên GS, PGS ngành Y - Dược thời gian qua là có căn cứ giúp bộc lộ hàng loạt ‘vấn đề đặc thù mà chỉ hai ngành Y - Dược mới có. Không chỉ là vấn đề các ứng viên thiếu năng lực công bố bài báo quốc tế uy tín và cả những ‘người cầm trịch’ là các thành viên HĐGS cả hai ngành cũng có cách nghĩ cách làm chẳng giống ai – tất cả đã tạo ra một hệ lụy khôn lường đối với cộng đồng khoa học và niềm tin của xã hội, ảnh hưởng đến lịch xét GS, PGS của Hội đồng GSNN. Nhiều ứng viên các ngành khác cũng bị liên lụy vì sự chậm trễ này.

Mặc dù báo chí đã đề cập khá nhiều vấn đề này nhưng người viết bài qua đây xin được nhắn gửi đôi lời với hy vọng sự việc bất thường này sẽ không tái diễn.

Trước hết, cần biết rằng QĐ37 đã tạo ra một sân chơi công khai, minh bạch đối với các ứng viên GS, PGS mà còn đối với các HĐGS các cấp. Bất kỳ việc làm thiếu chuẩn nào đều được công đồng khoa học và xã hội giám sát. Dù các HĐGS các cấp thông qua nhưng cộng đồng khoa học và xã hội sẽ là người phán xét cuối cùng.

Đối với các ứng viên đăng ký đủ tiêu chuẩn xét chức danh GS, PGS hãy tự mình hiểu rõ yêu cầu để đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo Quyết định 37 của Thủ tướng chính phủ qua đó nỗ lực phấn đấu, để có được các công bố trên các tạp chí uy tín. Cần nhớ là phân lớn các tạp chí uy tín thuộc danh sách ISI vẫn khuyến khích đăng bài không mất tiền.

Để được tiến cử và bổ nhiệm là thành viên các Hội đồng nói chung là sứ mạng vinh dự không phải ai muốn đều có được, vì vậy mỗi thành viên nên dành thời gian tâm huyết cho công việc của Hội đồng. Nên nhớ rằng để xảy ra kiện cáo – mà kiện cáo lại có cơ sở không chỉ là thiếu sót mà còn là danh dự của người thẩm định và của toàn Hội đồng. Thời đại Internet, 4.0, mọi thông tin đều cần được công khai minh bạch trên mạng chính thức của Cơ sở giáo dục (kết quả xét ở vòng HĐGS cơ sở) và trên website HĐGSNN (kết quả xét ở vòng HĐGS ngành liên ngành và HĐGSNN).

i) Bổ nhiệm những nhà khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu và công bố quốc tế vào các HĐGS là cực kỳ quan trọng. Hãy bỏ quan niệm “cây cao bóng cả” trong việc tuyển chọn và bổ nhiệm các HĐGS, vì nhiều “cây cao bóng cả” trước đây nay xét theo tiêu chí mới chắc chắn không đạt chuẩn GS, PGS theo QĐ37.

ii) Hãy để cộng đồng khoa học – những người có chức danh GS, PGS bỏ phiếu online tiến cử HĐGS các cấp (theo cách làm của NAFOSTED) khi bổ nhiệm 8 HĐKH ngành. Tại thời điểm lấy phiếu tín nhiệm tất cả CV của các ứng viên Hội đồng nên được post lên trang website (VD, trong vòng 1 tháng) và cộng đồng khoa học đánh dấu tiến cử người đủ tiêu chuẩn nhất vào HĐ. (Nên bỏ quy định HĐGS nhiệm kỳ trước tiến cử nhiệm kỳ sau hay Cơ sở giáo dục tiến cử) sẽ làm bỏ phiếu tín nhiệm online mất ý nghĩa. Tất nhiên, không nhất thiết phải áp dụng máy móc ai cao phiếu nhất thì được bổ nhiệm, mà vẫn có sự xem xét cân đối theo cơ quan, vùng, miền.

iii) Nên có quy định danh sách tạp chí quốc tế, quốc gia được tính điểm (như Quỹ NAFOSTED), trong đó nên đồng nhất yêu cầu công bố bài báo như Quỹ NAFOSTED đã làm. Mạnh dạn loại bỏ các công bố các công bố trên tạp chí chất lượng thấp xếp hạng Q4 (Scopus). Loại bỏ PubMed vì chắc chắn các công bố SCIE có giá trị khoa học cũng có cơ sở dữ liệu trong PubMed.

iv). Nên có quy định “người có quyền lợi liên quan” là các GS thành viên HĐ có công bố với ứng viên GS, PGS không tham gia thẩm định và ngồi trong Phiên họp Hội đồng đánh giá, bỏ phiếu ứng viên (như qui định của NAFOSTED), tránh các ứng viên lợi dụng đưa tên các GS hội đồng vào công bố để mong “được giúp đỡ”.


Đợt xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2020 là năm thứ hai triển khai theo Quyết định 37/2018-TTg . Mặc dù còn một số vấn đề cần bổ sung làm rõ, nhưng nhìn chung QĐ37 được cộng đồng khoa học và xã hội coi là bước tiến mới của nền khoa học và giáo dục Việt Nam (cụ thể là lĩnh vực khoa bảng) trên đường hội nhập quốc tế. Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức, nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu, thời gian - thâm niên giảng dạy, hướng dẫn sau đại học, như trước đây, lần đầu tiên có quy định về tiêu chuẩn GS, PGS phải có công bố trên tạp chí quốc tế uy tín (tạp chí thuộc danh lục ISI / Scopus). Quy định mới này mặc dù còn thấp, chưa nói là quá thấp so với tiêu chuẩn đối với ứng viên GS, PGS ở các nước phát triển, nhưng là rào cản mới đối với nhiều nhà khoa học, giảng viên đại học muốn trở thành GS, PGS ở Việt Nam.


Ngày 5/12/2020, Hội đồng giáo sư nhà nước đã Họp phiên thứ 6 nhiệm kỳ 2018-2023 xem xét và bỏ phiếu thông qua danh sách 339 ứng viên GS, PGS từ danh sách 321 ứng viên GS, PGS (không kể 36 ứng viên PGS 2 ngành An Ninh và Quân sự) được Hội đồng giáo sư các ngành - liên ngành thông qua đề nghị HĐGS ngành xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2020. Trong số ứng viên xét đợt này ở HĐGSNN, số ứng viên hai ngành Y và Dược bị loại với tỷ lệ khá cao.

GS.TS. Lê Anh Vinh.
GS.TS. Lê Anh Vinh.

Ứng viên trẻ nhất được xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư năm 2020 là ông Lê Anh Vinh, 37 tuổi, quê Thanh Hóa, hiện công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ông Vinh trở thành tân giáo sư ngành Toán học.

Ngành có nhiều tân giáo sư nhất là Hóa học - Công nghệ thực phẩm và Y học với 8 ứng viên được công nhận ở mỗi ngành; tiếp đến là Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản 4; Cơ khí - Động lực, Toán học và Kinh tế mỗi ngành có 3 ứng viên được công nhận.