Nhiều năm trở lại đây, cứ mỗi lần điều chỉnh tăng giá điện, dư luận lại “nóng” lên với nhiều ý kiến trái chiều. Một bên phản đối và một bên ủng hộ.
Tuy nhiên, thực tế cung - cầu điện năng của Việt Nam hiện nay đòi hỏi cần nhìn nhận một cách khách quan về giá điện, mà một số nghiên cứu mới đây cho thấy trong tương lai, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng mạnh, và giá điện cũng phải tăng.
CAN THIỆP CỦA NHÀ NƯỚC VÀO GIÁ ĐIỆN
Nhu cầu điện trong của Việt Nam đang tăng rất nhanh trong hơn thập kỷ qua, và được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ít nhất 2 thập kỷ tới đến khi Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên chúng ta đang sử dụng năng lượng kém hiệu quả hơn hẳn so với nhiều nước láng giềng. Bằng chứng là lượng điện để sản xuất ra một đơn vị GDP của Việt Nam gấp khoảng 1,4 lần Trung Quốc và gần như gấp đôi Thái Lan, trong khi Trung Quốc và Thái Lan có tỷ lệ công nghiệp hóa và đô thị hóa, hai nhân tố hàng đầu của hàm cầu năng lượng, lớn hơn hẳn Việt Nam. Vậy lý do nào đằng sau việc sử dụng điện (và năng lượng) quá mức như vậy?
Để trả lời câu hỏi đó, cần phải xem xét các thiết kế chính sách liên quan đến giá điện và những can thiệp của chính phủ ảnh hưởng đến việc sản xuất-tiêu thụ năng lượng. Theo phân tích của TS Lê Việt Phú, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, ĐH Fulbright Vietnam tại Hội thảo Chuyên đề thuộc Diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 22/7 vừa qua, thì giá điện bán lẻ trung bình hiệu dụng của Việt Nam đang ở mức 8 US cent/kWh, thấp hơn hầu hết tất cả các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, và thấp hơn hẳn so với Singapore hay Philippine.
Trong một thời gian dài, Việt Nam được hưởng lợi bởi chính sách giá điện rẻ cùng nhiều chính sách xã hội để đạt độ bao phủ điện toàn dân và hỗ trợ trong nhiều lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, giá thấp cũng dẫn tới nhu cầu điện tăng vọt, kèm theo tác dụng phụ sử dụng năng lượng tiêu tốn, thiếu hiệu quả.
“Sự can thiệp của chính phủ vào thị trường điện đã giúp Việt Nam giữ giá bán điệnkhá thấp so với các quốc gia khác”, TS. Phú nói. Thiết kế biểu giá điện cho thấy sự trợ giá chéo lớn giữa các mục đích sử dụng (giá điện công nghiệp thấp hơn nhiều so với điện dịch vụ và bán lẻ, phản ánh quan điểm thu hút sản xuất bằng năng lượng giá thấp), giữa thời gian sử dụng (giá giờ cao điểm gần gấp đôi giờ thường), hay giữa người dùng điện sinh hoạt cơ bản và khu dân cư dùng điện lớn. Giá điện hiện nay phản ánh con số mà chính phủ cho là nên như vậy. Nhưng liệu nó có tương xứng với sản xuất điện không lại là điều cần xem xét.
Việc sản xuất điện ở Việt Nam đang được trợ cấp dưới nhiều hình thức, hầu hết là gián tiếp như thông qua các khoản vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp nhà nước, chi phí lao động và đầu vào thấp, hoặc các quy định yếu về môi trường khiến tổn thất môi trường không được phản ánh đầy đủ vào giá. Chưa kể giữa các loại hình năng lượng có sự cạnh tranh ngầm khi năng lượng hóa thạch đang được trợ cấp giá nhiều hơn năng lượng tái tạo, khiến trên danh nghĩa điện hóa thạch vẫn gần như là loại năng lượng rẻ tiền nhất. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện của Việt Nam năm 2018 vào khoảng 250 triệu USD, tương đương 0,1% GDP.
Nhưng mặc dù được trợ cấp, chi phí sản xuất điện để hoàn vốn ở Việt Nam vẫn đang trên đà tăng đến ngưỡng vượt quá giá bán lẻ mà nhà nước đặt ra, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới. Chi phí sản xuất tăng trong khi giá bán lẻ không tăng mấy cũng khiến các đơn vị sản xuất, cung ứng điện bị kìm nén nguồn tài chính để tái đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc công nghệ mới. Điều này tạo nên tình huống tiến thoái lưỡng nan đối với các cơ quan quản lý nhà nước, khi một mặt phải khống chế giá bán lẻ cho người sử dụng để đảm bảo an sinh xã hội và khuyến khích sản xuất, một mặt vẫn cần tăng các khoản trợ cấp cho những đơn vị sản xuất, truyền tải để đảm bảo họ vận hành.
Do vậy, đã tới lúc Việt Nam cân nhắc việc sử dụng giá điện như một công cụ thị trường chứ không phải công cụ mệnh lệnh-chỉ huy. Nói cách khác, Việt Nam cần gỡ bỏ dần các rào cản, trợ cấp và tự do hóa thị trường điện năng, TS. Phú nhấn mạnh.
XÂY DỰNG THỊ TRƯỜNG ĐIỆN CẠNH TRANH
Giá sẽ là nhân tố quan trọng để cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng ở Việt Nam. Bằng chứng thực nghiệm từ nghiên cứu của TS Phú cho thấy hàm cầu điện sinh hoạt là co dãn, tức là người tiêu dùng sẽ phản ứng mạnh với sự thay đổi của giá điện và chính quyền có thể sử dụng các công cụ giá để quản trị nhu cầu sử dụng và giảm tiêu thụ điện.
Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu lộ trình xây dựng các thị trường điện cạnh tranh để tăng tính hiệu quả của ngành năng lượng và giảm dần sự can thiệp của nhà nước. Từ hơn 2 năm qua, Thị trường Bán buôn điện Cạnh tranh (VWEM) giữa nhà sản xuất và công ty phân phối điện đã dần đi vào hoạt động. Giữa năm ngoái, Bộ Công thương cho biết thị trường này đã chiếm trên 10% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước và đang mở rộng. Trên đà thị trường này, giá bán buôn điện sẽ dần được cải thiện và tạo điều kiện để phát triển Thị truờng Bán lẻ điện Cạnh tranh (VREM) trong một vài năm tới.
Một khi thị trường bán lẻ điện được hình thành, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn về phương án giá và những đơn vị phân phối khác nhau. Tại đó, giá điện có thể được cung cấp theo mức điều tiết của nhà nước, hoặc biến động tùy theo nguồn năng lượng, thời gian sử dụng, nhu cầu của người dùng. Tại Singapore, nơi đã có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, hơn 60% lượng điện được mua bán theo giá thị trường trong khi 40% còn lại theo giá của nhà nước.
TÍCH HỢP CÁC CÔNG CỤ PHI THỊ TRƯỜNG
Với xu hướng phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai, sớm muộn ngành điện Việt Nam cũng sẽ phải đưa đầy đủ các chi phí môi trường vào trong giá, do đó khả năng tăng giá điện là không thể tránh khỏi. Đương nhiên khi thay đổi giá sẽ luôn có nhóm chịu thiệt và nhóm hưởng lợi. Do đó, chính phủ cũng cần phải triển khai kèm các thiết kế chính sách xã hội như trợ cấp cho hộ nghèo để giảm tổn thương xã hội. Việt Nam cũng không thể bỏ qua các biện pháp phi thị trường khác để điều chỉnh hành vi tiêu dùng năng lượng, như các chương trình dán nhãn năng lượng, phát triển thiết bị thông minh, kiểm toán năng lượng, truyền thông về hiệu quả năng lượng …
Ở đầu kia của việc sản xuất năng lượng, chính phủ cần nhanh chóng loại bỏ các trợ cấp bất đối xứng để thiết lập thế cạnh tranh công bằng cho các nguồn năng lượng, chẳng hạn giữa năng lượng tái tạo và năng lượng hóa thạch. Hơn thế nữa, hiện toàn bộ quy trình sản xuất, phân phối, bán lẻ trong ngành điện đều không có đủ thông tin công khai về chi phí. “Do vậy, một trong những ưu tiên hàng đầu là phải thiết lập được cơ chế minh bạch chi phí của nhà sản xuất để người tiêu dùng hiểu và có thể chấp nhận thay đổi giá trong tương lai”, TS. Phú chia sẻ.