Vaccine của Pfizer/BioNTech đã được nước Anh phê chuẩn sử dụng, đều vượt qua thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng thật sự của nó và các loại vaccine khác khi được triển khai diện rộng.
Vaccine có ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2?
Vaccine cho thấy hiệu quả trong việc phòng chống virus với người được tiêm, nhưng chưa vaccine nào chứng minh khả năng ngăn ngừa lây nhiễm, hoặc ít nhất là làm giảm sự lây lan của virus trong cộng đồng. Điều này nghĩa là những người được tiêm chủng vẫn nhiễm virus nhưng không có biểu hiện bệnh, từ đó lây sang những người khác dễ bị tổn thương hơn. Nhà virus học Stephen Griffin từ Đại học Leeds lo ngại: “trong trường hợp xấu nhất, những người xung quanh bạn đều có vẻ ổn, nhưng virus vẫn bị phát tán khắp nơi.”
Cả Pfizer và AstraZeneca/Oxford đều đang đánh giá khả năng ngăn ngừa lây nhiễm của vaccine bằng cách thường xuyên xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với những người được tiêm vaccine, nhưng vẫn chưa có kết quả đầy đủ nào được công bố.
Hiệu quả miễn dịch của vaccine kéo dài bao lâu?
Vì thời gian quá gấp rút nên hiện tại chưa thể xác định miễn dịch đối với SARS-CoV-2 sau tiêm vaccine sẽ kéo dài bao lâu mà cần sự theo dõi chặt chẽ trong nhiều tháng và nhiều năm tới.
Có những dấu hiệu cho thấy “trí nhớ miễn dịch” đặc hiệu với virus sẽ mau chóng hoạt động trở lại nếu tái nhiễm, và vaccine cũng lợi dụng cơ chế này để kích thích phản ứng mạnh mẽ của hệ miễn dịch nếu cơ thể tiếp xúc với virus.
Do đó, điều mấu chốt ở đây là các cơ quan y tế công cộng phải theo dõi khả năng miễn dịch, biết được khi nào nó bắt đầu suy giảm. Tức là người đã được chủng ngừa không chỉ được đánh giá có bị nhiễm bệnh hay không, mà còn phải được theo dõi nồng độ kháng thể và tế bào miễn dịch định kỳ. Tuy vậy, điều khó khăn là mức độ suy giảm khả năng miễn dịch của mỗi người không giống nhau, nên cần phải phân tích trên một dân số lớn mới có thể đưa ra kết quả rõ ràng.
Vaccine có hiệu quả với trẻ em và người già?
Đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy 3 loại vaccine hàng đầu kể trên có tác dụng bảo vệ người trên 65 tuổi. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn cần đánh giá trên số lượng lớn người được tiêm chủng để chắc chắn không có nhóm nào không đạt hiệu quả bảo vệ. Ngoài ra chưa có dữ liệu về hiệu quả của vaccine trên trẻ em và phụ nữ có thai. Những thử nghiệm trên hai đối tượng này thường rất thận trọng.
Loại vaccine nào tối ưu hơn?
Cả ba loại vaccine hàng đầu đều đạt được hiệu quả trên 50% và đều an toàn, dựa trên các dữ liệu hiện tại. Nhưng vẫn có sự khác biệt giữa ba loại vaccine này.
Vaccine của Pfizer và Moderna dựa trên RNA được bọc bởi hạt lipid, khi vào bên trong tế bào, RNA làm khuôn mẫu để tổng hợp một loại protein của virus, từ đó kích thích hệ miễn dịch. Vaccine của AstraZeneca lại sử dụng một virus vô hại không phải coronavirus để mang DNA cần thiết vào bên trong tế bào. Mỗi cách sẽ tạo ra sự khác biệt nhỏ trong phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Dữ liệu ban đầu cho thấy công nghệ RNA có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa biểu hiện bệnh. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cần đánh giá cách tiếp cận nào đem lại hiệu quả tốt hơn trên một nhóm dân cư cụ thể, hoặc cách nào hạn chế lây lan tốt nhất.
Mặt khác, các vaccine cũng có sự khác biệt về điều kiện bảo quản và vận chuyển. Vaccine của Pfizer rất khó bảo quản vì cần nhiệt độ cực thấp (-70°C). Hai loại kia không cần điều kiện bảo quản khắt khe như thế, trong đó sản phẩm của AstraZeneca có thể được bảo quản với chi phí rẻ và dễ dàng nhất.
Virus có thể tiến hóa để tránh được miễn dịch của vaccine không?
Một số virus như virus cúm vốn nổi tiếng với khả năng đột biến và biến đổi bộ gene của chúng. Tuy vậy, bộ gene của SARS-CoV-2 đến nay vẫn tương đối ổn định. Các vaccine hiện nay hầu hết đều nhắm đến các vị trí khác nhau trên protein gai, là loại protein thiết yếu cho virus xâm nhiễm vào tế bào. Vì vậy các nhà nghiên cứu vẫn yên tâm rằng virus sẽ không thể tiến hóa để trốn tránh miễn dịch.
Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng hàng loạt sắp đến sẽ lại tạo ra áp lực thích nghi rất lớn đối với SARS-CoV-2, chúng có thể lọc ra bất cứ dòng nào thoát được hệ miễn dịch để phát triển tiếp. “Chúng ta chưa từng chứng kiến áp lực chọn lọc như thế đối với một loại virus, nên cũng không biết nó sẽ tiến hóa như thế nào”, Griffin cho biết.
Theo dõi tính an toàn lâu dài như thế nào?
Vaccine Pfizer được tiêm 2 liều cách nhau 3 tuần. Trong 1 tuần sau mỗi liều, người tham gia thử nghiệm cần tự theo dõi vào báo cáo tình trạng sức khỏe thông qua nhật ký điện tử hoặc ứng dụng di động. Họ cũng cung cấp mẫu máu ở thời điểm 1 ngày và 1 tuần sau mỗi liều vaccine để các nhà nghiên cứu xét nghiệm tìm bất cứ chỉ dấu nguy hiểm nào.
Các thử nghiệm của Pfizer cho thấy một số người bị đau tại vị trí tiêm, sốt, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ – mặc dù triệu chứng chỉ kéo dài vài ngày và thường không nghiêm trọng. Cơ quan y tế của Anh đảm bảo sự an toàn của vaccine mới dựa trên kết quả đánh giá hàng trăm người tình nguyện trong ít nhất hai tháng được tiêm liều thứ hai và hiếm khi có biến chứng nghiêm trọng sau thời điểm này. Tuy nhiên, dù vaccine được phê chuẩn theo quy trình khẩn cấp hay đầy đủ, các bác sĩ lâm sàng đều phải theo dõi rất chặt chẽ và báo cáo nếu có bất kỳ phản ứng phụ nào. Cần một hệ thống giám sát chặt chẽ. Những phản ứng phụ hiếm gặp có thể rất quan trọng.
Nguồn: Nature 588. doi: https://doi.org/10.1038/d41586-020-03441-8