Singapore đang cần thu hút nhiều hơn nữa tài năng công nghệ quốc tế cho các kế hoạch tương lai của mình. Vì vậy, chính sách mới về visa việc làm sẽ được áp dụng từ tháng 1/2021 được kỳ vọng sẽ tạo ra sức hấp dẫn mới với những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết vào cuối tháng 11/2020.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mong muốn khuyến khích người dân Singapore quan tâm đến công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để có thể tạo ra nhiều cách cải thiện cuộc sống bằng công nghệ. Nguồn: govinsider.asia/
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mong muốn khuyến khích người dân Singapore quan tâm đến công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin để có thể tạo ra nhiều cách cải thiện cuộc sống bằng công nghệ. Nguồn: govinsider.asia/

Trải thảm đỏ đón nhân tài công nghệ

Không giống như visa lao động dạng Employment Pass nhằm thu hẹp đối tượng thụ hưởng, chính sách visa mới là visa công nghệ (Techpass) sẽ mang tính cá nhân với người được trao” để đem lại cho họ sự thoải mái trong hoạt động, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết thêm. Theo cách đó thì chính phủ Singapore sẽ mở khoảng 500 visa đặc biệt này từ tháng 1/2021.

Bên cạnh việc phát triển hệ sinh thái công nghệ và nền công nghệ số, Singapore còn xây dựng các năng lực kỹ thuật công nghệ thông tin của riêng mình thông qua việc điều phối của Cơ quan Công nghệ của chính phủ (GovTech). “Rất nhiều công ty công nghệ quốc tế lớn đều đặt trụ sở tại đây và họ đang triển khai nhiều hoạt động kỹ thuật công nghệ, không chỉ mỗi bán hàng và makerting”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói, ngụ ý đến những ông lớn công nghệ như Google, Facebook và Amazon. Chính sự hiện diện này của các công ty cũng góp phần tạo dựng nên một cụm công nghiệp phát triển sôi động và đem lại nhiều việc làm cho người Singapore; đồng thời các công ty mang đến đây tài năng nước ngoài, bao gồm các chuyên gia có kinh nghiệm ở mức trung bình đến cấp cao, vốn còn thiếu ở Singapore.

Tuy nhiên ông cũng lường trước được những vấn đề xã hội tăng lên khi “có một số lượng lớn chuyên gia nước ngoài” làm việc trong một ngành công nghiệp đến Singapore, ví dụ như những người Singapore làm công nghệ có thể cảm thấy bị rơi vào tình thế cạnh tranh hơn. Nhiều căng thẳng xã hội có xu hướng dấy lên khi suy sụp kinh tế nếu nhiều người lo ngại bị mất việc. “Để giải quyết vấn đề này cần phải có sự tham gia của các bên, kể cả những người không phải công dân Singapore. Về phần mình, những người dân Singapore cũng cần hiểu được giá trị của những việc làm mới và nhiều việc hơn sẽ được tạo ra ở Singapore,” ông giải thích.

Hơn nữa, họ cũng nên thấy được các công ty công nghệ với kinh nghiệm và kỹ năng sẽ xây dựng nên ngành công nghiệp và năng lực công nghệ thông tin. “Vì vậy họ có thể học hỏi nhiều từ họ, cập nhật kiến thức và cuối cùng cùng chính phủ tạo ra nguồn nhân lực tài năng. Đây là cách chính sách đi vào cuộc sống và cách chúng tôi vận hành công việc ở Singapore”, ông cho biết thêm.


Gần đây Temasek Holdings (một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của chính phủ Singapore và thuộc 100% sở hữu của Bộ Tài chính Singapore) đã có các buổi thảo luận về những đầu tư trực tiếp đầu tiên vào các khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế và giáo dục ở Đông Nam Á. Đây là hành động “đón lõng” hai lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế số và sẽ có bước nhảy vọt tăng lên gấp ba với doanh thu hơn 300 tỉ USD vào năm 2025 ở Đông Nam Á, theo dự đoán của Google và Bain and Co.

Phó giáo sư Lawrence Loh, trường Quản trị kinh doanh, ĐH Quốc gia Singapore


Công nghệ đóng vai trò trung tâm trong điều hành đất nước

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Singapore lưu ý mọi người dân Singapore nhớ đến vai trò của công nghệ trong phản hồi đại dịch Covid-19.

Tình trạng ở Singapore hiện nay đã “ổn định với khả năng “phòng vệ tốt” với các hoạt động xét nghiệm, truy dấu nguồn gốc và đảm bảo giữ khoảng cách an toàn. Những điều này giúp cho Singapore có thể nối lại dần dần các hoạt động kinh tế xã hội, bao gồm cả du lịch nước ngoài. Hiện Singapore cũng đang chờ việc xác nhận một loại vaccine an toàn và hiệu quả để có thể trở lại các hoạt động một cách đầy đủ như trước. Góp phần lớn vào tình trạng hiện nay của Singapore là công nghệ, thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh. Ví dụ, khoa học y sinh đóng vai trò lớn trong việc phân tích hệ gene của coronavirus mới, giúp hiểu hơn các xu hướng và mẫu hình bệnh tật cũng như phát triển các phương thức xét nghiệm và điều trị.

Thông tin công nghệ cũng đóng vai trò cốt lõi theo nhiều cách, bao gồm việc dò theo các biểu hiện, địa điểm có số lượng các ca nhiễm lớn, việc thu thập và phân tích dữ liệu Covid-19 ở các điểm nóng, các mẫu hình và xu hướng cũng như đảm bảo sự thích nghi với việc thông báo giãn cách xã hội.

Khi truy dấu tiếp xúc, công nghệ có khả năng phát triển rất nhiều giải pháp như công cụ dựa trên chuẩn công nghệ truyền thông không dây (bluetooth) TraceTogether, hệ thống ghi danh quốc gia SafeEntry và các cơ sở dữ liệu như VISION, vốn liên kết với những cơ sở dữ liệu hiện có để tăng tốc việc truy dấu tiếp xúc và những mức độ cách ly một cách hợp lý. Nó tương phản với cách truy dấu “kiểu thủ công và mất nhiều công sức” vào năm 2003 khi dịch SARS bùng phát, ông Lý Hiển Long so sánh.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý phản hồi của Singapore “vẫn chưa hoàn hảo” và còn rất nhiều “điểm mù” cần được phát hiện để hoàn thiện nó. Ví dụ, không phải tất cả các hệ thống IT của chính phủ sử dụng công nghệ mới như các giao diện lập trình ứng dụng hoặc hệ thống điện toán đám mây, và sự phối hợp với nhau chưa được liền mạch. Trong bối cảnh cấp bách của đại dịch, ông cho rằng “chúng ta đã học hỏi và nhận thức được tầm quan trọng của sự kết hợp việc điều phối của chính phủ với công nghệ. Điều đó có nghĩa là ngay từ lúc khởi đầu thì việc điều hành phải ăn khớp với những yêu cầu công nghệ và những người làm công nghệ phải kết hợp chặt chẽ với những nhà quản lý để hiểu về các điều kiện vận hành và có khả năng đạt được các yêu cầu trong quản lý”.

Ngoài phản hồi Covid-19, công nghệ còn có chức năng điều khiển rất nhiều các hoạt động của chính phủ, từ y tế đến chính sách nhà ở, và “không có công nghệ, anh có thể bị mắc kẹt”, thủ tướng Lý Hiển Long dẫn chứng.

Các quan chức chính phủ Singapore cũng cần phải hiểu công nghệ “đóng vai trò trung tâm trong điều hành đất nước và thực hiện các chính sách quản trị công”. Do đó, Singapore cần nhiều hiểu biết hơn và đánh giá tốt hơn về công nghệ, thậm chí phải có đủ các nhà quản lý trong lĩnh vực dịch vụ công, những người có khả năng dẫn dắt về mặt công nghệ với những dự án công nghệ phức tạp liên quan đến các khía cạnh chính trị và xã hội, ông Lý Hiển Long cho biết thêm.