Theo sau các nước Đông Nam Á khác, Philippines đang tiến bước gần hơn tới việc thành lập chương trình không gian riêng của quốc gia này.
Vào giữa tháng 2 năm nay, Thượng viện Philippines đã phê chuẩn dự thảo lần 2 của Dự luật Thượng viện (SB) số 1983 về “Đạo luật kiến thiết Chính sách Sử dụng và Phát triển Không gian của Philippines và thành lập Cơ quan Vũ trụ Philippines và các mục đích khác”, hay còn gọi là Đạo luật Vũ trụ Philippines. Dự luật được trình bởi Chủ tịch Thượng viện Vicente C. Sotto III, Thượng nghị sĩ Paolo Benigno Aquino IV và Thượng nghị sĩ Loren Legarda tìm cách cung cấp một khuôn khổ cho sự phát triển của công nghệ và ứng dụng không gian trong nước với mục tiêu trở thành một quốc gia không gian xa xôi trong thập kỷ.
Nếu được ban hành, SB 1983 sẽ cho phép thành lập Cơ quan Vũ trụ Philippines (PhilSA) với nhiệm vụ xử lý tất cả các vấn đề và hoạt động của quốc gia về các ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ. PhilSA sẽ phát triển chương trình không gian của đất nước dựa theo nội dung Chính sách sử dụng và phát triển không gian của Philippines, tập trung vào sáu lĩnh vực chính: An ninh và phát triển quốc gia; Quản lý thảm họa và Nghiên cứu khí hậu; Nghiên cứu và phát triển không gian; Xây dựng năng lực công nghiệp vũ trụ; Giáo dục nhận thức về không gian; và Hợp tác quốc tế.
Vươn tới các vì sao
Sự phát triển công nghệ vũ trụ ở nước này bắt nguồn từ những năm 1960, dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos khi chính phủ xây dựng một trạm tiếp sóng vệ tinh. Năm 1996, Công ty vệ tinh Mabuhay Philippines (MPSC), một công ty con thành lập bởi tập đoàn viễn thông khổng lồ Công ty Điện thoại Đường dài Philippines (PLDT), đã mua lại vệ tinh Palapa B2-P của Indonesia từ nhà điều hành PT Pasifik Satelit Nusantara.
Sau này đổi tên thành Mabuhay (“Chào mừng” trong tiếng Tagalog) rồi Agila-1 (“Đại bàng-1”), đây là vệ tinh đầu tiên của Philippines bay trên quỹ đạo, cùng thời điểm khi quốc gia đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC 1996. Đến năm 1997, Agila-2 của MPSC trở thành vệ tinh đầu tiên do Philippines sở hữu được phóng lên vũ trụ. Cả Agila-1 và Agila-2 đều là các vệ tinh viễn thông phủ sóng ở châu Á-Thái Bình Dương, giúp kết nối mạng lưới viễn thông Philippines với phần còn lại của khu vực.
Những bước tiến mới
Bước phát triển lớn tiếp theo của ngành công nghệ vũ trụ Philippines đạt được trong năm 2014, khi Bộ Khoa học và Công nghệ bắt đầu Chương trình Phát triển Kính hiển vi quan sát Trái đất Khoa học Philippines (PHL-microsat) hợp tác với trường Đại học Philippines (UP) tại Diliman và Đại học Hokkaido và Đại học Tohoku – Nhật Bản. Vào năm 2016, PHL-microsat ra mắt Diwata-1, vệ tinh đầu tiên được thiết kế và sản xuất hoàn toàn bởi một nhóm các nhà khoa học và kỹ sư người Philippines. Để bổ sung cho hoạt động của vệ tinh, Trung tâm Quan sát Tài nguyên Dữ liệu Trái đất (PEDRO) đã lắp đặt ăng-ten theo dõi vệ tinh đầu tiên ở Philippines. Điều này cho phép trạm thu sóng mặt đất trực tiếp tiếp nhận dữ liệu hình ảnh và phát lên các lệnh như chụp và tải xuống hình ảnh từ Diwata-1.
Diwata-2, vệ tinh thứ hai của chương trình, đã được phóng một năm sau đó. Cả hai vệ tinh nhỏ đều được lắp đặt các thiết bị cho phép chụp các loại hình ảnh khác nhau của bề mặt Trái đất để thực hiện nghiên cứu đánh giá môi trường.
Trong năm ngoái, Maya-1, một vệ tinh nhân tạo nhỏ nặng 1 kg, đã được phóng thành công vào quỹ đạo. Được phát triển bởi hai sinh viên Philippines tốt nghiệp ngành kỹ thuật vũ trụ là Adrian Salces và Joven Javier, Maya-1 là một phần của giai đoạn 2 Dự án vệ tinh đa quốc gia chung (BIRDS-2) của Học viện Công nghệ Kyushu (KyuTech)**. Đây là một dự án vệ tinh có sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ nhiều nước, và nhiều lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt hướng tới hỗ trợ các quốc gia chưa có hoạt động không gian trong việc xây dựng các vệ tinh nhân tạo của riêng mình. Hiện tại Philippines, Malaysia và Bhutan là các nước đã tham gia vào dự án. Dù việc xây dựng vệ tinh của mỗi nước được thực hiện độc lập, nhưng quyền kiểm soát và vận hành “chùm vệ tinh” ba nước khi đi vào vận hành cũng sẽ được chia sẻ với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Maya-1 được trang bị hệ thống thu thập dữ liệu từ xa cho phép nó gửi và nhận dữ liệu đến và đi từ các vệ tinh chị em và các trạm thu sóng mặt đất khác nhau.
PHL-microsat, hiện được đổi tên là Chương trình Làm chủ, Đổi mới và Tiến bộ Công nghệ Vũ trụ (STAMINA4Space) cũng đang hy vọng Maya-1 sẽ đóng vai trò là nền tảng để Philippines tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn về công nghệ. STAMINA4Space hiện đặt mục tiêu xây dựng năng lực quốc gia dành cho công nghệ vệ tinh nhỏ và Bí quyết công nghệ (know-how). Mục tiêu này sẽ đạt được bằng việc tổ chức chương trình giảng dạy về khoa học và công nghệ vũ trụ, thông qua dự án Đối tác Đại học (STeP-UP).
Gần đây nhất thì STeP-UP đã hợp tác với Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử của Đại học Philippines để giới thiệu một chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Điện mới đặc biệt hướng đến năng lực phát triển vệ tinh.
Bắt đà phát triển
Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của Philippines trong xây dựng cơ quan vũ trụ quốc gia. Hồi năm 2012, một dự luật đã được đệ trình tại Hạ viện (Dự luật 6725) với nội dung gần tương tự như dự luật mới. Tuy nhiên, nó không đạt được lực đẩy cần thiết để được thông qua thành luật – khi lúc đó các nghị viên muốn ưu tiên hơn cho chính sách xóa đói giảm nghèo hơn là chương trình phát triển công nghệ vũ trụ đắt tiền. Nhưng từ sau thảm họa bão Haiyan năm 2013, quan điểm dư luận đã thay đổi và giờ đây nhu cầu phải có giải pháp quản lý và nhận thức rủi ro thiên tai tốt hơn lại được nhấn mạnh.
Dự luật SB 1983 hiện đã được phê duyệt tại 2 trong 3 lần đọc tại Thượng viện, sẽ được đọc lại lần thứ 3 vào tháng 5 tới. Nếu dự luật hay phiên bản tương tự của Hạ viện (Dự luật 8541) đều được phê duyệt mà không cần sửa đổi, kết quả cuối cùng sẽ được gửi đến Văn phòng Tổng thống Rodrigo Duterte để được ký thành luật, hoặc bị phủ quyết. Nếu nó được chấp thuận, Philippines sẽ gia nhập các đối tác ASEAN tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Việt Nam trở thành các nước có chương trình vũ trụ quốc gia.
Chú thích:
** Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) cũng có chương trình hợp tác với Kyutech và JAXA trong nắm bắt và làm chủ công nghệ vệ tinh. Hôm 17/1, VNSC đã phối hợp với phía Nhật Bản phóng thành công vệ tinh quan sát đại dương Microdragon, theo sau vệ tinh nhỏ Picodragon năm 2013. Tiếp nối vệ tinh này, một vệ tinh khác là Nanodragon cũng đang được các kỹ sư VNSC phát triển.
Romeo Ben Manangu (từ Philippines)