Năm năm sau khi vấn đề Crimea làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác khoa học Nga – EU thì nay ngoại giao khoa học đã bắc cầu kết nối trở lại. Nghị viện châu Âu sẽ quay lại thực hiện một thỏa thuận hợp tác khoa học mới kéo dài 5 năm với Nga, một “điểm tích cực trong một đại dương đầy rẫy những tiêu cực”.
Vào tuần qua, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu để phục hồi hợp tác KH&CN với Nga bởi mối hợp tác Nga – EU trong mấy năm gần đây đã “thấp hơn tiềm năng của nó”, theo nội dung của bản thỏa thuận. Tuy nhiên, theo giải thích của EU thì một phần ảnh hưởng đến mối quan hệ Nga – EU là do thay đổi trong các quy tắc tài trợ cho khoa học của EU.
Do bối cảnh chính trị như sau khi quân đội Nga tiến vào Crimea năm 2014, EU đã phản hồi bằng các lệnh trừng phạt kinh tế, bao gồm việc cấm xuất khẩu sang Nga công nghệ lưỡng dụng và nhạy cảm.
Thúc đẩy ngoại giao khoa học
Mối hợp tác chính thức trong khoa học đầu tiên giữa EU và Nga được ký kết vào năm 2000. Kể từ đó, thỏa thuận này được tiếp tục vào các năm 2004, 2009 và năm 2014, bất chấp ảnh hưởng của tình hình chính trị ngày một xấu đi.
Mối hợp tác trong khoa học vẫn luôn là “một trong vài điểm tích cực trong một đại dương đầy rẫy những tiêu cực”, một quan chức EU nhận xét. Ví dụ các quan chức EU rất lạc quan về những nỗ lực của Nga trong một vài năm trở lại đây trong việc cải thiện các điều kiện nhập cảnh cho các nhà nghiên cứu nước ngoài.
Người ta có thể thấy các nhà khoa học Nga có mặt ở tất cả các trung tâm nghiên cứu chính của EU, bao gồm Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) ở Thụy Sĩ, Trung tâm Bức xạ Synchrotron châu Âu ở Pháp và Trung tâm laser electron tự do tia X châu Âu (European XFEL) ở Đức. Nga cũng là đồng tài trợ công trình Lò phản ứng thực nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER) ở Pháp và Cơ sở nghiên cứu phản proton và Ion (FAIR) ở Đức. Trả lời phỏng vấn trên Sputnik năm 2017, ông Mikhail Kovalchuk, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân quốc gia Kurchatov cho biết, việc tham gia đóng góp về tài chính của Nga cho ba dự án này vào khoảng 2 tỷ euro (tương đương 2,3 tỷ USD): “Về tổng thể, đóng góp của Nga vào các dự án khoa học lớn của châu Âu hiện giờ là 2 tỷ euro, chỉ tính riêng hai dự án lớn ở Đức là XFEL và FAIRthì chúng tôi đã đầu tư hơn nửa tỷ euro”.
Khoa học “chữa lành” vết thương chính trị
Bất chấp suy nghĩ là ở Nga, khoa học bị ảnh hưởng dưới “triều đại” Putin, đất nước này vẫn được xếp giữa Italy và Anh về đầu tư cho khoa học, vẫn chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc trong danh sách những đối tác quốc tế tích cực nhất của châu Âu. Chính phủ Putin rút cục cũng đã gia tăng đầu tư cho khoa học so với thời điểm cách đây một thập kỷ, nâng lên mức khoảng 1% GDP hằng năm.
Các nhà khoa học Nga cũng nhận được 81 khoản đầu tư cho nghiên cứu thuộc chương trình đầu tư cho khoa học hiện nay của EU - Horizon 2020, và theo quy định của chương trình thì Chính phủ Nga cũng phải bỏ thêm 16 triệu euro vốn đối ứng.
Dẫu sao, việc tham gia vào các dự án khoa học ở EU của Nga hiện nay vẫn thấp hơn so với thời kỳ 2007-2014. Các lệnh trừng phạt của EU và lo ngại về việc hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ nhạy cảm ”có thể dẫn đến việc một vài nhà nghiên cứu cho rằng các đối tác Nga trong những dự án thuộc chương trình Horizon 2020 không được chào đón”, một thành viên của ủy ban khoa học châu Âu nói.
Việc nối lại hợp tác với Nga sẽ góp phần “chữa lành” những thiệt hại khoa học do chính trị gây ra. EU sẽ đặt thêm nhiều kinh phí tài trợ để gia tăng hợp tác ở các vấn đề thuộc mối quan tâm chung của hai bên trong những năm còn lại của Horizon 2020, ví dụ EU và Bộ Khoa học và giáo dục đại học Nga sẽ lập lại một chuỗi dự án hợp tác về các bệnh truyền nhiễm và hàng không vũ trụ.
(Theo Sciencebusiness, Sputniknews)