Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua; Việt Nam tăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo; ban hành cơ chế đặc thù với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc... những thông tin nổi bật được nêu tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Buổi họp báo được tổ chức sáng 7/7 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN)
Phạm Công Tạc, với sự tham dự của một số đơn vị chức năng của bộ và đông đảo đại diện các cơ quan báo chí.
Chỉ số PAR Index tăng 14 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc
Chia sẻ thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã dẫn nhiều sự kiện nổi bật liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN.
Theo đó, trong quý II/2017, Chính phủ sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017 và công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2016). Theo đó, năm 2016, chỉ số này của Bộ KH&CN tăng 14 bậc so với năm 2015, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng các bộ, cơ quan ngang bộ (xếp sau Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính).
Để có được sự ghi nhận này, trong năm 2016, trên cơ sở triển khai các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ về cải cách thủ tục hành chính, Bộ KH&CN đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các nội dung đảm bảo yêu cầu, tiến độ theo kế hoạch, xác định đầy đủ nhiệm vụ CCHC trên các lĩnh vực. Lãnh đạo bộ thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện phân công CCHC của bộ. Các đơn vị thuộc bộ đều quan tâm và coi công tác kiểm soát thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai. Với tinh thần coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo - nhà nước, Chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học tập trung kết nối tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động để đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, ngành KH&CN đã chuyển động theo hướng quản lý tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, về thể chế, hiện Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa cơ bản đã đáp ứng được thông lệ quốc tế. Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) vừa được Quốc hội ban hành sẽ là hành lang pháp lý để các doanh nghiệp, hiệp hội có thể tiếp nhận, chuyển giao kết quả nghiên cứu công nghệ trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Một sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng trí thức và doanh nghiệp thời gian qua là Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2017 (Global Innovation Index 2017 - GII 2017) của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế.
Lý giải về sự tăng hạng này, ông Bùi Thế Duy - Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, Người phát ngôn Bộ KH&CN - cho rằng đây là kết quả của cả quá trình, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành trong việc triển khai Nghị quyết số 19/NQ - CP. Cụ thể, các bộ, ngành và địa phương thực sự nỗ lực trong cải thiện chất lượng của môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh,môi trường tín dụng, hạ tầng, đặc biệt là mảng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến và chính phủ điện tử...
Nói về dấu ấn của KH&CN đối với sự tăng hạng này, ông Duy khẳng định, từ nhiều năm trước, hoạt động của ngành KH&CN đã được triển khai ở các bộ, ngành và địa phương. Hiệu quả từ việc đầu tư các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ dần được chứng minh trong thực tiễn, thông qua các sản phẩm của doanh nghiệp. Việc năng suất lao động tăng cũng phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ đổi mới công nghệ.
Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 93,28%.Luật được kỳ vọng sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thu hút công nghệ, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, ngày 20/06/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 74/2017/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Được thành lập gần 20 năm qua, việc ban hành cơ chế đặc thù sẽmở ra những cơ hội đầu tư mới tại đây.
Theo đó, Nghị định cho phép dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đầu tư và thuế. Những dự án đầu tư mới có quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 30 năm.
Ban Quản lý được áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của mình, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn khác trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, lao động và các lĩnh vực khác. UBND thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao.
Chia sẻ về những hoạt động dự kiến trong quý III/2017, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN; tổ chức các hoạt động, sự kiện theo kế hoạch như: Hội thảo khoa học thuộc chuỗi sự kiện Gặp gỡ Việt Nam 2017, hội thảo về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Định; hội trại khoa học Odyssey ASEAN+3 cho thiếu niên lần thứ 6 tại Hà Nộ; lễ kỷ niệm ngày thành lập Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội; hội nghị của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn trong khuôn khổ APEC/SOM3 tại TPHCM; kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam- Israel...
Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh các vấn đề thanh tra chuyên ngành; kế hoạch triển khai dự án xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân tại Việt Nam; hỗ trợ hoạt động bảo hộ sáng chế không chuyên; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN... đã được Thứ trưởng Phạm Công Tạc và đại diện các đơn vị chức năng giải đáp thỏa đáng.
Một số văn bản đã được Bộ KH&CN hoàn thiện và ban hành: Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 về nhãn hàng hóa. Nghị định 74/2017/NĐ-CP ngày 20/06/2017 quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Quyết định 553/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030. Quyết định 562/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 phê duyệt Chương trình Phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định 677/QĐ-TTg ngày18/5/2017 phê duyệt Đề án Xây dựng hệ tri thức Việt số hóa... Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Quyết định 925/QĐ-BKHCN ngày 26/4/2017 về việc ban hành quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ KH&CN. Thông tư 06/2017/TT-BKHCN ngày 25/5/2017 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo cho trạm quan trắc nước tự động, liên tục. Thông tư 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 27/2012 ngày 12/12/2012 quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN… |