Sáng 4/1, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị trực tuyến ngành với chủ đề “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”. Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Tại đầu cầu Hà Nội, hội nghị còn có sự tham dự của ông Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Mai Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ôngTrần Tuấn Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế; Thượng tướng Bế Xuân Trường - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam, ông Châu Văn Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam... cùng đại diện nhiều bộ, ban, ngành khác.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng chủ trì hội nghị. Ảnh: Loan Lê.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng chủ trì hội nghị. Ảnh: Loan Lê.

Về phía Bộ KH&CN có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh; lãnh đạo và cán bộ chủ chốt thuộc bộ. Ngoài ra, tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số ban của Đảng,ủy ban của Quốc hội; đại diện các cơ quan quản lý KH&CN (viện, trường, trung tâm) và doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Loan Lê.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến. Ảnh: Loan Lê.

Đầu cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện lãnh đạo UBND, các sở, ban, ngành, đại diện các tổ chức KH&CN tại địa phương.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Loan Lê.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Loan Lê.

Ngay sau phần khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã trình bày báo cáo tổng kết công tác KH&CN trong năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Theo đó, 2016 là năm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm đầu của nhiệm kỳ 2016-2020, có vai trò định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động với mục tiêu tiếp tục tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Loan Lê.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Loan Lê.

Trong bối cảnh đó, ngành KH&CN đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung, các chương trình hành động thực hiện các nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp của ngành để đưa KH&CN trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải cách thủ tục hành chính và triển khai chính phủ điện tử, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

"Ngành KH&CN đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện tượng hải sản chết bất thường xảy ra tại 04 tỉnh miền Trung" - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.


Audio toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh

Sau phần báo cáo tổng quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị đại diện các bộ, ngành, địa phương phát biểu ý kiến một cách tập trung, thẳng thắn nêu những điểm còn khó khăn để cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ, để KH&CN thực sự trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó Thủ tướng mong muốn các ý kiến tập trung vào vấn đề tỷ lệ giữa nghiên cứu và ứng dụng đã phù hợp hay chưa, hội đồng xét tuyển đề tài có vấn đề gì cần lưu ý, cơ chế xin - cho đã rành mạch chưa, khó khăn, vướng mắc đang nằm ở khu vực nào và cần có định hướng như thế nào để làm tốt hơn...

Khoa học và công nghệ thực sự là động lực của sự phát triển

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Quốc phòng… đã đánh giá cao các kết quả được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu trong báo cáo.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ KH&CN góp phần tích cực vào thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới cơ chế phát triển KH&CN, góp công sức rất lớn vào việc tìm ra nguyên nhân của sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Bộ KH&CN cũng đã “3 cùng” với Bộ NN&PTNT trong việc xây dựng các chương trình, đề tài ứng dụng KHCN vào nông nghiệp.

Ông Cường cũng đề xuất, thời gian tới đối với đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, ngành KH&CN nên tập trung vào những mũi nhọn, khu vực có dư địa phát triển với tác dụng lan tỏa nhanh, kết quả tức thì như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ… Nhất là, hướng vào các ngành hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Cũng đánh giá cao sự đóng góp của KH&CN, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn thực tế ngành y, KH&CN là động lực của ngành, góp quan trọng trong dự phòng và điều trị nhiều loại bệnh hiểm nghèo. Trong đó có việc tự chủ sản xuất nhiều loại vaccine tại Việt Nam, điển hình là vaccine Rotavirus, hiện chỉ 4 nước trên thế giới có thể sản xuất. Ngoài ra, các ứng dụng KHCN đã giúp chữa trị và tiến hành thành công việc ghép tạng, phát hiện và điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư…

Ở lĩnh vực an ninh quốc phòng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Bế Xuân Trường cũng dẫn nhiều kết quả minh chứng Việt Nam đã làm chủ nhiều công nghệ hiện đại.

Tại hội nghị nhiều ý kiến đại diện các địa phương cũng nêu bật các kết quả đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời đưa ra các kiến nghị để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.

Thủ tướng sẵn sàng lắng nghe nhà khoa học

Đánh giá cao những kết quả ngành KH&CN đã đạt được, đặc biệt là những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua có đóng góp quan trọng của KH&CN, Thủ tướng dẫn nhiều chỉ số để minh chứng. Cụ thể, xếp hạng về kinh tế của Việt Nam đứng trên 100 nhưng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đứng thứ 59. Trong đó, các nhóm chỉ tiêu đầu ra liên quan trực tiếp đến KH&CN xếp dưới 50. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn xếp thứ 56, chỉ số sẵn sàng công nghệ đứng thứ 92/140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

“Điều này không phải do các nhà khoa học gây ra mà do cơ chế của nhà nước” - Thủ tướng nói, đồng thời chỉ ra một tồn tại nữa là nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít. Do đó, đầu tư cho KH&CN cần bám sát hơn nhu cầu thực tiễn và thiết thực hơn, ưu tiên đầu tư các đề án, đề tài phục vụ thiết thực cho đất nước.

Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển KH&CN thành công thì phải có 6 yếu tố là: Thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của nhà nước cho KH&CN.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương. Thủ tướng dẫn ví dụ về trường hợp một nhà khoa học Việt kiều, mặc dù không am hiểu nông nghiệp, nhưng khi về quê ở Nam Bộ, thấy nước mặn lên xuống, bà con nông dân không biết, lấy nước mặn tưới cây ăn quả, bị thiệt hại nặng nên đã đặt hệ thống quan trắc tự động để phát hiện nước mặn. Từ đó ông khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng luôn lắng nghe và tiếp mọi cán bộ khoa học có năng lực, muốn đóng góp xây dựng Tổ quốc.

Trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới, kiến tạo lại nền hành chính để phát huy vai trò của KHCN, nhất là con người và thể chế. Tinh thần chung là khai phóng mọi nguồn nhân lực sáng tạo để đưa đất nước tiến lên vững vàng. Việc tháo gỡ thể chế nào kìm hãm sự phát triển của KHCN thì chính Bộ KH&CN phải đề xuất lên Trung ương Đảng, Chính phủ.

Thủ tướng cũng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập Việt Nam phải bảo đảm năng lực thực thi pháp luật trong việc bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, nếu không chúng ta khó có thể phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực. “Không có tập đoàn quốc tế nào muốn đặt trung tâm nghiên cứu và thiết kế ở Việt Nam nếu họ e ngại về quyền sở hữu trí tuệ”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu rà soát, đánh giá toàn bộ đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam để xây dựng quy hoạch chiến lược đào tạo và sử dụng tối ưu.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu KH&CN phải gắn với thị trường trên cơ sở hiểu thị trường đang cần gì, sẽ cần gì để đưa ra hướng đi phù hợp nhất. Chất lượng, giá trị đem lại của sản phẩm công nghệ phải thực sự do thị trường đánh giá, quyết định. Cân nhắc hình thành một chợ giao dịch về công nghệ để ở đó, nhu cầu công nghệ và sản phẩm công nghệ có thể giao thoa với nhau.

Phải tách hoạt động khoa học ra khỏi hoạt động hành chính, tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học. Nếu các nhà khoa học suốt ngày lo nghĩ thủ tục hành chính thì rơi rụng về am hiểu chuyên môn trong khi am hiểu về thủ tục hành chính lại tăng lên. “Hãy làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vất vả” - Thủ tướng nói.