Chiều 19/6, các đại biểu quốc hội đã biểu quyết chính thức thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với số phiếu tán thành 93,28%.

Luật Chuyển giao công nghệ vừa được thông qua gồm 6 chương, 60 điều với nhiều nội dung mới nhằm thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt ngăn chặn, hạn chế tối đa việc chuyển giaocông nghệ, thiết bị lạc hậu vào Việt Nam.

Báo cáo tại phiên họp, ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho biết, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã được ban soạn thảo sửa đổi căn bản những vấn đề hạn chế đã được các đại biểu quốc hội góp ý.

Ông Phan Xuân Dũng báo cáo giái trình những điểm tiếp thu, góp ý của Đại biểu Quốc hội
Ông Phan Xuân Dũng báo cáo giải trình những điểm tiếp thu, góp ý của đại biểu quốc hội.

Cụ thể, luật đã được bổ sung chính sách “thúc đẩy phong trào sáng tạo, đổi mới của tổ chức, cá nhân”; bổ sung các nội dung coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; bổ sung quy định “Nhà nước chú trọng hỗ trợ thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước. Luật có một mục gồm 6 điều quy định cụ thể việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khuyến khích tổ chức, cá nhân lao động sản xuất, sáng chế, sáng tạo như ý kiến của các đại biểu...

Đại biểu Quốc hội tán thành dự án Luật với tỉ lệ cao
Dự án luật được các đại biểu quốc hội biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao.

Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, luật đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như: Giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN sở hữu kết quả hoạt động KH&CN với tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở địa phương trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để phù hợp đặc thù của địa phương được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dành cho KH&CN.

Luật cũng bổ sung một số biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ như: Đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D; cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp; mở rộng nội dung chi của Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp; khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp.

Luật dành một điều thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, quy định phương thức, hình thức, loại hình chuyển giao công nghệ đặc thù trong nông nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này.

Việc Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Luật cũng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.