GII liên tục được hoàn thiện nhằm có bộ công cụ đo lường hệ thống đổi mới sáng tạo ở mức quốc gia hoặc nền kinh tế. Bộ công cụ đo này được cho là tốt hơn, phong phú và xác đáng hơn so với các thước đo ĐMST truyền thống, như có tiêu chí đánh giá về số bài báo nghiên cứu được công bố, số đăng ký bằng sáng chế hay chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Việt Nam tăng 12 bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Theo WIPO, ĐMST được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là ĐMST dựa trên R&D mà bao trùm cả ĐMST về tổ chức, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người dân... Cách tiếp cận này của WIPO thể hiện quan điểm, năng lực ĐMST của mỗi quốc gia có liên hệ mật thiết với trình độ phát triển, hiệu quả hoạt động của hệ thống ĐMST của quốc gia đó và sự kết nối với các quốc gia/nền kinh tế khác.
Với cách tiếp cận này, GII được tích hợp từ số đo (được quy chuẩn) của 7 trụ cột lớn (pillars). Mỗi trụ cột lớn được tích hợp từ số đo của 3 trụ cột nhỏ (sub-pillar). Mỗi trụ cột nhỏ lại bao gồm từ 2 đến 5 chỉ số (indicators), tổng thể có khoảng 70-80 chỉ số đơn lẻ, thay đổi tùy từng năm.
Có bốn chỉ số chính được tính toán, đo lường:
1. Chỉ số phụ về đầu vào ĐMST, gồm 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố trong nền kinh tế tạo điều kiện cho ĐMST: Thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, mức độ phát triển của thị trường, mức độ phát triển kinh doanh.
2. Chỉ số phụ đầu ra ĐMST (tức kết quả của các hoạt động ĐMST trong một nền kinh tế) gồm 2 trụ cột chính: Sản phẩm tri thức và công nghệ; sản phẩm sáng tạo.
3. Chỉ số ĐMST tổng hợp là trung bình cộng đơn giản của chỉ số đầu vào và chỉ số đầu ra.
4. Tỷ lệ hiệu quả ĐMST - tỷ lệ giữa chỉ số đầu ra trên chỉ số đầu vào - cho biết một quốc gia tạo ra bao nhiêu đầu ra ĐMST ứng với số đầu vào ĐMST.