Theo báo cáo này, Việt Nam xếp hạng 47/127 về GII - vượt 12 bậc so với năm 2016 và cao nhất từ trước đến nay.
Hướng tiếp cận quốc tế
Báo cáo GII-2017 ghi nhận, Việt Nam đã có tiến bộ ở hầu hết các cấu phần của GII. Chỉ số đầu vào đổi mới sáng tạo (ĐMST) xếp hạng 71, tăng 8 bậc so với năm 2016. Chỉ số đầu ra ĐMST xếp hạng 38, tăng 4 bậc. Đặc biệt, hiệu suất đầu vào/đầu ra ĐMST của Việt Nam xếp thứ 10 trong bảng xếp hạng toàn cầu, tăng 1 bậc. Về trụ cột đầu ra “tri thức và công nghệ”, Việt Nam xếp hạng 28 (so với hạng 39 của năm 2016).
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh, thành tựu này là kết quả sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương để cải tiến chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
"Có thể nói, bằng Nghị quyết số 19/NQ-CP, Việt Nam lần đầu tiên định vị được mục tiêu trong việc nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua 4 đánh giá xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín hàng đầu. Đó là chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia; môi trường đầu tư kinh doanh; ĐMST và chính phủ điện tử" - Bộ trưởng nói và cho biết, trong nhóm quốc gia có mức độ thu nhập trung bình, Việt Nam đã vượt lên chiếm vị trí số 1 so với vị trí số 3 của năm ngoái. Trong khu vực ASEAN, chúng ta đã vượt qua Thái Lan để vươn lên thứ ba sau Singapore và Malaysia.
Một cuộc thảo luận của nhóm nghiên cứu của Viện Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh
Bộ trưởng khẳng định, chúng ta đã đi đúng mạch, đi theo hướng tiếp cận quốc tế, không chỉ ở vị trí xếp hạng và chỉ đạo chung. Định hướng này cũng đang tiếp cận với thông lệ quốc tế trong cả môi trường đầu tư, ĐMST và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trước đó, Bộ KH&CN - đầu mối chủ trì theo dõi việc cải thiện chỉ số ĐMST - đã ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 19 và khẩn trương triển khai nhiều hoạt động liên quan tới chỉ số ĐMST. Mới đây, bộ đã phối hợp với WIPO tổ chức hội thảo hướng dẫn triển khai Nghị quyết 19, nơi các chuyên gia WIPO hướng dẫn phương pháp tính toán, ý nghĩa của các chỉ số ĐMST cho các bên có liên quan.
Đổi mới KH&CN để tăng hạng
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - cho biết, trong 28 chỉ số ĐMST mà Bộ KH&CN chủ trì, cục chịu trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến 8 chỉ số về trình độ phát triển kinh doanh, đầu ra công nghệ và tri thức, đầu ra sáng tạo...
Chỉ số “đầu ra công nghệ và tri thức” tăng 11 bậc là nhờ sự cải thiện các tiểu chỉ số liên quan đến “sáng tạo tri thức” (tăng 7 bậc từ 80 lên 73) và các chỉ số phụ như đăng ký sáng chế, số lượng công bố khoa học...” - ông Phí nói. Cho rằng việc Việt Nam đạt thứ hạng cao là kết quả của cả quá trình phát triển những năm qua với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ông Phí bày tỏ mong muốn các bộ, ngành nhận thức rõ về các chỉ số GII và đồng hành để Việt Nam tiếp tục tăng hạng.
“Nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện thể chế, tổ chức, cơ sở hạ tầng, đổi mới trong KH&CN, kể cả đầu tư, đào tạo nhân lực và nghiên cứu, hệ thống quản lý, tiếp cận kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế... thì thứ hạng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên” - ông Phí nói.