Sự ổn định về chính trị, kinh tế và môi trường pháp lý đã thay thế các yếu tố thu hút FDI truyền thống của các nước đang phát triển như chi phí nhân công và đầu vào giá rẻ.

Tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã công bố "Báo cáo năng lực cạnh tranh đầu tư toàn cầu 2019/2020", trong đó có kết quả khảo sát phỏng vấn hơn 2.400 giám đốc kinh doanh làm việc cho các tập đoàn tại 10 nước thu nhập trung bình (Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Nigeria, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Việt Nam) về những mối quan tâm của họ khi lựa chọn đầu tư ở nước ngoài.

Bốn yếu tố mà các tập đoàn đa quốc gia đánh giá là “quan trọng” khi chọn địa điểm đầu tư bao gồm: Ổn định chính trị (84,3%), ổn định kinh tế vĩ mô (84,7%), môi trường pháp lý (84,4%) và nhân lực tài năng/có kỹ năng (85%).
Mối quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia khi lựa chọn đầu tư | Nguồn: World Bank, 2020
Mối quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia khi lựa chọn đầu tư | Nguồn: World Bank, 2020

Thuế và ưu đãi thuế chiếm vị trí thứ 5, trong khi chi phí nhân công và đầu vào giá rẻ chỉ xếp thứ 11, còn khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên được đánh giá đứng thứ 14. Điều này ám chỉ rằng những biện pháp thu hút FDI truyền thống của những nước đang phát triển không còn là trọng tâm mà các tập đoàn đa quốc gia nhắm đến.

Tại Việt Nam, các tập đoàn đa quốc gia cho biết 3 rào cản họ thường gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là: quy trình phê duyệt đầu tư, yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa và các quy định ràng buộc với người lao động nước ngoài.

Bên cạnh đó, các tập đoàn còn phản ánh rằng đầu vào sản xuất và dịch vụ ở Việt Nam phải nhập khẩu nhiều hơn so với các quốc gia khác, từ Mexico, Malaysia đến Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc.

Dự tính của các tập đoàn đa quốc gia trong 3 năm tiếp theo | Nguồn: World Bank, 2020
Dự tính của các tập đoàn đa quốc gia trong 3 năm tiếp theo 2019-2022 | Nguồn: World Bank, 2020

Trong số 253 công ty đa quốc gia ở Việt Nam được khảo sát về kế hoạch trong 3 năm tới, 45% cho biết sẽ sẽ duy trì hoạt động, 46% có kế hoạch mở rộng kinh doanh, 1% sẽ thu hẹp hoạt động và 8% chưa biết. Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào nghĩ rằng mình sẽ rút chân khỏi Việt Nam.

Kết quả của Việt Nam có phần khả quan hơn Thái Lan và Malaysia, nhưng lại kém Indonesia, Ấn Độ và Nigeria, khi số lượng nhà đầu tư có ý định mở rộng ở đây đang ở mức cao. Tuy nhiên, do khảo sát được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 11/2019, trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu, nên triển vọng hiện tại có thể đã thay đổi ít nhiều.

Bên cạnh đó, 61% các tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam cho biết áp lực cạnh tranh lớn nhất đối với họ đến từ các công ty nước ngoài khác (bao gồm cả công ty hoạt động tại Việt Nam và ở nước ngoài). Chỉ có 24% cho rằng áp lực đến từ công ty trong nước và 5% đến từ hàng nhập khẩu.

Công ty đa quốc gia cho biết tình trạng thị phần của mình trong 3 năm qua và áp lực cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước | Nguồn: World Bank, 2020
Công ty đa quốc gia cho biết tình trạng thị phần của mình trong 3 năm qua và áp lực cạnh tranh với các đối thủ trong và ngoài nước | Nguồn: World Bank, 2020

Áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa ở Việt Nam ở mức thấp nhất trong số 10 quốc gia. Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Trung Quốc và Ấn Độ thừa nhận rằng họ phải cạnh tranh khá vất vả với các doanh nghiệp nội địa.

Xu hướng giảm dòng vốn FDI toàn cầu

Từ cuối năm 2016, dòng vốn FDI toàn cầu đã phải đối mặt với sự sụt giảm chưa từng có kể từ thời kỳ khủng hoảng tài chính cách đây hơn một thập kỷ.

Ở những nước có thu nhập cao, dòng vốn FDI đã giảm gần 60%. Ở các nước đang phát triển, mặc dù không giảm quá mạnh, nhưng so với tỷ lệ tổng sản phẩm quốc nội GDP, dòng vốn này cũng đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Giai đoạn giữa những năm 2000, FDI ở các nước đang phát triển đạt gần 4% GDP, đến năm 2017 và 2018, con số này đã giảm xuống còn khoảng 2%.

Mức bình quân lợi nhuận trên vốn FDI toàn cầu cũng giảm từ 8,0% năm 2010 xuống còn 6,8% năm 2018, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Việc thay đổi mô hình kinh doanh nhờ những tiến bộ công nghệ trong thời gian qua được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm cả quy mô và mức lợi nhuận của FDI.
Vốn FDI đến các quốc gia đang phát triển trong thập kỷ qua | Nguồn: World Bank, 2020
Vốn FDI đến các quốc gia đang phát triển trong thập kỷ qua | Nguồn: World Bank, 2020

Bên cạnh đó, một phân tích chính sách toàn cầu xuyên quốc gia cho thấy các biện pháp hạn chế và kiểm soát dòng vốn FDI đã lên đến mức cao nhất trong 20 năm qua và xu hướng này còn có thể tiếp tục tệ hơn.

Trong năm 2018, hơn 70% các biện pháp chính sách FDI mới ở các nước phát triển là nhằm để kiểm soát giới hạn FDI. Chẳng hạn, Mỹ và EU với quan điểm bảo hộ của mình đã tăng các quy định hạn chế về tiếp nhận FDI. Mặc dù đến nay, hầu hết các nước đang phát triển vẫn chủ yếu chống lại việc gia tăng các biện pháp hạn chế FDI, nhưng ngày càng nhiều lo ngại rằng hành động của chính quyền các nước phát triển sẽ tạo tiền lệ cho những nước đang phát triển làm theo hoặc sử dụng nó như một biện pháp trả đũa, như Trung Quốc và Nam Phi mới đưa ra các quy định sàng lọc FDI mới vì lý do an ninh.

Đại dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, gián đoạn chuỗi cung, thắt chặt các điều kiện tín dụng, thắt chặt thanh khoản và làm gia tăng tình trạng không chắc chắn về mọi mặt, kể cả quy định pháp lý. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn hoãn các kế hoạch mở rộng thay vì đưa ra các bước đi mạo hiểm.

Báo cáo cũng đánh giá tác động của FDI đối với tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, việc làm và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp ở các quốc gia. Kết quả cho thấy, dòng vốn FDI ở các nước đang phát triển mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân – bao gồm nhiều việc làm hơn, trả lương cao hơn, chuyển giao công nghệ và xây dựng mối liên kết mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, các chính phủ cũng cần cảnh giác với khả năng bất bình đẳng thu nhập ngày càng trầm trọng và một số nguy cơ khác.

Tham khảo: World Bank. 2020. Global Investment Competitiveness Report 2019/2020: Rebuilding Investor Confidence in Times of Uncertainty. Washington, DC: World Bank Group. doi:10.1596/978-1-4648-1536-2. License: Creative Commons Attribution CC BY 3.0 IGO