Nếu tận dụng được ưu đãi thuế quan của EVFTA thì tổng quy mô GDP của Việt Nam có thể tăng 2,4% và xuất khẩu có thể tăng 12% vào năm 2030.

Báo cáo "Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi Hiệp định EVFTA"

Tháng 5/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa công bố một trong những báo cáo được mong chờ nhất với tựa đề “Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi Hiệp định EVFTA".

Theo báo cáo, đến năm 2030, chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4%, xuất khẩu tăng 12%; và thêm 100.000 - 800.000 người thoát nghèo.

Các nhà nghiên cứu ước tính, EVFTA sẽ tạo ra tác động đến tăng trưởng GDP gần gấp ba lần so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nếu thực hiện đồng thời cả hai hiệp định thế hệ mới này, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ tới.

Lợi ích từ việc tham gia những hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA và CPTPP còn lớn hơn nữa nếu Việt Nam thực hiện nghị trình cải cách kinh tế và thể chế toàn diện nhằm tuân thủ những điều khoản phi thuế quan trong các hiệp định. Báo cáo ước tính những cải cách đó sẽ tạo ra "cú hích năng suất", giúp GDP tăng thêm 6,8% so với mức tăng trong kịch bản cơ sở.

Đã sẵn sàng về pháp lý

Việc phân tích những điểm khác biệt về pháp lý giữa luật hiện hành của Việt Nam với các lĩnh vực yêu cầu của EVFTA đã được thực hiện từ giữa năm 2019.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận xét rằng: "Các quy định pháp luật trong nước của Việt Nam chủ yếu tuân thủ các nghĩa vụ theo EVFTA. Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện hiệp định. Chỉ có một vài luật và quy định cần được xem xét, nhưng chúng đã được nhận định rõ trong bản đánh giá khác biệt về pháp lý để Chính phủ sửa đổi."

Báo cho biết thêm, "Việt Nam đã được hưởng lợi từ quá trình phê chuẩn CPTPP và sửa đổi những quy định trong nước vì hầu hết các quy định của EVFTA đều tương thích với CPTPP."

Mặc dù về nguyên tắc, các quy định trong nước sau khi điều chỉnh - chủ yếu là các quy định về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, quy tắc xuất xứ, dược phẩm, xe cơ giới, thương mại hàng hóa, cùng một số dịch vụ và mua sắm công - chỉ áp dụng cho EU và các quốc gia thành viên, nhưng nó cũng có khả năng khiến ưu đãi tự động được áp dụng cho các bên tham gia một số FTA đặc thù khác với Việt Nam, chẳng hạn thành viên các nước CPTPP hay thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu.

Tuy về pháp lý, Việt Nam đang cải cách cho phù hợp với các hiệp định thế hệ mới, nhưng hoạt động thực thi các điều khoản hiệp định được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức về cơ chế tổ chức và năng lực đáp ứng. Trong khuôn khổ báo cáo, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới lựa chọn phân tích 4 thách thức về (i) quy tắc xuất xứ, (ii) các biện pháp phi thuế quan như tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, (iii) các tranh chấp giữa nhà đầu tư với nhà nước, và (iv) khai thác lợi ích của EVFTA trong thời kỳ hậu COVID-19.

Với mỗi thách thức, báo cáo đều đưa ra các khuyến nghị tương đương với nhiều bên liên quan. Xem thêm chi tiết toàn văn báo cáo tiếng Việt và tiếng Anh tại đây.