Phần 2: Cambridge (Anh) - Bài học về cơ chế phát triển bền vững
Trên thực tế, công cuộc cải tạo đô thị của Harvard và MIT không chỉ dừng lại ở bản thân hai ngôi trường và sự phồn thịnh của đại đô thị Boston – nó có thể trở thành một bài học kinh nghiệm đối với những thành phố khác. Đây chính là điều mà bên kia bờ Đại Tây Dương, cách Boston gần 5000 cây số, chính quyền thành phố Cambridge (Anh) đang nhìn nhận về ngôi trường danh giá cùng tên của họ.
Trong nhiều thập kỷ, thành phố Cambridge hiện lên trong hình dung của những người chưa từng đến vùng đất này chỉ xoay quanh hình ảnh của Nhà nguyện King's College, những con thuyền đáy bằng lững lờ trôi trên dòng sông Cam, và các sinh viên nam thắt nơ bướm cùng những cô nàng xúng xính trong chiếc đầm dạ hội đang say sưa tí bỉ giữa Dạ tiệc tháng 5.
Nhưng những năm trở lại đây, các phương tiện truyền thông ngày càng tập trung khắc họa tầm quan trọng về kinh tế của thành phố Cambridge – nơi tập trung tiềm lực khoa học và đổi mới sáng tạo, mà mấu chốt chính là sức mạnh nghiên cứu và tiềm năng của những sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Cambridge danh giá. Đảng Bảo thủ Anh đang ấp ủ ý định đưa khoa học trở thành chìa khóa của nền kinh tế Vương quốc Anh hậu Brexit, kéo theo đó là sự ra đời của các khu vực nghiên cứu trong trung tâm công nghệ cao Silicon Fen, nơi được đánh giá sẽ là những con gà đẻ trứng vàng trong tương lai.
Tờ The Times mô tả Cambridge là “thành phố kinh tế phát triển nhanh nhất Anh Quốc”, Phó viện trưởng phụ trách hợp tác tổ chức và doanh nghiệp của ĐH Cambridge cho rằng thành phố là “cơ cấu đổi mới sáng tạo thành công nhất châu Âu”, là nơi đã thương mại hóa nhiều kết quả nghiên cứu khoa học hơn bất kỳ trường đại học nào khác trên toàn thế giới. Các ‘ông lớn’ như Microsoft, Apple, Amazon và AstraZeneca đều đã mở cơ sở của mình ở khu vực này.
Theo David Cleevely, người thành lập Mạng lưới Cambridge nhằm kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế gần đây của Cambridge đã đạt ngưỡng cao nhất từ trước đến nay ở Anh. Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Đô thị cho thấy trong số các thành phố ở Anh, thành phố Cambridge đứng đầu về số lượng đơn xin cấp bằng sáng chế/người, thứ hai về tỷ lê dân số có trình độ cao, thứ năm về tỷ lệ người có công ăn việc làm, và thứ sáu về mức trung bình thu nhập. Đáng chú ý, thành phố này đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng quỹ nhà ở.
Dân số Cambridge đã tăng lên khoảng 20% trong 15 năm qua, nhưng số dân cư của thành phố này vẫn chỉ là 125.000 người.
Trong suốt phần lớn thời kỳ hậu chiến, ĐH Cambridge đã đề ra chính sách quy hoạch cho thành phố này trên tinh thần bảo tồn tinh thần của nó – như là một “thị trấn đại học” cổ kính, và cố tình gạt ngành công nghiệp và đầu tư phát triển nhà ở sang bên lề. Thành phố lịch sử này vẫn được bao trùm trong một không gian xanh mát, bạn có thể đi bộ ở khu vực Midsummer Common để ngắm dòng sông Cam trong khi né những chú bò đang gặm cỏ. Nhưng thực tế là Cambridge nhỏ hơn nhiều so với trước đây, việc không đầu tư phát triển nhà ở đã dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng đến mức một ngôi nhà nhỏ 2 phòng ngủ trong dãy nhà liên kế - ban đầu được xây dựng làm chỗ ngủ cho công nhân đường sắt thời Victoria – có thể sang lại với giá 600.000 bảng.
Trước đây,ĐH Cambridge đã đề ra chính sách quy hoạch cho thành phố này trên tinh thần bảo tồn tinh thần của nó – như là một “thị trấn đại học” cổ kính. Ảnh:Allan Baxter.
Giờ đây, ĐH Cambridge đã đi theo một hướng khác, họ đã chấp nhận khoản nợ 1 tỷ bảng Anh để xây dựng 5.000 căn nhà ở ngoài rìa phía tây bắc của thành phố. Tuy nhiên, những ngôi nhà này được dành cho sinh viên sau đại học, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ và nhân viên quản lý. Người dân nghèo ở thành phố này một lần nữa bị gạt ra khỏi đời sống thịnh vượng của Cambridge.
Kết nối hai nửa thành phố về lại với nhau
Trung tâm nghiên cứu Đô thị xếp Cambridge là thành phố bất bình đẳng nhất về kinh tế của nước Anh. Trên thực tế, ở Cambridge, “những công việc đòi hỏi tay nghề cao sẽ được trả lương cao” hơn nhiều so với những thành phố khác. Nhưng những cư dân thành thị nghèo khổ ở nơi đây cũng nghèo đủ chuẩn quốc gia: Chỉ số Nghèo Đa chiều năm 2019 cho thấy ba khu dân cư ở thành phố này xếp top đầu trong những thành phố nghèo đa chiều, tăng một khu so với dữ liệu năm 2015.
Lewis Herbert, quan chức Hội đồng Thành phố Cambridge, cho rằng “giải quyết bất bình đẳng” và “kết nối hai nửa thành phố về lại với nhau” là một trong những mục tiêu quan trọng của Hội đồng. Ông kêu gọi các trường đại học – và các trường trực thuộc – hãy trả lương cao hơn cho các nhân viên phụ trách dọn dẹp và khuân vác, cũng như cung cấp cho họ nhà ở giá phải chăng. Ông cũng kêu gọi các trường đại học kết nối chặt chẽ hơn với trường học địa phương. Nhưng ông cho rằng những người đứng đầu các trường đại học và cao đẳng đang trở nên nhạy cảm với thông điệp của Hội đồng, rằng “Cambridge là một câu chuyện về hai thành phố.”
Một số người nghĩ rằng Cambridge nên mở rộng nhanh hơn nữa, vừa để giải quyết khả năng chi trả nhà ở, vừa tăng cường sức ảnh hưởng của thành phố. Stian Westlake - cựu cố vấn của ba bộ trưởng bộ khoa học Đảng Bảo thủ và Sam Bowman - cựu giám đốc điều hành của Viện Adam Smith, gần đây đã viết một bài báo cho rằng “chính sách đơn giản và dễ dàng nhất trong chuyển giao công nghệ, đó là tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng nhà ở và văn phòng gần những trung tâm nghiên cứu công nghệ cao”. Do đó chính phủ Anh nên “tập trung sự chú ý vào việc mở rộng Oxford hoặc Cambridge, hai thành phố học thuật lớn nhất của cả nước. Dù những cuộc tranh cãi đã diễn ra suốt hàng thập kỷ, nhưng những khu vực này vẫn không xây dựng thêm nhiều nhà ở mới.”
Nếu Cambridge mở rộng quy mô, chi phí nhà ở cũng sẽ giảm, Westlake dự đoán rằng những người làm trong ngành giáo dục, ngành y sẽ dễ dàng tìm nơi ở hơn. Và điều này cũng sẽ mang lại lợi kinh tế. Giả dụ một giáo sư muốn bắt đầu vận hành start-up về công nghệ sinh học, ông sẽ dễ dàng thuyết phục một kế toán viên chuyển đến khu vực này hơn.
Một người đàn ông vô gia cư đang ngủ say trước cánh cổng trường Đại học ở Cambridge. Ảnh:Antonio Olmos/The Observer
Sự bất bình đẳng được tạo ra từ nền học thuật phát triển của Cambridge không chỉ giới hạn ở hạt Cambridgeshire. Nhiều người đã bày tỏ lo ngại về sự chênh lệch trong tỷ lệ tài trợ nghiên cứu quốc gia dành cho tam giác vàng Cambridge-Oxford-London so với các khu vực khác. Theo đó, chính phủ đã xác định rằng đây sẽ là một phần trong chương trình nghị sự nhằm cải thiện các khu vực ít giàu có hơn ở Vương quốc Anh. Họ cam kết rằng, trong tháng này, khoản tiền 400 triệu bảng trong ngân sách dành cho nghiên cứu sẽ ngay lập tức được đầu tư cho những khu vực ngoài tam giác vàng.
Nhưng dù có nâng cấp và tái cân bằng đầu tư nghiên cứu, thì “Cambridge và Oxford vẫn sẽ là những thế lực trong học thuật và nghiên cứu, bất kể tình hình kinh tế đầu tư ở những thành phố khác biến chuyển như thế nào. Nhưng thời điểm này, chúng ta không thể tận dụng sự phát triển của chúng, bởi những khu vực này quá đắt đỏ để sinh sống.”
“Nếu Cambridge tăng trưởng với quy mô tương đương với Bristol [dân số khoảng 500.000 người], Nước Anh sẽ trở nên giàu có hơn và kết quả là số tiền chúng ta dành cho nghiên cứu sẽ có tác động kinh tế lớn hơn và làm được nhiều hơn trong việc cải thiện thế giới,” Westlake cho biết. Ông cho rằng xây dựng một thị trấn mới gần đó có thể là một lựa chọn không tồi.
Theo ông, vấn đề nằm ở việc mở rộng Cambridge “không phải là trách nhiệm của chính quyền trung ương. Đây là bổn phận của chính quyền địa phương.”
Năm 2018, địa phương đã lên kế hoạch xây thêm 34.500 ngôi nhà ở Greater Cambridge (gồm Cambridge và khu vực phía Nam hạt Cambridgeshire). Đại diện hội đồng thành phố cho biết, “chúng tôi đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng đáng kể. Nhưng hiện chúng tôi đang tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia về việc tăng trưởng như thế đã đủ chưa.” Thế nhưng, theo quan điểm của ông, “vai trò trung tâm của Cambridge trong nền kinh tế quốc gia không có nghĩa là chúng ta phải phát triển thật nhanh chóng.” Thành phố này cần phải có được sự cân bằng, “và Cambridge vẫn còn nhiều yếu tố cần bàn, chứ không chỉ về các ngành tăng trưởng cao.”
Nhưng chính phủ rõ ràng đang nôn nóng. Chính phủ cho biết sẽ dành ngân sách để “xem xét và hỗ trợ cho hơn bốn Tổng công ty Phát triển mới mở” tại các địa điểm gần Cambridge, bao gồm “kế hoạch mở Thị trấn Mới ở Cambridge, đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng và nhà ở.”
Về phần mình, Cleevely (người sáng lập Mạng lưới Cambridge) cho rằng việc tăng dân số khu vực thành thị Cambridge lên 1 triệu người vào năm 2060 là “hoàn toàn khả thi”. “Nhưng tôi không rõ chúng ta có muốn hiện thực hóa điều đó không”, ông nói thêm. Dẫu vậy, nếu không chú ý đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng, ông dự đoán khu vực Cambridge sẽ bị “tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng” vào năm 2030.
Theo ông, điều cần thiết lúc này là “một chiến lược phù hợp” về cách thức phát triển Cambridge, với việc xem xét làm thế nào để đưa phần 25% đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đa chiều có thể trở thành một phần của thành phố thịnh vượng này. Ông cũng kêu gọi các chuyên gia nghiên cứu về những yếu tố tạo ra cơ chế đổi mới sáng tạo cũng như sự tăng trưởng kinh tế vượt trội của Cambridge, để giúp “áp dụng những yếu tố này cho phần còn lại của nước Anh”
“Nếu chúng ta hiểu về cơ chế hoạt động của nó, chúng ta có thể áp dụng cơ chế đó ở những nơi khác nữa”, ông nói.