Báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới nhận định, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn, dù một số chỉ số kinh tế và tài chính chưa thể trở lại như trước khi có dịch Covid-19.

Theo Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới với tiêu đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của COVID-19” công bố ngày 30/7/2020, kinh tế Việt Nam dù chịu ảnh hưởng của COVID-19 trong nửa đầu năm 2020 vẫn giữ được viễn cảnh tích cực trước mắt và trong trung hạn.

"Dự báo tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020. Nhờ thoát được quỹ đạo dịch bệnh sớm hơn, chúng tôi tin trưởng Việt Nam sẽ có cơ hội đặc biệt nhằm nâng tầm dấu ấn của mình trong nền kinh tế toàn cầu - cả về thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy nghị trình cải cách trong nước, bao gồm chuyển đổi số, và quản lý tài nguyên bền vững", bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, chia sẻ trongbuổi công bố báo cáo trực tuyếnhôm 30/7.

Trong 2 kịch bản dự báo, Ngân hàng Thế giới cho rằng, nếu tình hình thế giới tích cực trong nửa cuối năm nay, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng khoảng 2,8% trong năm 2020 và 6,8% trong năm 2021. Tuy nhiên nếu bối cảnh thế giới kém lạc quan hơn, thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chỉ ở mức 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.

Tìm những động lực tăng trưởng mới

Tuy được dự báo tích cực, các đại diện của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra những bình luận thận trọng. Báo cáo viết: "Mặc dù tính đến đầu tháng 7, cuộc sống ở nhiều nơi trong nước dường như đã trở lại bình thường hoặc gần với những gì nó từng xảy ra trước đại dịch. [...] Tuy nhiên sự trở lại bình thường nhanh chóng này có thể là ảo tưởng."

Theo phân tích, một số chỉ số kinh tế và tài chính của Việt Nam vẫn chưa thể trở lại như trước. Đại dịch cũng đã để lại những vết sẹo, đặc biệt là đối với những người dân và doanh nghiệp ít chuẩn bị cho những cú sốc như vậy.

Ông Jacques Morisset, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và là người đứng đầu Báo cáo, nói thách thức lớn của Việt Nam là phải tìm ra những động lực tăng trưởng mới để củng cố quá trình hồi phục, khi những động lực cũ - như sức cầu từ nước ngoài và tiêu dùng trong nước vốn đóng góp tới 75% tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2019 - khó có thể sớm trở lại như trước dịch.

Ông cũng phân tích tình trạng bình thường mới của Việt Nam sau dịch Covid-19 và chỉ ra 4 xu hướng sẽ được củng cố ở Việt Nam, bao gồm những vai trò mới của nhà nước trong việc khôi phục kinh tế-xã hội, sự trỗi dậy của nền kinh tế không tiếp xúc, cách thức gia tăng dấu ấn của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới, và quản trị bất bình đẳng mới.

Dưới đây là một vài con số tổng quan về kinh tế Việt Nam thời Covid-19 của Ngân hàng Thế giới. Báo cáo đầy đủ xem tại đây.

Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 khi phải đối phó với dịch Covid-19  Nguồn: Ngân hàng Thế giới