Những năm gần đây, các nhà khoa học mới vào nghề đang phải cạnh tranh gay gắt với nhau để giành suất biên chế và tài trợ. Mặc dù đã có nhiều cuộc thảo luận diễn ra nhằm khắc phục tình trạng này, song hiện vẫn chưa có giải pháp nào khả dĩ.
Mới đây, một nghiên cứu đã chỉ ra một yếu tố quan trọng: Các nhóm nghiên cứu đã phát triển quy mô, tăng gấp đôi từ trung bình 1,8 tác giả mỗi bài báo vào năm 1970 lên 3,6 vào năm 2004. Cứ một người tăng lên trong số thành viên trung bình của các nhóm nghiên cứu ở một lĩnh vực nhất định, cơ hội giữ vị trí nghiên cứu viên chính thức (để sau đó có cơ hội giành suất biên chế) của các tiến sĩ mới nhận bằng trong lĩnh vực đó lại giảm 24%, cơ hội giành được suất biên chế giảm 29%, cơ hội nhận tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ thấp đi 11%, và có khả năng rời bỏ con đường nghiên cứu cao hơn 11% - theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 14/8 trên tạp chí
Nature Biotechnology. Những người có khả năng từ bỏ nhiều nhất là phụ nữ và các nhà khoa học sinh ra ở nước ngoài.
“Có rất nhiều bài báo thảo luận về lợi ích mà các nhóm nghiên cứu thu được khi tăng quy mô, nhưng không có nhiều bài báo bàn về cái giá mà họ phải trả,” Phó giáo sư Lingfei Wu thuộc Trường Máy tính và Thông tin của Đại học Pittsburgh, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết. Công trình trước đây của ông đã cho thấy các nhóm nhỏ hơn bộc lộ khả năng sáng tạo cao hơn. “Sự hợp tác có thể ảnh hưởng đến những nghiên cứu viên mới vào nhóm theo hướng tiêu cực, vì nó có thể làm mờ đi mức độ đóng góp của họ và khiến con đường thăng tiến trong sự nghiệp trở nên gian nan hơn”.
Nghiên cứu mới này là cơ hội để hai tác giả Catherine de Fontenay thuộc Đại học Melbourne và Kwanghui Lim thuộc Trường Kinh doanh Melbourne kiểm chứng một mô hình lý thuyết mà họ từng phát triển trước đó. Cụ thể, họ cho rằng các nhà khoa học đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp sẽ gặp khó khăn trong các lĩnh vực có kích thước nhóm nghiên cứu ngày càng tăng.
Bằng cách kết hợp dữ liệu từ Khảo sát Người nhận bằng tiến sĩ của Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF), theo dõi con đường sự nghiệp sau tốt nghiệp của những người có bằng tiến sĩ tại Mỹ, xem xét số lượng tác giả trung bình trên các bài báo trong bảy lĩnh vực khoa học lớn, nhóm nghiên cứu phát hiện, sự gia tăng quy mô nhóm nghiên cứu từ năm 1973 đến năm 2013 đã giải thích rõ ràng lý do các nhà khoa học mới nhận bằng tiến sĩ khó có khả năng giành được vị trí nghiên cứu viên chính thức hơn.
Một số nhà khoa học khác cho rằng sự kiện chấm dứt chế độ nghỉ hưu bắt buộc trong giới học thuật có thể là yếu tố góp phần thúc đẩy xu hướng trên. Vào năm 1994, luật pháp Hoa Kỳ
đã nghiêm cấm các tổ chức học thuật đặt ra độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc. Từ đó, độ tuổi trung bình của các nhà khoa học tại hầu hết các tổ chức giáo dục đại học đã tăng lên, có những người thậm chí vẫn tích cực cống hiến cho khoa học ở độ tuổi tám mươi. Tuy nhiên, các tác giả của công bố mới cho rằng lý do này chưa đủ thuyết phục.
“Cách thức một nhóm nghiên cứu hoạt động có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của thành viên nhóm”, tác giả nghiên cứu Donna Ginther, nhà kinh tế học tại Đại học Kansas, cho biết. Những người có khả năng rút khỏi nhóm nghiên cứu nhiều nhất là phụ nữ và nhà khoa học ngoại quốc. Đối với họ, cứ một tác giả được bổ sung tên vào bài báo sẽ giảm khả năng giành suất nghiên cứu viên chính thức của họ thêm từ 5% đến 6% nữa. “Phụ nữ và các nhà khoa học sinh ra ở nước ngoài chật vật trong môi trường học thuật này, và môi trường này do chính chúng ta tạo ra,” James Evans, nhà xã hội học tại Đại học Chicago và Viện Santa Fe, người đã nghiên cứu về quy mô nhóm và sự sáng tạo trong hợp tác cùng với phó giáo sư Lingfei Wu, cho biết.
Việc mở rộng quy mô nhóm không chỉ gây hại cho các nhà khoa học trẻ mà còn làm giảm khả năng tự kiểm tra và sửa sai trong học thuật. Ông cho rằng khi nguồn tài trợ được dồn vào các phòng thí nghiệm lớn, các nhà khoa học có thể hình thành những ý tưởng mới nhưng chưa được kiểm chứng kỹ càng. Những lỗi sai khó bị phát hiện và được sửa chữa vì các nhóm nghiên cứu lớn thường thiếu tính độc lập cần thiết để phản biện lẫn nhau.
Chính sách phân bổ tài trợ có thể giúp giải quyết vấn đề này, nhưng cần được thực hiện một cách cẩn thận để không làm tình hình trở nên tệ hơn. Mặc dù nhiều người cho rằng việc tăng tài trợ sẽ làm giảm bớt sức cạnh tranh và tình trạng rời bỏ sự nghiệp ở giai đoạn đầu, nhưng nhóm của Ginther không nghĩ vậy. Khi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) tăng gấp đôi ngân sách của mình vào giữa năm 1998 và 2003, dòng tiền tài trợ này không được dùng vào việc mở rộng số lượng phòng thí nghiệm mà thay vào đó mở rộng quy mô các nhóm. Và trong lĩnh vực khoa học sự sống, chủ yếu do NIH tài trợ, là nơi các tác giả ghi nhận sự sụt giảm lớn nhất về tỷ lệ tiến sĩ được tuyển dụng vào các vị trí chính thức.
Thay vì tăng cường tài trợ cho toàn bộ giới nghiên cứu, một số chương trình hiện đặc biệt nhắm vào các nhà nghiên cứu đã sẵn sàng để xây dựng các phòng thí nghiệm của mình. Ví dụ, Ginther ủng hộ một cơ chế được NIH triển khai vào năm 2008 nhằm giúp các nhà nghiên cứu mới bắt đầu xây dựng phòng thí nghiệm của họ. “NIH đã có chính sách Nhà nghiên cứu Giai đoạn đầu để ưu tiên tài trợ cho các nhà nghiên cứu mới vào nghề,” Ginther cho biết. “Đã có cuộc thảo luận về việc nên áp dụng cho các nhà khoa học ở giai đoạn giữa sự nghiệp nữa.” Các công trình nghiên cứu trong tương lai có thể đánh giá mức độ hiệu quả của những chương trình như vậy.
Nhóm nghiên cứu sẽ cần tiến hành thêm nhiều dự án để điều tra lý do tại sao các nhà khoa học mới vào nghề lại rời bỏ con đường học thuật, cũng như tìm kiếm các đặc điểm chung về giới tính, độ tuổi, xuất thân của họ. Bên cạnh đó, nghiên cứu hiện tại cũng chỉ mới khảo sát chung mà chưa làm rõ cơ chế vận hành của những nhóm nghiên cứu sau khi họ tăng số lượng thành viên. "Còn rất nhiều công việc cần được thực hiện trong tương lai để hiểu hơn về những lựa chọn của các nhà khoa học", Wu kết luận
Nguồn: