Những gã khổng lồ công nghệ Facebook, Google và Amazon... đang cố gắng lấy lại phong độ của họ.

Khi giám đốc bộ phận nhân sự của Meta (Năm 2021, Facebook đã đổi tên thành Meta), Lori Goler, viết những dòng lưu ý lên bản tin nội bộ của công ty vào mùa hè năm ngoái, yêu cầu nhân viên làm việc với “cường độ cao hơn”, nhiều nhân viên đã bày tỏ sự phản đối.


Một số nhân viên không hài lòng với ý kiến ​​cho rằng họ chưa làm việc đủ chăm chỉ. Những người khác cảm thấy vấn đề không nằm ở đội ngũ nhân viên, mà là ở ban quản lý, bộ máy cồng kềnh và cơ cấu quan liêu của công ty - chúng cản trở họ hoàn thành nhanh chóng công việc hằng ngày và phản hồi kịp thời cho ban lãnh đạo. Một số người thì đơn giản là không muốn làm nhiều việc hơn nhưng lương thì vẫn giữ nguyên. Nhiều nhân viên nhận lương bằng cổ phiếu của Meta, vốn đã giảm nhanh chóng trong năm qua, nên những người lao động thực sự sẽ làm nhiều hơn với mức lương thấp hơn.

Sự kiện này gợi lên một câu hỏi: liệu một gã khổng lồ công nghệ như Meta có thể hoạt động, đưa ra yêu cầu cho nhân viên với tư cách là một công ty khởi nghiệp hay không?

Tất nhiên, bản thân các công ty công nghệ lớn như Meta từng là công ty khởi nghiệp. Nhưng đó là vào những thập kỷ trước, khi quy mô của họ nhỏ và vận hành linh hoạt hơn nhiều, lúc bấy giờ họ đang tạo ra những sản phẩm có khả năng sinh lời đến khó tin. Giờ đây, các công ty này đang yêu cầu nhân viên của họ làm việc với “cường độ cao hơn” mà không có bất kỳ phúc lợi nào kèm theo trong thời gian ngắn. Nói cách khác, họ đang yêu cầu đội ngũ làm việc như những nhân viên khởi nghiệp háo hức và đầy tham vọng - nhưng trong một bối cảnh hoàn toàn mới. Hiện tại, Meta, Alphabet và Amazon vẫn là những công ty lớn và có lợi nhuận cao. Họ kỳ vọng nhân viên hoặc làm việc chăm chỉ hơn hoặc bị sa thải, không phải vì công ty không kiếm được tiền, mà vì họ không sinh lời đủ nhanh.

Người sáng lập và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg trò chuyện với các nhân viên của trước khi phát biểu tại một cuộc họp báo tại trụ sở Facebook vào ngày 6/10/2010. Ảnh: Justin Sullivan/Getty

Meta không phải là trường hợp duy nhất. Những tin nhắn nhắc nhở nhân viên xuất hiện ngày càng nhiều khi các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Meta, trước đây là Facebook, đã 19 tuổi. Alphabet, công ty sở hữu Google, đang ở giữa độ tuổi 20 và Amazon sẽ sớm bước vào thập kỷ hoạt động thứ tư. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng của các công ty này đã chậm lại. Vốn hóa thị trường của Meta, Google và Amazon tổng cộng đã giảm 1,5 nghìn tỷ USD trong năm ngoái.

Như một nhân viên của Google đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, “Đã có lúc Google còn non trẻ và khao khát. Nhưng từ lâu chúng tôi đã không còn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết”.

Làn sóng cắt giảm nhân sự

Ban lãnh đạo của cả ba công ty này hiện đang cố gắng hết sức để gợi lại hình bóng một thời huy hoàng - những ngày còn chật vật nhưng nhiều hy vọng. Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của cả Alphabet và Google, đang cố gắng nhắc nhở mọi người rằng Google đã từng “nhỏ bé và phải làm việc cật lực”, ông nói với nhân viên rằng sự chăm chỉ và vui vẻ “không phải lúc nào cũng phải gắn với tiền bạc”. Công ty đã sa thải 12.000 người vào cuối tháng Giêng. Tại Meta, công ty đã cho 11.000 nhân viên ra đi vào tháng 11, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg bày tỏ anh muốn nhân viên “quay trở lại với một nền văn hóa làm việc hết mình hơn”. Trong khi đó, mới đây Giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy đã khuyên các nhân viên của Amazon hãy “sáng tạo, tháo vát và linh hoạt trong thời điểm này khi chúng ta không tuyển dụng ồ ạt và sẽ cắt giảm một số vị trí”, sau khi hàng loạt công ty công nghệ sa thải nhân viên vào cuối năm ngoái.

Amazon vẫn còn một chặng đường dài phía trước, khi giá cổ phiếu của họ đã giảm khoảng 50% so với mức đỉnh vào năm 2021.

“Bất kỳ công ty nào muốn tạo ảnh hưởng lâu dài đều phải sắp xếp thứ tự ưu tiên và làm việc với cường độ cao để đạt được mục tiêu,” Meta trả lời tờ Recode.

Sự tồn tại không phải là vấn đề đối với các công ty, điều họ quan tâm đó là nên tiến hành những điều chỉnh như thế nào để tiếp tục phát triển và tạo ra những sản phẩm thay đổi thế giới, như họ đã làm trong những năm qua. Chắc chắn, những động thái mà các công ty này thực hiện khi họ cố gắng thay đổi hoạt động kinh doanh và văn hóa của mình sẽ mang lại tác động to lớn vượt ra ngoài ngành công nghệ, vì các công ty công nghệ có xu hướng ảnh hưởng đến các công ty Mỹ nói chung.

Hiện tại, làn sóng sa thải có vẻ như là đợt điều chỉnh đáng chú ý nhất ở Thung lũng Silicon. Một mặt, việc sa thải hàng nghìn nhân viên là một hình thức “điều chỉnh quy mô phù hợp” sau đợt tuyển dụng ồ ạt trong thời kỳ đại dịch. Mặt khác, yêu cầu những nhân viên ở lại hoàn thành nhiều việc hơn với ít nguồn lực hơn có thể gây mất tinh thần và có thể khiến một số nhân viên giỏi nhất bỏ đi.

GS Margaret O’Mara, nhà nghiên cứu về lịch sử công nghệ, thuộc Đại học Washington không nghĩ việc các công ty lớn khơi gợi tinh thần khởi nghiệp trong nhân viên là nước đi hiệu quả. “Nhiều nhân viên sẽ không mấy hài lòng vì họ đang làm việc rất chăm chỉ nhưng lại không nhìn thấy triển vọng gì trong tương lai”.

Nhưng Drew Pascarella, giảng viên tài chính cao cấp tại Trường Kinh doanh Cornell, cho rằng thông điệp khởi nghiệp có thể hữu ích trong việc xua tan nỗi bất an trong lòng các nhân viên còn lại, khi tin tức sa thải cứ liên tục xuất hiện. “Họ đang gợi lại quá khứ tươi đẹp khi làm việc cho ngành công nghệ ở Thung lũng với nhiều điều thú vị và tuyệt vời”. Ông nói thêm rằng thông điệp không hoàn toàn là lời nói suông, bởi các công ty này vẫn đổi mới ở một mức độ nào đó. Họ cũng có các phân khu được thiết kế để hoạt động như các công ty khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, những gã khổng lồ công nghệ đang cắt giảm các dự án mạo hiểm, những dự án R&D đầy tham vọng thường không sinh lời nhiều. Google đã chấm dứt nỗ lực xây dựng mạng nơ-ron mô hình hóa bộ não của ruồi, cắt giảm đơn vị đổi mới và thậm chí sa thải một số kỹ sư trong lĩnh vực AI, lĩnh vực mà công ty cho biết vẫn là lĩnh vực đầu tư “chính”. Amazon đang thu hẹp quy mô phát triển của Alexa, công nghệ nhiều tiềm năng nhưng phải đầu tư rất nhiều tiền . Meta có lẽ là một trường hợp kỳ lạ khi tăng gấp đôi khoản đầu tư vào dự án mạo hiểm metaverse, nhưng đổi lại công ty đã dừng các dự án lớn khác, chẳng hạn như phần cứng trò chuyện video Portal.

Tất cả những quyết định cắt giảm và sa thải này giúp các công ty tiết kiệm tiền trong thời gian ngắn, và thị trường chứng khoán đã cho thấy phản ứng tích cực. Nhưng việc cắt giảm quá nhiều khả năng gây nguy hiểm cho sự phát triển của họ trong tương lai. Họ không biết liệu dự án thua lỗ hôm nay có thể là Google Ads hoặc Instagram tiếp theo hay không. Những thay đổi này cũng đánh dấu một sự thay đổi khác biệt so với thời điểm khởi nghiệp ban đầu của các công ty, giờ đây họ ưu tiên lợi nhuận hơn tiềm năng.

Lợi và hại

Tuy nhiên, dù mục đích là gì, việc sa thải không có nghĩa là các công ty sẽ tiết kiệm được tiền, việc yêu cầu người lao động làm việc chăm chỉ hơn cũng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực không lường trước được.

Mặc dù lời nhắc nhở “hoặc chăm chỉ hoặc bị sa thải” có thể thúc đẩy mọi người làm việc chăm chỉ hơn và chứng minh rằng các dự án của họ đáng giá đối với lợi nhuận của công ty, nhưng điều đó cũng có thể thúc đẩy các hành vi tiêu cực, chẳng hạn như nhiều nhân viên đang cạnh tranh không lành mạnh để giành lấy các dự án được ưu tiên cao. Trước đây, các nhóm trong công ty sẽ chia sẻ dữ liệu hoặc kết hợp các yêu cầu tính năng khi họ tìm thấy sự liên quan trong công việc của nhau. Điều đó giờ đây đã chấm dứt. Thay vào đó, các nhóm không còn muốn hợp tác mà chuyển sang mổ xẻ những thiếu sót của nhau.

Việc yêu cầu những người lao động còn lại làm việc chăm chỉ hơn và hiệu quả hơn sẽ chỉ khiến họ mất tinh thần. Đó là cách mọi thứ đang diễn ra ở Google. Đã có lúc các công ty xem việc không bị sa thải là niềm tự hào, cho thấy bản thân là những nhân viên được đánh giá cao trong một công ty hoạt động tốt. Vào những ngày nghỉ lễ, các nhân viên sẽ gửi lời cảm ơn ban lãnh đạo trên hệ thống liên lạc nội bộ của công ty vì đã không sa thải nhân viên,và nhìn chung là dường như không giống như mọi công ty công nghệ khác. Đợt sa thải mới đây đã thay đổi mọi thứ. Đội ngũ của Google đã phải vật lộn để tìm ra lý do hợp lý cho việc sa thải nhân viên, vì chúng còn liên quan đến sự liên kết của nhóm dự án, thành tích của mỗi người và thâm niên làm việc.

Một kỹ sư phần mềm của Google cho biết không khí ở công ty rất tệ. Mặc dù đợt sa thải nhân viên có thể khiến một số người làm việc chăm chỉ hơn, nhưng ông suy đoán rằng nhiều người khác có thể cảm thấy mất động lực và bắt đầu tìm kiếm công việc khác do quy mô sa thải nhân công quá lớn, họ không biết bao giờ sẽ đến lượt mình. “Quan điểm của họ là, ‘Tôi không biết liệu làm việc chăm chỉ có giúp tôi giữ được công việc của mình hay không. Tôi không hiểu tại sao lại có những đợt sa thải như vậy. Đồng nghiệp của tôi ở đây thật tuyệt vời. Và họ cứ thế biến mất’”.

Thật khó để đưa ra lời khuyên cho các công ty công nghệ lớn, họ có trở thành Microsoft - phát triển lâu dài và bền vững nhờ điện toán đám mây không? Hay họ sẽ mất dần vinh quang như Xerox hay RCA, những công ty đã tạo ra một số đổi mới công nghệ lớn nhất trong thời đại của họ nhưng lại thất bại trong việc đưa tinh thần đổi mới đó vào kỷ nguyên công nghệ tiếp theo?

Để luôn đi đầu, những gã khổng lồ công nghệ đang dựa vào tầm nhìn của chính họ về tương lai. Meta đang tập trung vào metaverse. Google đang đặt cược vào AI, thậm chí còn kêu gọi những người sáng lập Google giúp đỡ thực hiện sứ mệnh này. Và Jassy của Amazon cho biết ông ấy tâm niệm chìa khóa là tìm ra các cải tiến cơ bản, đơn giản hóa quá trình đổi mới. Dẫu vậy, Meta, Alphabet và Amazon vẫn còn một chặng đường dài phía trước, khi giá cổ phiếu của họ đã giảm khoảng 50% so với mức đỉnh vào năm 2021.

GS. Margaret O’Mara cho rằng yếu tố quyết định thành lại nằm ở tầm nhìn của những nhà lãnh đạo. “Các công ty không nhất thiết phải khơi gợi bằng cách nói rằng ‘Chúng ta sẽ quay về những ngày tháng khởi nghiệp’. Hãy cung cấp một tầm nhìn rõ ràng, thú vị, đầy tiềm năng và thúc đẩy nhân viên làm việc vì những mục tiêu có ý nghĩa đó”.

David Yoffie, giáo sư Trường Kinh doanh Harvard và là thành viên hội đồng công nghệ lâu năm tại các công ty bao gồm Intel và HTC, thì cho rằng những gã khổng lồ công nghệ nên tập trung vào việc “tăng cường sức mạnh cho các nhóm nhỏ, linh hoạt để thực hiện những cải tiến mới và sáng tạo”. Nhưng điều này có vẻ khó thực hiện, đòi hỏi công ty gia tăng quyền tự chủ cho các nhóm, chưa kể đến việc phải tài trợ nhiều hơn. Song ông cho rằng đó là điều bắt buộc phải tiến hành, “các công ty chỉ tăng trưởng trở lại chỉ khi họ duy trì mức độ đổi mới sáng tạo để phát triển các doanh nghiệp mới và mở rộng,” ông khẳng định. Đưa ra quyết định đầu tư hợp lý trong khi thực hiện những cắt giảm cần thiết là điều rất khó, phụ thuộc vào khả năng lãnh đạo của ban điều hành.