Khép lại năm đầu tiên tại vị của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Biden, hãy cùng đánh giá xem liệu ông có giữ được lời hứa sẽ cầu thị lắng nghe khoa học, đưa ra những quyết định dựa trên bằng chứng đáng tin cậy hay không.

d
Tổng thống Biden đến thăm một phòng thí nghiệm tại Viện Y tế Quốc gia (NIH). Ảnh: Pete Marovich

Sau một năm nhậm chức, để thực hiện lời hứa trong vận động bầu cử, Biden đã ghi điểm trong mắt các nhà nghiên cứu khi đưa cố vấn khoa học của mình, nhà di truyền học Eric Lander, vào nội các - bộ máy trung tâm của Nhà Trắng, cũng như nhanh chóng đảo ngược nhiều chính sách phản khoa học được xây dựng dưới thời Trump.

Bảo vệ sự liêm chính trong khoa học

Tổng thống Biden đã sớm nhắm vào chính sách khoa học như một lằn ranh để phân biệt chính quyền của mình với chính quyền của Trump. Chẳng hạn, chỉ một tuần sau khi nhậm chức, ông đã công bố một bản ghi nhớ về việc “khôi phục lòng tin vào chính phủ thông qua liêm chính khoa học và hoạch định chính sách dựa trên các bằng chứng” mà lực lượng đặc nhiệm đã công bố trong bản báo cáo các vi phạm nghiêm trọng về liêm chính khoa học dưới thời chính quyền Trump tại các cơ quan như Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia. Báo cáo cũng khuyến nghị thành lập một hội đồng liên ngành về liêm chính khoa học nhằm điều tra các sai phạm.

Các cơ quan giám sát khoa học sẽ theo dõi cách Nhà Trắng xử lý vấn đề này và một loạt các vấn đề khác như môi trường, vũ khí hạt nhân và những câu hỏi hóc búa về sự can thiệp của nước ngoài vào nền khoa học Mỹ. Họ cũng sẽ giám sát các nỗ lực điều chỉnh nhân sự tại những cơ quan chính phủ đã mất hàng nghìn nhà khoa học dưới thời chính quyền Trump. Cho đến nay, những nỗ lực đó đã thành công phần nào, tình hình nhân sự tại các cơ quan của Hoa Kỳ như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã ổn định. Nhưng các cơ quan khác, chẳng hạn như Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), cơ quan đã gạt bỏ hơn 700 nhà khoa học dưới thời Trump, vẫn phải vật lộn để bù đắp những khoảng trống.

Kiểm soát sức khỏe cộng đồng

Khi làn sóng COVID-19 tấn công nước Mỹ vào đầu năm 2021, Biden hứa hẹn sẽ lắng nghe các nhà khoa học. Sam Groseclose, phó giám đốc khoa học của CDC, người đã nghỉ hưu vào tháng 12/2018 cho biết các nhà nghiên cứu tại CDC không còn gặp phải các rào cản nào nữa, Họ được khuyến khích sử dụng kết quả khoa học để đưa ra khuyến nghị, môi trường làm việc giờ đây thuận lợi hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu nói rằng trong quá trình ra quyết định, CDC đã bỏ qua những nghiên cứu về khoa học xã hội và khoa học thực hiện (nghiên cứu về các phương pháp và chiến lược cho phép áp dụng nghiên cứu vào thực tế) vốn xem xét cách áp dụng hiệu quả các can thiệp sức khỏe trong cộng đồng. Ví dụ, CDC đã phạm phải một sai lầm vào tháng 5 khi khuyến cáo những người được tiêm chủng không cần đeo khẩu trang ở khu vực công cộng, Helen Chu, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Washington ở Seattle, cho biết. Vào thời điểm đó, lời khuyên sẽ rất đúng đắn nếu chúng ta xem xét dữ liệu virus học trong môi trường chân không, nhưng nó không tính đến hành vi của con người. Đúng như dự đoán, kết quả là những người không được tiêm chủng cũng ngừng đeo khẩu trang trong không gian kín, và các trường hợp mắc bệnh COVID-19 đã tăng lên trước khi CDC đảo ngược quyết định của mình vào cuối tháng bảy.

Nguyên giám đốc CDC Tom Frieden cho rằng, Biden có thể đang quá trớn khi cho phép CDC hoạt động động lập - như một cách chứng tỏ rằng mình không kiểm duyệt hay can thiệp vào khoa học. Frieden nói rằng Nhà Trắng và các cơ quan khác nên giúp hình thành các chính sách hợp lý và truyền đạt chúng một cách rõ ràng và thống nhất để tránh gây ra sự nhầm lẫn.

Sự thăng trầm của FDA

Dưới thời chính quyền Trump, FDA đã bị các nhà khoa học coi thường, thậm chí là chế nhạo sau khi tổ chức này cho phép sử dụng khẩn cấp hydroxychloroquine và huyết tương trong điều trị COVID-19. Peter Lurie, chủ tịch Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Cộng đồng ở Washington DC, cho biết Biden đã đưa phần lớn mọi thứ trở lại như trước đây. Kể từ khi Biden nhậm chức, cách mà cơ quan này đánh giá về các loại thuốc kháng virus dùng trong trường hợp khẩn cấp và giám sát các tác dụng phụ từ vaccine COVID-19 là mô hình để các cơ quan quản lý học hỏi khi phải đối mặt với đại dịch toàn cầu, Lurie nói.

Tuy nhiên, FDA nên triển khai nhiều hoạt động hơn nữa để chống lại thông tin sai lệch về vaccine và các sản phẩm khác. Một loạt thông tin sai lệch về vaccine COVID-19 đã góp phần khiến một phần ba người Mỹ chưa được tiêm chủng đầy đủ. Joshua Sharfstein, người từng là phó ủy viên chính của FDA dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết cơ quan này đã bị mắc kẹt trong một “kiểu giao tiếp cũ”. FDA thường chỉ tương tác với công chúng khi cơ quan cần đưa ra một thông báo chính thức, và “thế là cơ hội đã bị bỏ qua”.

Erica Jefferson, phó ủy viên phụ trách các vấn đề đối ngoại tại FDA, trả lời rằng bất chấp nỗ lực của cơ quan này, “vẫn có một nhóm người ở cả trong và ngoài nước, tiếp tục lan truyền thông tin sai lệch gây tổn thất đáng kể”.

Nhưng các chuyên gia nhận định rằng mọi người vẫn sẽ nhớ đến sai lầm nghiêm trọng mà FDA dưới thời Biden đã mắc phải vào tháng sáu năm ngoái, khi họ phê duyệt việc sử dụng aducanumab cho những người mắc Alzheimer - bất chấp một hội đồng tư vấn độc lập đã khuyến cáo rằng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả làm chậm quá trình suy giảm nhận thức của loại thuốc này không rõ ràng.

Đáp lại, Jefferson chỉ ra rằng FDA đã sử dụng “con đường phê duyệt nhanh” cho aducanumab để “giúp bệnh nhân tiếp cận sớm hơn trong khi chúng tôi tiếp tục thu thập dữ liệu về lợi ích của thuốc”. Cơ quan này yêu cầu một thử nghiệm lâm sàng bổ sung kéo dài 9 năm cho loại thuốc này, như một điều kiện để được phê duyệt. “Chúng tôi đã xem xét rất kỹ lưỡng”, bà nhấn mạnh.

https://www.nature.com/articles/d41586-022-00108-4